Hoàn thiện hệ thống dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”
BẮC GIANG - Ngày 21/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06/CP; Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì.
Đồng chí Mai Sơn và Đại tá Nguyễn Quốc Toản đồng chủ trì hội nghị. |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ tỉnh đến các huyện, thị xã, TP và xã, phường, thị trấn.
Theo Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh ban hành 106 văn bản chỉ đạo các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06/CP; 100% UBND các huyện, thị xã, TP đã ban hành hế hoạch triển khai, thực hiện Đề án 06/CP năm 2024.
Đến nay, kết quả dịch vụ công trực tuyến đạt 77,15%, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn tổng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của cả nước (toàn quốc đạt 49,5%). Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến là 321.335/332.400 hồ sơ, đạt 96,67%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ (trên 60%) và chỉ tiêu của UBND tỉnh (trên 70%); riêng kết quả các dịch vụ công của Công an tỉnh đạt 99,92%.
Về lĩnh vực phát triển KT-XH, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT công lập đã có thiết bị, phần mềm kết nối và máy đọc QR code; tra cứu hơn 2,3 triệu lượt qua căn cước công dân (CCCD) phục vụ làm thủ tục.
Triển khai các giải pháp xác thực thông tin công dân qua thẻ CCCD để thực hiện các giao dịch trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, xác thực thông tin học sinh trong các kỳ thi; cho vay tín chấp 171 trường hợp với số tiền 9,6 tỷ đồng; thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt qua tài khoản cho 13.600 trường hợp với số tiền hơn 13 tỷ đồng; chi trả lương hưu, chế độ BHXH cho 153.820 lượt với số tiền hơn 150 tỷ đồng.
Kết nối hệ thống camera giao thông toàn tỉnh với 1.305 camera; qua đó lập biên bản xử phạt nguội 3.022 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 11,67 tỷ đồng.
Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Về phát triển công dân số, đã cấp đổi, cấp lại CCCD cho 22.348 trường hợp; cấp mới cho 12.341 học sinh đủ điều kiện tham dự các kỳ thi; kích hoạt định danh điện tử cho 17.749 trường hợp. Tổ chức “Khai trương dịch vụ cấp chữ ký số miễn phí phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính”, đến nay đã cấp hơn 1.000 chữ ký số phục vụ nhu cầu và giao dịch của nhân dân trên các cổng dịch vụ công.
Cổng Dịch vụ công một cửa điện tử của tỉnh kết nối ổn định với cơ sở dữ liệu về dân cư phục vụ tra cứu, xác thực thông tin công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối từ tỉnh đến các huyện, thị xã, TP và xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh thu thập 2.034.961 dữ liệu công dân và được lực lượng công an làm sạch theo đúng quy định.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương làm rõ những tồn tại, hạn chế. Đại diện Sở Giao thông - Vận tải trao đổi về việc dịch vụ công về cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe chưa bảo đảm tỷ lệ hồ sơ trực tuyến (3.535/6.556 hồ sơ, đạt 53,92%); UBND huyện Yên Dũng phân tích nguyên nhân tỷ lệ cấp tài khoản thanh toán dưới 30% (1.714/9.284 trường hợp, đạt 18,47%), không hoàn thành theo yêu cầu.
Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến. |
UBND huyện Lục Nam chưa bố trí kinh phí thực hiện Đề án 06/CP năm 2024; các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Dũng, thị xã Việt Yên và TP Bắc Giang chưa bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ công nghệ thông tin...
Kết luận hội nghị, đồng chí Mai Sơn ghi nhận, biểu dương kết quả trong thực hiện Đề án 06/CP, đặc biệt là đóng góp của lực lượng công an xã. Qua các ý kiến trao đổi, đồng chí đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, mục đích của Đề án 06/CP, nắm chắc, hiểu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp cụ thể, tập trung vào xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và công dân số. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện Đề án, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn.
Tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân, doanh nghiệp hiểu và đồng hành cùng chính quyền thực hiện Đề án 06/CP. Quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí lực lượng đầy đủ, bảo đảm thực hiện tốt Đề án.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm cung cấp đường truyền thông suốt, an toàn về an ninh mạng. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; nghiên cứu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, qua đó giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt.
Rà soát các thủ tục hành chính để khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trực tuyến, giải quyết các thủ tục trên môi trường mạng. Giữ vững tinh thần quyết liệt, chủ động trong thực hiện Đề án. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành tiếp tục kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả, nội dung thực hiện; chỉ rõ những cơ quan, đơn vị, địa phương còn có hạn chế, thực hiện chưa tốt, đề nghị có giải pháp khắc phục.
Tin, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)