Hò hẹn bốn mùa với Bắc Giang: Kỳ 3 - Thu tìm trong vốn cổ
Thật thú vị khi tự thưởng cho mình những phút giây thanh nhàn ngả lưng trên thảm biếc của thiên nhiên, nghe đất thở. Cái nhịp đất trời mùa thu giục lòng người đằm sâu hơn, nhịp đời lơi chậm hơn để cảm được cái trầm lắng trong hồn làng, trong những nghề cổ, trò vui đã gắn liền cùng đồng bãi Bắc Giang ngàn năm có lẻ.
Hát quan họ ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang. |
Người bạn tôi làm du lịch, đã chọn Việt Yên để xúc tiến những chương trình trải nghiệm nông thôn, nông nghiệp cho trẻ em thành phố. Làng rau cải Quang Biểu, rau cần Nam Ngạn, Thần Chúc, cây ăn quả Tiên Lát, Trung Sơn, làng gốm Thổ Hà, Làng Vân với rượu cúc hoa nổi tiếng, nghề đan lát tre nứa ở Phúc Long, Phúc Tằng, nghề rèn ở Ninh Khánh... trở thành điểm đến của những đứa trẻ mới chưa đầy 10 tuổi, kính cận dày cộp hăm hở, háo hức khám phá những khoảnh khắc cuộc sống bình dị giữa đồng đất, cỏ cây.
Mà những bà, những chị "hướng dẫn viên" cũng duyên đáo để trong vai trò mới. Họ nhiệt thành, yêu trẻ và tự hào về quê hương, về thành quả do chính mình làm ra dù chỉ là lá rau, tấm bánh. Tiếng cười róc rách như nước về trên đồng làng và đôi má phúng phính của em thơ khiến cảnh vật bừng lên sức sống mới.
Tôi đồ rằng yêu quê, yêu nghề nông cấy hái và quý trọng ruộng đất thì hiếm nơi đâu như người Bắc Giang. Dẫu nơi đây đang phát triển từng ngày với những khu công nghiệp lớn nằm dọc quốc lộ, dẫu đâu đó vẫn còn những địa phương người dân trả đất ruộng hoặc bỏ hoang hóa thì đồng đất nơi nay vẫn xanh um rau cỏ, ấm màu hoa trái ngọt thơm.
Từ những vạt ruộng chỉ như chéo khăn vuông hay vùng đồi cằn cỗi hút tít sương lam chướng khí, đều có bàn tay người vỡ đất gieo hạt. Có lẽ không chỉ bọn trẻ mới cần đến chốn này để trải nghiệm mà chính người lớn cũng nên một lần vốc tay vào đất ẩm để nghe lời hạt tách vỏ sinh sôi âm thầm, để nhận về tình quê, tình yêu cuộc sống và trân quý thiên nhiên từ những người dân quê thô mộc.
Ấy là bọn trẻ, còn người già thì vui ngày thu cùng những giai điệu cổ. Nghe hát hội xuân là bởi giao duyên cho tình xuân lúng liếng. Nhưng để cảm hết cái thú, cái "vang, rền, nền, nảy" thì phải thả lỏng mọi giác quan để đắm chìm trong những canh hát cổ. Đâu đó trong gió chiều vi vu, câu hát ví, điệu trống quân, tiếng trống chèo và nhịp tuồng cổ cũng là những vàng son trân quý của một vùng văn hóa lâu đời mà nếu bạn là người yêu chuộng tâm hồn Việt, giá trị Việt thì không thể không một lần thưởng thức. Ngược lên Lục Nam, Lục Ngạn thì đã có điệu sloong hao ngàn đời nay gắn bó với đời sống tinh thần của người Nùng.
Riêng ca trù Thổ Hà tuy không còn tùng tênh sênh phách nhưng vẫn lưu giữ nhà thờ tổ truyền nghề và một câu lạc bộ ca trù vẫn hoạt động định kỳ để ba dây, sáu cung dìu tiếng hát người ca nương đằm như vạt áo the thâm ánh ả trên lụa hồng. Cái giai điệu mà người xưa từng bật thốt "Chao ơi mưa gió hay sênh phách/ Tay nhỏ gieo hồn xuống chiếu hoa" đã khiến cho lá vàng sóng sánh rơi trên bao lời hẹn ước lứa đôi.
Và rồi canh hát cổ của những liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu đã bắt đầu đượm lời ới ả đón chúng tôi. Thường thì dịp lễ hội đầu xuân, kết chạ, những lúc nông nhàn, các làng lại tổ chức cuộc thi, hội diễn giao lưu hát quan họ, thu hút đông đảo du khách thập phương. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, nghe quan họ khi mưa xuân phới phới nó sóng sánh, huê tình bao nhiêu thì trăm điệu ngàn lời được nảy giữa đêm thu nó mộc và thấm bấy nhiêu. Khách xa chiêu ngụm trà Bát Tiên Thanh Sơn xanh dịu như nước sông Thương, bùi như hạt mắc lịch (dẻ rừng) rồi dọn lòng mà đón tiếng lòng của người quan họ.
