Hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang(*)
… Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, đây là vinh dự của Bắc Giang, là kết quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu chỉ đạo về thực hiện quy hoạch tỉnh.
|
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, trước hết cần thống nhất nhận thức về vai trò của quy hoạch.
Trước đây, chúng ta có quy hoạch nhưng phải điều chỉnh nhiều vì không liên kết với nhau. Bản quy hoạch của tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt là kết quả của sự tích hợp tổng hợp các loại quy hoạch.
Quy hoạch này chính là tầm nhìn, định hướng, dẫn dắt chúng ta trong giai đoạn phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bắc Giang phát triển gì, làm gì cũng phải dựa vào quy hoạch này.
Nhìn vào quy hoạch này, cán bộ, đảng viên, nhân dân biết Bắc Giang 10 năm, 30 năm tới sẽ như thế nào. Trong bản quy hoạch có hệ thống 58 bản đồ kèm theo quy hoạch, thể hiện chi tiết các định hướng phát triển chung trong thời gian tới. Quy hoạch giúp chúng ta tổ chức không gian, phân bổ lãnh thổ để quản lý khép kín đất đai, công trình xây dựng sau này.
Đây là lần đầu tiên Bắc Giang làm được việc này, không có khu đất nào không nằm trong quy hoạch. Quy hoạch giúp chúng ta phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trước hết, dựa trên tiềm năng đất đai, chúng ta phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp. Quy hoạch đã xác định 29 khu công nghiệp (KCN) và 63 cụm công nghiệp. Đây chính là động lực phát triển kinh tế của Bắc Giang.
Ngoài công nghiệp, Bắc Giang còn có lợi thế phát triển dịch vụ, bởi gần biên giới, trong vùng Thủ đô và các đầu mối giao thông đa phương tiện (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy). Do đó, chúng ta phải phát huy lợi thế logistics, thương mại dịch vụ. Cùng đó, với lợi thế có nhiều vùng đồi núi nên ngoài phát triển trồng cây ăn quả, tỉnh phát triển lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng...
Bản quy hoạch giúp chúng ta nhìn rõ tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Nhờ quy hoạch mà các doanh nghiệp có hy vọng vào tương lai, nhìn rõ hướng phát triển để yên tâm đầu tư trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đề ra trong quy hoạch.
Các đại biểu dự hội nghị.
|
Thông qua quá trình lập quy hoạch chúng ta cũng rút ra bài học, đó là quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành của tỉnh.
Chúng ta đã có sự đồng thuận và cách làm của riêng Bắc Giang đó là tự lực, tự cường, dựa vào sức mình. Cách làm sáng tạo với mô hình "ý tưởng từ trên xuống, thực hiện cụ thể từ dưới lên", bám sát thực tiễn, các định hướng lớn của T.Ư, các tư tưởng lớn, quan điểm lớn của T.Ư; các Nghị quyết của T.Ư Đảng, đại hội đảng các cấp đã được thể hiện trong bản quy hoạch mới này. Quá trình làm có sự đeo bám kiên trì, quyết liệt. Đây là bài học để tỉnh triển khai thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo, đặc biệt là trong xây dựng kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới.
Quy hoạch đã có, lại là tỉnh đầu tiên được phê duyệt, do đó chúng ta cũng phải là tỉnh đầu tiên thực hiện quy hoạch, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển của Bắc Giang. Phấn đấu là tỉnh đầu tiên và đi đầu trong cả nước trong triển khai và thực hiện thành công quy hoạch.
Với tinh thần đó, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, công bố công khai rộng rãi quy hoạch để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tầm nhìn, khát vọng phát triển của Bắc Giang. Bởi đây chính là con đường phát triển của tỉnh nên mọi người dân đều phải biết và nắm rõ. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 của tỉnh là công khai quy hoạch. Từng ngành, từng lĩnh vực, UBND cấp huyện, xã công bố, công khai nội dung quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Thứ hai, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ các cấp, công chức, viên chức, doanh nghiệp trong tỉnh cần tìm hiểu để nắm chắc nội dung quy hoạch, đặc biệt là các ngành. Ngành nào phải nắm chắc nội dung quy hoạch của ngành đó. Từ mục tiêu, quan điểm tới các vấn đề cụ thể. Coi quy hoạch là cẩm nang để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Làm gì cũng dựa trên quy hoạch, bám vào quy hoạch, phấn đấu phải làm được như quy hoạch.
Thứ ba, khẩn trương rà soát, điều chỉnh tất cả các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án có liên quan để bổ sung sao cho phù hợp, khớp với quy hoạch chung của tỉnh.
Các huyện, xã, thị trấn điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Vì các quy hoạch trước được xây dựng từ lâu, hiện đã không phù hợp với quy hoạch chung. Phấn đấu trong quý 2, tất các các sở, ngành, địa phương phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung xong quy hoạch. Đồng thời tăng cường quản lý theo quy hoạch, nhất là quản lý đất đai.
