Hoàn thiện hạ tầng, khai thác hiệu quả các ứng dụng số
Bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống
Sở Tư pháp được đánh giá là đơn vị tích cực trong số hóa dữ liệu, cung cấp dịch vụ công thiết yếu. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, trong năm 2021, 2022, Sở đã hoàn thành số hóa gần 1,3 triệu thông tin hộ tịch của toàn tỉnh; hiện đang triển khai số hóa gần 500 nghìn thông tin. Như vậy, trong năm 2023, việc số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành, sớm hơn so với quy định của Chính phủ là trước ngày 1/1/2025.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch bộ phận một cửa xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) hướng dẫn người dân giải quyết TTHC. |
Chia sẻ về cách làm, bà Đỗ Thị Loan, Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết: “Chúng tôi bám sát tài liệu hướng dẫn thực hiện số hóa sổ hộ tịch của Bộ Tư pháp ban hành; thường xuyên đôn đốc đơn vị thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng dữ liệu hộ tịch được số hóa. Cùng với đó, công tác rà soát, đối chiếu, làm sạch dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp). Qua đó bảo đảm dữ liệu công dân đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngành Tư pháp hiện đã triển khai 4 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh. Đó là các thủ tục đăng ký: Khai sinh; khai tử; kết hôn và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nên việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục trên môi trường mạng của ngành đạt kết quả tích cực.
Trong quý I năm 2023, các đơn vị đã tiếp nhận và chuyển xử lý liên thông đối với 6.106 hồ sơ đăng ký khai sinh (đạt tỷ lệ 82%), 2.304 hồ sơ đăng ký khai tử (đạt tỷ lệ 73%), 2.572 hồ sơ đăng ký kết hôn (đạt tỷ lệ 75%). Để khai thác dữ liệu hiệu quả, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Công an sớm có lộ trình bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL hộ tịch điện tử với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng quy định để có cơ sở cho địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu. Chỉ đạo công an địa phương tiếp tục phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch rà soát, làm sạch dữ liệu.
Năm 2017, tỉnh Bắc Giang được lựa chọn tham gia Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai” (Dự án VILG); dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đến nay Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra, nghiệm thu, ký số sổ địa chính điện tử, tích hợp lên phần mềm hơn 300 nghìn thửa đất của 6 huyện triển khai mới là: Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế và Lục Nam. Hiện Ban quản lý dự án VILG yêu cầu các đơn vị tham gia phối hợp chỉnh sửa, kiểm tra, đối soát, phấn đấu tích hợp hết thông tin các thửa đất có “hồ sơ sạch” lên phần mềm; các trường hợp còn lại sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án chuẩn hóa hồ sơ địa chính để từng bước tích hợp, bổ sung lên phần mềm.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng bộ, kết nối dữ liệu
Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Bắc Giang đã tập trung phát triển CSDL thiết yếu, các hạ tầng số, ứng dụng và dịch vụ số và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia với 13 dịch vụ đến các bộ, ngành trung ương; kết nối nội tỉnh thông qua LGSP 2 dịch vụ.
Hiện nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh đã kết nối đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia với 13 dịch vụ đến các bộ, ngành trung ương; kết nối nội tỉnh thông qua LGSP 2 dịch vụ. |
Toàn tỉnh đã triển khai ứng dụng 15 nền tảng số quốc gia trên địa bàn. Kho dữ liệu số của tỉnh chính thức vận hành từ tháng 10/2022, đến nay đã tạo lập được 6 nhóm danh mục CSDL dùng chung. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và số hóa khi tiếp nhận tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đạt cao. Mới đây, Sở đã có văn bản hướng dẫn các cấp, ngành về việc xây dựng, kết nối, đồng bộ CSDL dùng chung, ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ số.
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm dữ liệu số quốc gia tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Phát triển dữ liệu mở, CSDL, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số và nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Bám sát các nội dung trên, trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực.
Trọng tâm là nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số; phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả các nền tảng, ứng dụng, CSDL, dịch vụ số của tỉnh. Trong đó tập trung số hóa dữ liệu; tiếp nhận, kế thừa, sử dụng các CSDL đã được trung ương đầu tư và nâng cấp, phát triển CSDL dùng chung của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh.
Thời điểm này, ngành Y tế tiếp tục rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19, sử dụng hiệu quả các nền tảng phục vụ khám, chữa bệnh. Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì hiệu quả hệ thống CSDL toàn ngành đồng bộ với hệ thống CSDL của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Nội vụ chuẩn bị các điều kiện nâng cấp, kết nối phần mềm của tỉnh với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh giai đoạn 2; kết nối, liên thông CSDL của các ngành, lĩnh vực, hình thành CSDL dùng chung của tỉnh. Xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh để quản trị dữ liệu số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin kết nối với Cổng dữ liệu số quốc gia.
Bài, ảnh: Vy Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)