Hé lộ sự thật con gái cả cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị truy nã
Bà Raghad Hussein- con gái cả cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. |
“Người kế thừa” cựu Tổng thống Saddam Hussein
Raghad Hussein tên đầy đủ là Raghad Saddam Hussein, con gái đầu của cố Tổng thống Saddam Hussein, người trị vì từ năm 1979-2003. Bà sinh ngày 2-9-1968.
Năm 1983, Raghad kết hôn với Hussein Kamel, một nhân vật cao cấp của chính phủ nhưng lại đào tẩu, tiết lộ bí mật vũ khí với đối tác nước ngoài. Hậu quả Hussein Kamel đã bị giết cùng em trai bởi chính các thành viên gia đình với tuyên bố phải trả giá vì tội phản bội. Chính Tổng thống Saddam cũng cho biết, ông đã ân xá cho cả hai anh em nhà Kamel. Trong khi đó em trai của Kamel là Hussein Kamel là chồng của em gái Raghad Hussein. Cả hai cùng chịu số phận vì đã phản bội lại nhà Saddam. Raghad Hussein có 5 người con với Hussein Kamel.
Ngày 2-7-2006, cố vấn an ninh quốc gia Iraq Muwaffaq al-Rubaie tuyên bố Raghad Hussein và mẹ là Sajida Talfah nằm trong danh sách truy nã của chính phủ vì bị cáo buộc tiếp tay cho quân nổi dậy. Thủ tướng Jordan, Marouf al-Bakhit tuyên bố "Raghad Hussein thuộc quyền bảo vệ của hoàng gia. Sự hiện diện của bà Raghad cùng các con tại Jordan là một việc làm nhân đạo. Bà Raghad Hussein là khách của gia đình hoàng gia Hashemite (Vua Abdullah II) nên việc tị nạn của bà phù hợp với truyền thống Ả Rập". Mặc dù tuyên bố của Thủ tướng Jordan được coi là chính thức song nơi ở cụ thể của bà Raghad Hussein không được tiết lộ. Ngày 30-12-2006, Saddam Hussein bị hành quyết ngay tại Iraq. Trước khi vụ hành quyết diễn ra, bà Raghad yêu cầu thi thể cha mình tạm thời chôn cất ở Yemen, đến khi lực lượng liên minh bị trục xuất khỏi Iraq, bà sẽ đưa cha hồi hương.
Tháng 8-2007, Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát hành lệnh bắt giữ bà Raghad Hussein với cáo buộc tình nghi bà cùng các trợ lý của mình chống lưng cho các cuộc nổi dậy tại Iraq. Tuy nhiên bà Raghad Hussein nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Sunni tại Jordan nên lệnh bắt giữ vẫn không có hiệu lực. |
Theo các luật sư của cựu Tổng thống Saddam Hussein, trong di chúc, ông để lại toàn bộ tài sản cho con gái lớn Raghad. Cụ thể bao nhiêu không được tiết lộ nhưng đây chính là chủ đề tranh cãi giữa giới chức nước này với các luật sư của Saddam. Theo bản coppy di chúc ngắn ngủi, Saddam nêu rõ, Raghad được thừa kế toàn bộ tài sản và sau khi qua đời, ông yêu cầu Raghad đón mẹ đang lưu vong ở Yemen sang Jordan để cùng sinh sống. Liên quan đến tài sản của Saddam, Bộ Nội vụ Iraq cũng đã công bố thông tin trên website toàn bộ bản kê tài sản của ông. Sau 6 tháng điều tra, toàn bộ tài sản của Saddam đã được thanh lý. Tổng số tiền lương của ông trong thời gian làm Tổng thống là 2,1 triệu USD nhưng khoản tiền này hiện chỉ còn 334 nghìn, lãi tiền gửi của Saddam tại Ngân hàng Trung ương Iraq còn 57 nghìn USD. Ngoài ra, số tài sản cá nhân hợp pháp của Saddam đều để tại Phủ Tổng thống, gồm chiếc tẩu thuốc bằng vàng, các đồ mỹ nghệ có giá trị, cuốn kinh Koran cổ. Toà biệt thự được chính phủ tặng ông năm 1989 và một số đồ vật khác bao gồm trang phục, đồ trang sức trị giá 60 nghìn USD. Mohamed Alhamiki- người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq còn cho biết thêm, sau khi chính phủ Saddam bị lật đổ, chính phủ mới và các ngân hàng nước ngoài đã niêm phong số tài sản của ông, tổng số ước khoảng 3,5 tỷ USD.
Năm 2004, trước khi cha bị hành hình, trả lời phỏng vấn tờ Asharq Al-Awsat, Raghad Hussein cho biết bà sẽ tham gia chính trị: "Tôi là con gái của Saddam, mẹ tôi là vợ của ông, các con tôi là cháu của Saddam. Tôi mang họ của ông và ông dựa vào tôi. Ông cần sự giúp đỡ của tôi sau khi các anh tôi qua đời", Raghad nói. Tuy nhiên sau khi cha bị hành hình và phải sống tị nạn tại Jordan, Raghad hiểu rõ vị trí của mình nên giữ yên lặng và tạm tránh hoạt động chính trị.
Vì sao bà Raghad Hussein bị truy nã?
Theo hãng tin CNN (Mỹ) và Alarabiya.ne (Trung tâm Truyền hình Trung Đông), đầu tháng 2-2018, cơ quan an ninh Iraq đã công bố danh sách truy nã những người bị tình nghi có quan hệ với tổ chức nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng và Takfiri, nhóm khủng bố liên quan đến tổ chức al-Qaeda. Tất cả các nghi phạm đều mang quốc tịch Iraq, trừ Maan Bashour, cựu Tổng thư ký Hội nghị Quốc gia Arab là người Lebanon.