Thứ tư, tập trung thực hiện các đột phá:
Một là, cơ chế chính sách, cải cách hành chính. Chúng ta cần nghiên cứu sớm những cơ chế gì để triển khai quy hoạch được thuận lợi, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường hấp dẫn hơn để thu hút được nguồn lực.
Hai là, tạo đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt về giao thông. Bởi giao thông như mạch máu trong cơ thể.
Ba là, đột phá về phát triển nguồn lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tất cả các cấp, ngành, địa phương phải dựa vào 3 đột phá này thì mới tạo ra sức lan tỏa và động lực cho những công việc khác.
Thứ năm, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải phóng các nguồn lực. Bởi chúng ta cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện quy hoạch này. Do đó cần có cơ chế, chính sách giải phóng nguồn nội lực, như: Đất đai, tài nguyên, nguồn lực tri thức, con người, khoa học - công nghệ, chất xám… đưa vào phục vụ phát triển về mọi mặt của tỉnh.
Đồng thời thu hút nguồn ngoại lực từ bên ngoài như: Nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, nước ngoài. Bởi nguồn ngoại lực đầu tư vào Bắc Giang sẽ không chỉ mang vốn mà còn mang công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến, mang tiến bộ về khoa học - công nghệ vào Bắc Giang.
Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút nhà đầu tư. Tỉnh phải thành lập các tổ công tác để đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư để dự án của nhà đầu tư được triển khai sớm, hiệu quả.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tiếp tục phải được các cấp, ngành, địa phương và người dân nhận thức tốt hơn. Bởi đây là bước quyết định chuyển dự án từ trên giấy thành cơ sở hạ tầng trên thực địa. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số để tạo môi trường đầu tư nhanh, thông thoáng, minh bạch.
Một số lĩnh vực cần lưu ý thực hiện trong thời gian tới:
Một là, phát triển công nghiệp. Hiện chúng ta có quy hoạch 29 KCN, trong đó có 12 KCN theo mô hình hệ sinh thái KCN đô thị dịch vụ. Những KCN còn lại ghép vào các khu đô thị để hình thành hệ sinh thái cho công nhân, chuyên gia sống và làm việc thuận lợi, tiện nghi.
Phát triển KCN mục đích chính là dành cho thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. CCN thu hút các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, DN nhỏ để phát huy đồng thời cả nguồn ngoại lực và nội lực. Sở Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình thành lập trước những KCN nào.
Dây chuyền kiểm tra sản phẩm tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên). |
Hai là, lĩnh vực dịch vụ: Sở Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với các sở liên quan sớm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thành lập các khu logistics, dịch vụ; lộ trình tiếp nhận và cơ chế thu hút đầu tư các loại hình dịch vụ này để tỉnh sớm triển khai. Phấn đấu để Bắc Giang sớm trở thành nơi nghỉ ngơi, mua sắm cuối tuần của người dân Thủ đô và phát huy tối đa tiềm năng phát triển dịch vụ của mỗi địa phương.
Ba là, lĩnh vực phát triển đô thị. Ngoài điều chỉnh quy hoạch phát triển chung đô thị, chúng ta phải khẩn trương phủ kín việc phân khu quy hoạch chi tiết, ưu tiên quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới theo hướng hiện đại, khép kín, quy mô lớn. Đồng thời các địa phương cũng phải có các khu đô thị nhỏ, tạo ra quỹ đất ở để giãn dân và có lộ trình nâng cấp các đô thị.
Bốn là, lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã xác định khu vực bảo vệ đất trồng lúa nghiêm ngặt, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nghiêm cấm xâm phạm. Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, đưa Bắc Giang trở thành vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu.
Các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang cần được đầu tư xây dựng một cách bài bản, nghiêm túc để vươn ra thị trường thế giới. Quan tâm thu hút công nghiệp chế biến, phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững, phục vụ đa dạng nhu cầu thị trường.
Trong tháng 3 các sở, ngành của tỉnh và các huyện, TP, xã, thị trấn phải hoàn thành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong phạm vi, địa bàn của từng ngành, địa phương, đơn vị.
Đề nghị Ủy Ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tăng cường tuyên truyền, quán triệt, quảng bá nội dung quy hoạch tới cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân.
Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh HTX tỉnh quan tâm tuyên truyền, quảng bá về quy hoạch của tỉnh sâu rộng đến từng hội viên, các HTX trong tỉnh…
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng tầm nhìn, khát vọng phát triển của Bắc Giang sẽ sớm được hiện thực hóa.
(*) đầu đề do Báo Bắc Giang đặt.
Ý kiến bạn đọc (0)