Hai anh em trên đảo tiền tiêu
Đảo là nhà
Cách đây không lâu, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân có chuyến ra thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa. Đây cũng là dịp luân chuyển một số cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo và ngược lại. Trong chuyến công tác này, tôi tình cờ gặp người đồng hương sinh năm 1976 - Đại úy Trần Văn Tân, quê ở thôn Vĩnh An, xã Song Mai. Đại úy Tân lần này được đơn vị cử đi công tác tại đảo Song Tử Tây.
![]() |
Đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Rong ruổi gần 20 ngày trên biển cả, tôi và Đại úy Tân thường tranh thủ gặp nhau; người thì tìm hiểu về đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, người hỏi về người thân, bạn bè nơi quê nhà. Đại úy Tân cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2002, anh đi bộ đội, đóng quân ở tỉnh Khánh Hòa, một năm sau thì được điều ra làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa. Ăn ba cái Tết trên đảo, đến năm 2005, anh trở về đất liền. Một năm sau, anh lại được cử ra làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông. “Năm 2006, tôi xây dựng gia đình, được đơn vị cho nghỉ phép sáu tháng; sau đó lại được phân công ra đảo Núi Le, Sinh Tồn và nay là đảo Song Tử Tây”, Đại úy Tân nói.
Ngồi trên boong tàu lướt nhanh giữa trùng khơi, tôi và Đại úy Tân thỉnh thoảng lại bị xô nghiêng ngả vì sóng ở đây khá lớn. Theo Đại úy Tân, bây giờ cán bộ, chiến sĩ ra công tác ở quần đảo Trường Sa thuận lợi hơn trước nhiều bởi được đi bằng tàu lớn, hiện đại hơn. Anh tâm sự: “Khi làm nhiệm vụ giữa trùng khơi, mỗi lần gặp được tàu cá của bà con ngư dân, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi mừng lắm vì cảm giác như quê hương đang ở rất gần. Trong những ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ mừng năm mới song nhiệm vụ canh giữ biển đảo vẫn phải đặt lên hàng đầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
![]() |
Đại úy Trần Văn Tân. |
Qua lời kể của Đại úy Tân, trong những năm tháng công tác trên quần đảo Trường Sa, anh có rất nhiều kỷ niệm khó quên về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân trên đảo và ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Trong đó, kỷ niệm ấn tượng nhất đối với anh là thời gian đóng quân trên đảo đá Núi Le. Đây là đảo chìm, hình thành bởi rạn san hô vòng. Khi thủy triều xuống thấp nhất thì rải rác có chỗ rạn san hô nhô lên khỏi mặt nước. Vì thế, điều kiện sinh hoạt ăn, nghỉ ở đây cực kỳ khó khăn. Các anh ở trên nhà chòi, quanh năm đối mặt với sóng to, gió lớn. “Có lần, một đồng chí nhận tin bố mất, do làm nhiệm vụ nơi đảo xa nên không thể về chịu tang được, cả đơn vị đã lập bàn thờ thắp hương tưởng niệm ông. Trên bàn thờ chỉ có chút bánh kẹo, thịt cá cùng trái bàng vuông, nhưng hôm đó, ai cũng xúc động và cảm thấy gắn bó với nhau như anh em một nhà”, Đại úy Tân nhớ lại.
![]() |
Thượng úy Trần Văn Trung. |
Được biết, Đại úy Tân có em trai cũng đang đóng quân, làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, đó là Thượng úy Trần Văn Trung. Hai anh em tuy ít được gặp nhau nhưng vẫn thường xuyên liên lạc, động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu như Đại úy Tân có 18 năm sống trên quần đảo Trường Sa thì Thượng úy Trung cũng có gần 13 năm đóng quân ở đó.
Đón Tết giữa trùng khơi
Cuối năm nay, khi mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021, tôi may mắn gặp Thượng úy Trần Văn Trung đang tranh thủ về thăm người thân ở quê nhà. Thượng úy Trung cho biết, anh được về phép mấy ngày rồi lại phải lên đường làm nhiệm vụ và đón Tết ở quần đảo Trường Sa cùng với anh trai mình.
Cũng như những người lính đảo mà tôi từng gặp, hai anh em Trần Văn Tân - Trần Văn Trung đều toát lên đức tính kiên cường nhưng cũng rất tình cảm, sẵn sàng gánh vác những việc khó về mình. Qua các anh, tôi càng vững tin hơn về những cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc. |
Thượng úy Trần Văn Trung (SN 1979), năm 2004, anh đi bộ đội đóng quân ở tỉnh Khánh Hòa thuộc vùng 4 Hải quân. Năm 2005, anh làm nhiệm vụ ở Côn Đảo. Từ năm 2007 đến nay, Thượng úy Trung được đơn vị điều động ra làm nhiệm vụ tại các đảo Đá Đông, Trường Sa Lớn, Đá Thị, Tiên Nữ và Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa. “Cứ khoảng 2 năm làm nhiệm vụ trên đảo, tôi được điều động về đất liền 6 tháng, sau đó lại ra đảo công tác. Bởi vậy, chuyện đón Tết trên đảo là thường tình với tôi”, Thượng úy Trung vui vẻ nói.
Thượng úy Trung kể, mỗi khi Tết đến, xuân về, quân và dân trên quần đảo Trường Sa nhận được nhiều tình cảm từ các cấp chính quyền và những người dân ở đất liền gửi ra, nào là bánh chưng, thịt lợn, gà, bánh kẹo, cành đào, quất và đặc biệt, không thể thiếu những lá cờ Tổ quốc. Những việc làm này đã giúp các anh đón Tết trên đảo đủ đầy, ấm cúng hơn, vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhất là trong thời khắc đón Giao thừa.
Đóng quân trên đảo gần 13 năm, Thượng úy Trung cũng có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Anh kể, đúng 27 Tết năm 2016, khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở đảo Tiên Nữ thì phát hiện một tàu cá của ngư dân có người bị nạn. Cả cánh tay phải của nạn nhân bị máy nghiền đá để ướp cá nghiền nát. Thấy vậy, anh và đồng đội kịp thời vệ sinh, băng bó vết thương rồi chuyển về đảo Trường Sa Lớn điều trị tiếp. “Ngư dân này quê ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Sau lần đó, mỗi dịp Tết đến, bà con ngư dân lại ghé thăm đảo chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, tình cảm quân dân ngày càng gắn bó”, Thượng úy Trung nói.
![]() |
Tuần tra trên đảo Sơn Ca. |
Theo Thượng úy Trung, đảo Tiên Nữ là đảo chìm, có vành đai san hô khép kín gắn với câu chuyện huyền thoại về một nàng tiên cá xuất hiện giữa biển khơi mang bình yên cho cả vùng đảo này. Đặc biệt, trên đảo có trạm hải đăng, là một trong những ngọn hải đăng to và đẹp nhất ở quần đảo Trường Sa. Thượng úy Trung chia sẻ: “Năm 2016, khi vợ sinh con, tôi quyết định đặt tên con là Trần Hải Đăng, với mục đích vừa là kỷ niệm thời điểm đóng quân trên đảo, vừa mong muốn con trai mình sẽ khôn lớn, vững vàng như ngọn hải đăng giữa biển”.
Như những người lính đảo tôi từng được gặp, hai anh em Tân - Trung đều toát lên đức tính kiên cường nhưng cũng rất tình cảm, sẵn sàng gánh vác những việc khó về mình. Qua các anh, tôi càng vững tin hơn về những cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)