Hội bơi chải trên sông Cầu, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). |
Với trên 125 làng quan họ nằm dọc bên sông cùng hàng trăm câu lạc bộ hát quan họ với đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, các làng quan họ cổ ở Bắc Giang vừa giữ nếp làng, giữ lửa nghề và phong vị của mỗi cộng đồng làng. Mà điều đáng quý là ở Bắc Giang, người giữ lề quan họ đông đảo và mang tính kế cận thế hệ. Các cụ nghệ nhân thường tự trào gọi mình là "đào già, kép móm" thì thông tỏ chín ngón mời nghề chơi quan họ, dẫu tuổi tác có dày nặng nhưng cái dáng vẫn thanh, cái tâm vẫn lịch duyệt khi nhả chữ lấy hơi cho đúng khuôn khổ, đôi khúc lại ngẫu hứng phá cách "đào luồn kép vói" cho đêm hát thêm vui.
Còn những nghệ nhân trẻ thì mặt tựa búp sen, giọng hát thanh tân che lấp đi cái tiểu tiết còn chưa nhuần nhị nhưng lại lẳng và tình quá đỗi, khiến người xem cũng lưu luyến như thể họ đang hát về cuộc tình của chính mình vậy.
Một đặc sản không lẫn được vào đâu của người Bắc Giang ấy chính là những ngôi làng nói ngang, làng nói khoác, nói khoa trương. Những cái tên như Phụng Pháp, Hòa Làng, Dương Sơn, Mật Ninh, Cao Lôi, Đông Loan... được nhắc đến cùng những câu chuyện vui được ứng đối bởi người làng có tính cách hóm hỉnh, góc cạnh và hàm chứa những minh triết "làng" thú vị. Tôi tự hỏi những làng này đều có truyền thống khoa bảng, học hành nên người dân cũng đĩnh ngộ, hoạt ngôn hơn chăng.
Câu chuyện người Hòa Làng "bắt được con ếch ăn thịt hai năm mới hết" hay "con cá quả quẫy nát ba sào lúa" được truyền khắp làng trên xóm dưới khiến khách lạ kinh ngạc bao nhiêu thì đổ túa thành cuộc cười không dứt khi người kể nhẩn nha lý giải: "Đêm 30 cầm đuốc ra trại, qua bờ ao, bắt được một con ếch to về làm thịt, bắc mâm ra còn là năm cũ, ăn qua giao thừa sang năm mới mới hết. Thế chẳng là con ếch ăn hai năm mới hết là gì?" hay "Tгẻ trâu thấy con cá quả lạc vào ruộng, chúng hò nhau vào đuổi bắt cả buổi, bắt được con cá bằng cổ tay thì nát hết ba sào lúa, thế không phải con cá quẫy nát ba sào lúa ư?”.
Còn đó cả những làng nghề đã tạo nên thương hiệu cho sản vật địa phương như đa nem Thổ Hà, bún Đa Mai, bánh đa Kế, mỳ Chũ, rượu Vân, mây tre đan Đăng Tiến, hương Linh Vân, bánh đúc Đồng Quan… đã có mặt ở khắp ba miền Trung Nam Bắc…
Những sản vật ấy được tạo nên bởi đôi tay khéo của người Bắc Giang, bởi hạt lúa, gióng tre, men lá được trồng trên đồng đất Bắc Giang. Còn gì thích thú hơn khi ai đó đã từng ăn món ngon đất Bắc lại có dịp ngồi quây quần bên bếp than hồng nhìn người thợ tráng bánh như đang múa mà nước miếng tự ngọt bùi trong vòm họng.
Và dưới nắng thu sóng sánh, những phên bánh cứ sáng lóa vị ngọt bùi, những bó hương chân đỏ lựng xòe tròn như hoa từ đất sẽ là điểm check-in thú vị của chuyến du khảo đồng quê của những người bạn trẻ.
Chuyện làng kể ba năm chả hết, tình làng thắm ba kiếp còn vương... Thế nên bạn ạ, chẳng thể nói được nhiều qua vài dăm con chữ. Chỉ có bước chân vạn dặm không quản đường xa đến với nơi này để tình người chạm đến hồn người, để hiểu và yêu hơn những mảnh hồn làng qua điệu hát, câu ca và nghề cổ trăm năm còn truyền giữ. Nơi ấy, đang thay đổi từng ngày nhưng vẫn còn nguyên đó những niềm yêu. Nơi ấy, thu xanh đến ngỡ ngàng, có sông hiền, có đồng vui và gió rừng khoáng đạt, có ồn ào, khói bụi của một đô thị mới đang hình thành. Nơi ấy, có tiếng chim chuyền líu ríu buồng cau, những vườn cam thắp nắng, những vạt ruộng xanh mướt vụ thu đông được trồng theo mô hình mới cho ta dự cảm tốt lành.
Ý kiến bạn đọc (0)