Hỗ trợ phụ nữ vượt khó, khởi nghiệp thành công
Xưởng may túi siêu thị rộng gần 500 m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1973) ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) lúc nào cũng nhộn nhịp, không khí làm việc hăng say. Những công nhân ở xưởng hầu hết là phụ nữ địa phương, mỗi người một việc. Đưa chúng tôi đi một vòng tham quan, chị Ngân dừng lại hướng dẫn một công nhân mới kỹ thuật may. Chị nhẹ nhàng đi một đường chỉ, thoáng chốc sản phẩm đã hoàn thành.
Xưởng làm túi siêu thị do chị Nguyễn Thị Ngân làm chủ. |
Xây dựng gia đình năm 1993, chị Ngân theo học nghề may rồi mở tiệm tại nhà. Năm 2016, chị dùng số vốn dành dụm thành lập doanh nghiệp riêng mang tên “Công ty TNHH May túi siêu thị Ngân Đại”. Ngay sau đó, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hiệp Hòa, xã Đông Lỗ tư vấn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất.
Bước đầu khởi nghiệp, chị Ngân gặp không ít khó khăn do sản phẩm lỗi nhiều, kênh tiêu thụ chưa ổn định. Có những ngày, chị Ngân và công nhân cùng phải học, làm đi làm lại hàng chục lần. Nhờ chịu khó, năng động, nay xưởng đã tạo việc làm cho 30 lao động, mức thu nhập trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh bún bánh, nông sản sạch Đa Mai (TP Bắc Giang) cũng thu hút hơn 40 hộ hội viên phụ nữ tham gia sản xuất. Năm 2019, HTX được vay 420 triệu đồng vốn ưu đãi do Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý. Qua đó mỗi hộ hội viên được vay từ 30 - 70 triệu đồng đầu tư trang thiết bị sản xuất. Thành công nổi bật nhất của HTX là đã nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm bún khô.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Thị Diện, sản phẩm bún khô Đa Mai được đóng gói trong túi kích cỡ khác nhau, có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, thời hạn sử dụng. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 2 tấn bún khô cung cấp theo đơn hàng tại thị trường trong và ngoài tỉnh gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội…
Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhằm thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo tất cả các cơ sở hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai một số giải pháp như: Tổ chức dạy nghề, tập huấn kiến thức về kỹ năng quản trị nhân lực, tài chính, chính sách pháp luật kinh doanh cho hội viên phụ nữ.
Các cấp hội rà soát, lập danh sách phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, đăng ký và tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của hội viên. Phối hợp một số ngành chức năng trong tỉnh quan tâm hỗ trợ hồ sơ pháp lý, thủ tục thành lập doanh nghiệp, HTX cho phụ nữ có ý tưởng.
Qua hoạt động hỗ trợ của các cấp hội và cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh có 904 chị được hỗ trợ vay hơn 40 tỷ đồng từ các ngân hàng; hơn 1,4 nghìn chị được hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có 23 mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa. |
Một số đơn vị như: Hội LHPN huyện Việt Yên, Lạng Giang đã phối hợp với Chi hội Nữ doanh nhân huyện tổ chức tọa đàm “Nữ doanh nhân và quyền lực mềm", giao lưu chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ khởi sự kinh doanh.
Qua hoạt động hỗ trợ của các cấp hội và cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 904 chị được hỗ trợ vay hơn 40 tỷ đồng từ các ngân hàng; hơn 1,4 nghìn chị được hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có 23 mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Xuân Lan, xã Hương Mai (Việt Yên). Chồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn khi một mình chị phải nuôi 3 con nhỏ ăn học. Được vay nguồn vốn ưu đãi hơn 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, chị đầu tư mô hình nuôi cá thương phẩm, cá giống. Nhờ năng động, chịu khó, nay gia đình chị đã thoát nghèo; 5,5 ha ao thả cá mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Hòa Ngô Thị Hồng Uyên cho biết: "Từ đầu năm, các cơ sở hội tổ chức rà soát, lập danh sách hội viên có nhu cầu vay vốn; hỗ trợ, tư vấn các chị tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời gặp gỡ, tìm hiểu những khó khăn mà các chị gặp phải trong quá trình khởi nghiệp để giới thiệu, nhờ các chuyên gia tư vấn, giúp đỡ kịp thời".
Hay như Hội LHPN huyện Lạng Giang thường xuyên nắm bắt, tạo điều kiện cho các hội viên phụ nữ, tổ liên kết phụ nữ sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tập huấn, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, đăng ký kinh doanh. Kết quả, Hội LHPN huyện đã giúp Tổ phụ nữ liên kết Cây Táo - Tân Thành, xã Tân Hưng (Lạng Giang) đăng ký thương hiệu cho nông sản gồm các cây ăn quả như bưởi, ổi; HTX Khởi nghiệp Nông nghiệp Từ Tâm ở xã Quang Thịnh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3.
Những hoạt động do Hội LHPN các cấp triển khai hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phần nào giúp chị em sớm tự chủ kinh tế, tiếp cận với kỹ thuật sản xuất, khẳng định vị thế trong xã hội.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)