Hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ: Khó đến mấy cũng gắng tìm
Giải mã thông tin từ các mảnh ghép
Một sáng tháng 6, gia đình bà Vũ Thị Điểm, ở thôn Song Sơn, xã Tiến Thắng (Yên Thế) nhận được tin từ cán bộ UBND xã thông báo phần mộ của người thân là liệt sĩ Trần Ngọc Nghĩa hiện an táng tại một nghĩa trang thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dù tin báo ngắn ngủi, vẻn vẹn có vài câu song thật quý bởi bao năm qua gia đình bà Điểm mòn mỏi đợi chờ mà vẫn bặt vô âm tín.
Cán bộ Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh) hướng dẫn thân nhân liệt sĩ hoàn thiện hồ sơ phục vụ quy tập hài cốt liệt sĩ. |
Bà Điểm rưng rưng xúc động: “Ngoài giấy báo tử gửi về gia đình thì mấy chục năm qua gia đình không có thêm tin tức hoặc giấy tờ. Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên không có điều kiện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nay bố mẹ tôi đã khuất núi, các anh em ruột thịt tuổi cao nhưng mọi người không nguôi hy vọng một ngày sẽ tìm được hài cốt của anh tôi”.
Nghe bà Điểm bày tỏ nguyện vọng, Đại úy Đặng Văn Hữu, cán bộ Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh truy cập vào Cổng thông tin điện tử chuyên dùng, chưa đầy một phút, trên màn hình máy tính xuất hiện các thông tin: Liệt sĩ Trần Ngọc Nghĩa (SN 1955), nguyên quán: Tiến Thắng, Yên Thế, Hà Bắc, nhập ngũ tháng 9/1972, ngày hy sinh: 23/4/1974.
Đối chiếu thêm tại địa chỉ http://thongtinlietsi.gov.vn cũng nhận được thông tin trùng khớp, khẳng định địa điểm quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Việc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế được cán bộ Ban Chính sách ví như đi tìm những mối ghép. Sự tham gia tích cực của các đơn vị, địa phương và người thân, nhân chứng lịch sử cung cấp, những khó khăn trong công tác tìm kiếm thông tin liệt sĩ chưa xác định được danh tính dần được tháo gỡ.
Theo Đại úy Đặng Văn Hữu, những năm gần đây, Bắc Giang cũng như các tỉnh, TP trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cập nhật, bổ sung, số hóa hồ sơ liệt sĩ. Nhờ đó, có trường hợp tin báo từ các đơn vị, địa phương, thân nhân, nhân chứng lịch sử dù còn mơ hồ song đơn vị đều cố gắng kết nối, tra cứu, xác minh để chuẩn hóa hồ sơ, sớm tìm được danh tính và quy tập hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng của các gia đình”.
Từ năm 2015 đến nay, Bắc Giang đã tìm kiếm được 3 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới phía Bắc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào đưa về địa phương an táng. Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ thực hiện theo đúng quy định, dựa trên chứng cứ khoa học và lịch sử còn sót lại góp phần thiết thực báo đáp hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời ngăn chặn các hành vi mê tín, lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhân.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa hồ sơ, dữ liệu
Sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm, tháng 1/2022, hài cốt liệt sĩ Trần Văn Cầu (SN 1947), hy sinh ngày 13/5/1967 tại nước bạn Lào được Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ của Cục Chính trị Quân khu 2 phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ truy điệu, an táng tại quê nhà ở thôn Vật Phú, xã Tân Hoa (Lục Ngạn).
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hoa Trần Văn Trình (Lục Ngạn) là cháu của liệt sĩ chia sẻ: “55 năm qua gia đình tôi luôn mong ngóng tin tức. Ngày nhận đón hài cốt chú tôi về với đất mẹ được chính quyền, cơ quan chức năng các cấp tổ chức trang trọng, ý nghĩa. Chúng tôi là thế hệ con cháu sau này thêm trân trọng, tự hào về tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của liệt sĩ Trần Văn Cầu và truyền thống cách mạng của gia đình”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hiện vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính. Do đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn trở thành mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc những người đang thực hiện nhiệm vụ nhằm nỗ lực xoa dịu nỗi đau thương mất mát, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân người có công.