Theo tờ The Nation, trụ sở tại Abu Dhabi, danh sách này gồm 28 người tình nghi liên quan đến IS, 12 người liên quan đến Al Qaeda và 20 thành viên Đảng Baathist. Tuy nhiên, lãnh đạo IS, Abu Bakr Al Baghdadi lại không có tên, chỉ thấy có một số thành viên cấp cao IS như Fawaz Mohammad Mutlaq, cựu sĩ quan của tổ chức bán quân sự Fedayeen của Saddam, sau này trở thành thành viên của hội đồng quân sự IS. Phần lớn các nhân vật trên đều tham chiến đấu tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq và các tỉnh lân cận Nineveh, Kirkuk, Diyala và Anbar.
Bà Raghad Hussein tại một sự kiện ở Jordan. |
Tháng 8-2007, Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát hành lệnh bắt giữ bà Raghad Hussein với cáo buộc tình nghi bà cùng các trợ lý của mình chống lưng cho các cuộc nổi dậy tại Iraq. Mối nghi ngờ này từng được đề cập trong tuần báo trực tuyến Spiegel Online của Đức với tiêu đề Terror Godmother (Mẹ đỡ đầu khủng bố) số ra tháng 8-2014. Theo bài báo, trong thời gian sống ở Jordan, tài sản của bà Raghad lên tới hai con số, tức hàng chục triệu USD đã được sử dụng hỗ trợ tổ chức nhà nước hồi giáo Iraq và Levant (tức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng) với mục tiêu cuối cùng là trở lại để trả thù quyền lực ở Baghdad. Đầu tháng 6-2014, Kênh Fox News Channel của Mỹ đã trích dẫn nội dung cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với bà Raghad, người phụ nữ không giấu giếm nỗi hân hoan khi biết Raouf Abdul Rahman, quan tòa người Kurd, người trực tiếp kết án Saddam năm 2006 đã bị IS bắt và hành quyết, mặc dù cái chết của Rahman vẫn chưa được xác nhận. "Tôi hạnh phúc khi nghe thấy chiến thắng này. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về Iraq và xây mộ cho cha. Có thể điều này sẽ không xảy ra sớm, nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra", Raghad trả lời báo giới.
Giám đốc Interpol ở Iraq Sadeq Faraj Abdulrahman còn cho hay, có khoảng 400 nghi phạm bị nước này truy nã hiện đang sống ở nước ngoài với những cáo buộc khác nhau, từ khủng bố đến tham nhũng. Tháng 5-2016, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari đã yêu cầu Jordan trao trả một số bị cáo bị buộc tội bảo trợ khủng bố và rửa tiền, trong đó có bà Raghad Hussein nhưng không có kết quả. Trong thời gian tị nạn ở nước ngoài, bà Raghad Hussein có ý định xuất bản cuốn hồi ký về cha mình. Chưa hết, bà Raghad Hussein còn ca ngợi Tổng thống Donald Trump sau khi ông đắc cử năm 2016 bởi ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố chống lại cuộc chiến mà Mỹ phát động tại Iraq.
Liên quan đến tình tiết này, hãng tin CNN của Mỹ số ra cuối tháng 12-2016 đã trích dẫn lời Raghad trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau 10 năm cha bà qua đời. "Người đàn ông này mới trở thành lãnh đạo... nhưng rõ ràng là ông ấy có sự nhạy cảm chính trị cao so với người tiền nhiệm. Ông ấy ý thức được những sai lầm ở Iraq và những gì đã xảy ra với cha tôi", bà Raghad nói. Thậm chí bà Raghad còn nhấn mạnh Mỹ chính là nguyên nhân làm cho Iraq hoảng loạn và hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực thi những chính sách hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm. Cũng trong cuộc phỏng vấn với CNN, bà Raghad tự hào về cha mình và cách mà ông qua đời, từ chối trùm đầu khi bị treo cổ vào ngày 30-12-2006. "Tình tiết về cái chết của cha tôi thật kinh hoàng và đau đớn, nhưng đó là một cái chết trong danh dự", bà Raghad nói. Bà Raghad được biết đến là một người rất thương cha, mặc dù cha bà cũng chính là người đã ra lệnh hành quyết chồng của hai chị em bà, tức anh em nhà Kamel al-Majid.
Trong khi Interpol và chính quyền Iraq phát lệnh truy nã với bà Raghad Hussein thì chính phủ Jordan lại ủng hộ sự có mặt của bà tại Jordan. "Sự có mặt của Raghad tại Jordan hoàn toàn vì lý do nhân đạo. Bà ta không tham gia vào bất cứ một hoạt động chính trị hay xã hội nào", người phát ngôn Chính phủ Jordan giải thích.
Cũng có nguồn tin cho hay, bà Raghad Hussein nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Sunni tại Jordan nên lệnh truy nã nói trên vẫn không có hiệu lực. Tuy rất ít khi xuất hiện trước công chúng nhưng bà Raghad Hussein lại sống khá vương giả, đi đâu cũng có vệ sĩ đi kèm. Bà đã tái hôn cùng một thương gia người Jordan tên là Mohammed, doanh nhân này luôn giúp đỡ gia đình bà Raghad trong lúc khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Duy Hùng (Theo EAN/CNN/JPC/FN- 2/2018)
Ý kiến bạn đọc (0)