Hoàn thiện quy định để sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023-2030
Tháng 4/2020, huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). |
Ngày 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Ông yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khắc phục hạn chế trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2023-2030.
Bộ Nội vụ được giao tham mưu, trình Thủ tướng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của các địa phương.
Bộ cũng phải nhanh chóng xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước tại các huyện, xã hình thành sau sắp xếp.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn sơ bộ tiêu chuẩn phân loại đô thị đối với các đơn vị hành chính đô thị được hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021, trình Thủ tướng để báo cáo Ủy ban Thường Quốc hội.
Đối với các đơn vị hành chính đô thị dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030, Bộ phải hướng dẫn các tỉnh, thành phố, rà soát tình hình quy hoạch đô thị của địa phương, đề xuất các biện pháp bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị sau khi hoàn thành sắp xếp.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các huyện, xã thực hiện sắp xếp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp số liệu diện tích tự nhiên theo kết quả kiểm kê đất đai của từng đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo từng tỉnh, thành để địa phương và Bộ Nội vụ có căn cứ lập, thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan Trung ương để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của địa phương.
Tháng 3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2.
Giai đoạn 2019-2021, cả nước sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, từ đó giảm được 8 huyện và 561 xã. Việc này giúp giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã với 3.600 biên chế; 429 cơ quan cấp huyện với 141 biên chế; giảm chi ngân sách cả giai đoạn hơn 2.000 tỷ đồng.
Thủ tướng đánh giá, tiến trình sắp xếp lại đơn vị hành chính huyện, xã giai đoạn 2019-2021 đã giúp tinh gọn bộ máy, biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước và phát huy lợi thế địa phương. Tuy nhiên, công tác sắp xếp còn nhiều hạn chế như chưa làm tốt việc bố trí, giải quyết chế độ chính sách với cán bộ công chức dôi dư. Một số đơn vị hành chính đô thị mới sau sắp xếp chưa nâng cao chất lượng như mong đợi. Việc xử lý, khai thác trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức dôi dư sau sắp xếp còn bất cập, có nơi lãng phí. Chính sách đặc thù với đơn vị hành chính có nơi chưa cụ thể.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)