Kể từ năm 2014 đến năm 2020, toàn tỉnh đã phát hơn 316 nghìn phiếu khảo sát, trong đó hơn 14 nghìn phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Cung cấp và báo tin cho 595 gia đình về nơi an táng của các liệt sĩ nguyên quán tỉnh Bắc Giang tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. |
Tại Bắc Giang thời gian qua, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban chỉ đạo 515) đã quyết liệt chỉ đạo tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt các liệt sĩ. Bộ CHQS tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh mở đợt cao điểm vận động cán bộ, hội viên cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội.
Trên cơ sở danh sách liệt sĩ đang quản lý, các cơ quan, đơn vị phối hợp với đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, hội cựu chiến binh, ban liên lạc chiến đấu từng bước giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị bổ sung, chuẩn hóa thông tin như: Họ tên, năm sinh, quê quán, nhập ngũ, đơn vị, cấp bậc, nơi hy sinh, nơi chôn cất ban đầu, tiến tới hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.
Ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), sau khi nắm được chương trình, Thường trực Hội CCB phường đã triển khai họp, hướng dẫn hội viên cung cấp thông tin trên phiếu. “Vì các nhân chứng lịch sử đều tuổi cao, sức yếu, có người lúc nhớ, lúc quên nên cán bộ Hội CCB phường phải đi về gia đình nhiều lần để khai thác, tìm hiểu, củng cố thông tin.
Đến nay đã có 6 hội viên cung cấp được thông tin về liệt sĩ. Riêng CCB Nguyễn Công Hải trực tiếp dẫn đường, giúp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thóc (phường Trần Phú) tìm được hài cốt tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”, ông Nguyễn Hoành Sơn, Chủ tịch Hội CCB phường nói.
Hiện nay toàn tỉnh đang quản lý khoảng 160 nghìn hồ sơ NCC, trong đó 21 nghìn liệt sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế. Số phần mộ liệt sĩ đã quy tập trên địa bàn tỉnh là 1,1 nghìn; còn lại đã xác minh nhưng chưa rõ thông tin nơi quy tập hoặc chưa xác định được danh tính.
Đại tá Vũ Đức Hiền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh cho biết, dù đã nỗ lực song công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn do trải qua thời gian, địa hình chiến trường có nhiều thay đổi do thiên tai và phát triển hạ tầng cơ sở, KT - XH. Thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít, các nhân chứng tuổi cao, trí nhớ giảm nên khó khăn trong việc cung cấp thông tin.
Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ trước đây của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chưa khoa học. Nhiều người lính trước khi ra trận mới vừa tuổi mười tám, đôi mươi, chưa xây dựng gia đình, sau này người thân còn lại là hàng con, cháu không nhớ hết thông tin, không lưu giữ được tài liệu minh chứng để cung cấp cho cơ quan chuyên môn.
Để tri ân các liệt sĩ và gia đình có công, từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa hồ sơ, chia sẻ dữ liệu về liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ với cơ quan thực hiện chính sách quân đội trong cả nước.
Với trường hợp có thông tin chính xác, Bộ CHQS tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị, địa phương hỗ trợ các gia đình tổ chức quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ theo quy định và phong tục tập quán địa phương, bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, thiết thực tri ân. Thời gian không chờ đợi bởi những khó khăn do đa số nhân chứng lịch sử tuổi cao, sức khỏe giảm sút, cán bộ Hội CCB các cấp trong toàn tỉnh đang tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà hội viên để thu thập thông tin, hỗ trợ ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Bài, ảnh: Mai Toan - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)