Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hệ lụy khôn lường từ xuất, nhập cảnh trái phép

Cập nhật: 08:06 ngày 09/05/2024

BẮC GIANG - Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn tìm cách trốn sang nước ngoài làm việc. Ở chiều ngược lại, không ít đối tượng cố tình tiếp tay, hỗ trợ cho người nước ngoài vào Việt Nam bất hợp pháp để hưởng lợi. Những hành vi vi phạm pháp luật này đều bị xử lý nghiêm khắc.

Vỡ mộng làm giàu ở xứ người

Vẫn chưa hoàn hồn sau chuỗi ngày trốn tránh cảnh sát, làm việc vất vả, nguy hiểm ở nước ngoài, vợ chồng ông N.V.N (SN 1974) và bà N.T.T (SN 1973) ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn) kể lại hành trình vỡ mộng làm giàu bằng cách vượt biên: “Đầu năm 2023, chúng tôi nghe nhiều người nói sang Trung Quốc sẽ dễ dàng tìm được việc làm với mức lương cao, thế là vợ chồng gom góp tiền bắt ô tô khách đến TP Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đó có người đón và đưa sang bên kia biên giới trái phép với chi phí 3 triệu đồng. Công việc chúng tôi được giới thiệu là đúc gang, thép ở một nhà máy thuộc tỉnh Phúc Kiến”.

Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn trao đổi với vợ chồng ông N.V.N và bà N.T.T ở xã Quý Sơn sau khi trở về từ Trung Quốc.

Môi trường làm việc độc hại, ô nhiễm và đặc biệt nguy hiểm, đã có lần ông N bị gang nóng chảy bắn vào chân gây bỏng nặng. “Lương của chúng tôi tính ra tiền Việt Nam khoảng 8 - 9 triệu đồng/người/tháng nhưng sau khi trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/tháng, chẳng hơn bao nhiêu, thậm chí không bằng so với mức thu nhập ở quê nhà”, ông N chua chát nói.

Trong một đợt truy quét, vợ chồng ông N bị công an phía Trung Quốc bắt giữ, tạm giam 2 tháng, cuối tháng 4/2024 vừa qua bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam tại cửa khẩu Lý Vạn (Cao Bằng). Vợ chồng ông N là một trong rất nhiều trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ hoặc tiếp nhận thông tin không chính xác dẫn đến vi phạm pháp luật, xuất cảnh trái phép. Theo Công an huyện Lục Ngạn, hiện trên địa bàn có 166 trường hợp vắng mặt nghi xuất cảnh trái phép; năm 2023 có 75 người xuất cảnh trái phép trở về địa phương; từ đầu năm đến nay, lực lượng công an phát hiện 25 trường hợp xuất cảnh trái phép về các xã, thị trấn. Những cá nhân này đều được gọi hỏi, nhắc nhở, xử lý theo quy định pháp luật.

Tìm hiểu tại huyện Lục Nam, những năm qua có nhiều người sang nước ngoài lao động bất hợp pháp, chủ yếu là đến Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Không ít người trong số đó trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động, đánh đập, “quỵt” lương, ép làm gái mại dâm, tham gia các ổ nhóm, đường dây lừa đảo qua không gian mạng… Thậm chí đã có 4 người tử vong khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài lao động. Tình trạng trên gây bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Từ năm 2023 đến nay, Công an huyện Lục Nam xác minh 138 trường hợp công dân địa phương không được phía nước ngoài cho cư trú, bị cơ quan chức năng các nước bắt giữ, trao trả.

Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc

Trái với việc xuất cảnh trái phép, thời gian qua, một số đối tượng trên địa bàn tỉnh lại tổ chức môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng người Trung Quốc thông qua mạng xã hội, quan hệ làm ăn buôn bán móc nối với một số người Việt Nam để tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua khu vực đường mòn ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng…, đưa đến địa bàn tỉnh Bắc Giang bố trí ăn, ở, sau đó tiếp tục đưa vào miền Nam tìm kiếm việc làm hoặc trốn sang nước thứ ba.

Các đối tượng là người Việt Nam tự đứng tên hoặc lấy tên và chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác để ký hợp đồng thuê nhà, chỗ ở, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Những nhóm này thường xuyên thay đổi chỗ thuê, di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện, mỗi lần như vậy, các đối tượng người Việt Nam hưởng lợi hàng chục triệu đồng. Không chỉ người Trung Quốc, các đối tượng còn tổ chức cho một số người Ấn Độ ở lại Bắc Giang trái phép, “đóng vai” là các giáo viên dạy tiếng Anh tại cơ sở, trung tâm ngoại ngữ, thu hút học viên dưới "mác" giáo viên nước ngoài để hưởng lợi.

Qua các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng lợi dụng thời điểm nông nhàn, ít việc, nhiều người dân có nhu cầu tìm việc làm, hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế… tổ chức đưa người sang Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc để lao động bằng hình thức du lịch hoặc vượt biên. Chúng sử dụng các mạng xã hội hoặc trực tiếp dụ dỗ, đưa thông tin không đúng về “việc nhẹ, lương cao” để lừa các nạn nhân.

Thượng tá Đinh Quang Hiệp, Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh cho rằng, thời gian tới, công an các huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở cần tăng cường nắm tình hình địa bàn, đối tượng, quản lý nhân khẩu để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là các trường hợp từng tham gia và có ý định tham gia xuất, nhập cảnh trái phép.

Huy động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động cung cấp tin báo, tố giác tội phạm hoặc các hoạt động nghi vấn xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trong cộng đồng. Tập trung đấu tranh, xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, đặc biệt là những đối tượng môi giới, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Chia sẻ:
he-luy-khon-luong-tu-xuat-nhap-canh-trai-phep-074205.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...