Giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời
Quyết tâm hoàn lương
Hoàn thành thời gian cải tạo trở về địa phương đến nay được hai năm, anh N.A.T (SN 1987), tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) đã nỗ lực thay đổi cuộc sống. Hằng ngày anh T chăm chỉ phụ giúp gia đình làm nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm để có thu nhập.
Công an thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) hướng dẫn người từng lầm lỡ làm thủ tục xóa án tích. |
Với mong muốn làm việc có ích cho xã hội, anh tham gia lực lượng tự vệ của phường, tích cực trong những đợt huấn luyện, hội thao hằng năm.
Dịp lễ, Tết, anh cùng một số đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh, lãnh đạo tổ dân phố hỗ trợ lực lượng công an tuần tra góp phần bảo đảm an ninh địa bàn. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh nhận trực chốt kiểm dịch, làm công tác hậu cần tại khu cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa, chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Anh chia sẻ: “Từng vấp ngã nhưng được gia đình, mọi người xung quanh quan tâm giúp đỡ nên tôi cố gắng làm lại cuộc đời và có thể góp sức cho cộng đồng”.
Sau khi chấp hành án phạt tù trở về, chị N.T.T (SN 1982), thôn Thượng Tự, xã Song Mai (TP Bắc Giang) được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, thôn tặng quà, động viên, nắm bắt khó khăn và đứng ra tín chấp với ngân hàng giúp chị vay 50 triệu đồng để sản xuất.
Nhận được sự quan tâm của chị em hội viên, chị T dần vượt qua mặc cảm, mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại với các loại cây trồng như: Mít, bưởi, măng bát độ và đào ao thả cá, trồng sen. Mô hình bước đầu mang lại thu nhập khá giúp gia đình chị ổn định cuộc sống.
Cũng quyết tâm làm lại cuộc đời sau lầm lỡ là các anh Đ.V.T (SN 1984) ở tổ dân phố Phương Lạn 2, thị trấn Phương Sơn (Lục Nam); anh N.H. T, xã Tân Liễu (Yên Dũng)... Mấy năm nay, nhờ chăm chỉ, năng động, việc kinh doanh vải ở chợ Sàn của vợ chồng anh Đ.V.T hiệu quả.
Hiện anh còn tích cực bảo đảm an ninh trật tự. Còn anh N.H. T chí thú làm nghề sản xuất mộc nên tay nghề ngày một nâng cao, được khách hàng tin cậy. Xưởng mộc của anh phát triển mang lại thu nhập khá, thu hút gần chục lao động khác.
Quan tâm tạo việc làm
Xác định làm tốt công tác giáo dục và cảm hóa sẽ là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả tái phạm, góp phần giảm tội phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước; thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
TP Bắc Giang hiện có 358 người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng và 51 đối tượng nghiện đang quản lý sau cai nghiện. Theo Thượng tá Phan Thanh Hợp, Phó trưởng Công an TP Bắc Giang, nhằm giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, đơn vị chỉ đạo công an phường, xã phối hợp với các đoàn thể ở địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện sau cai trên địa bàn; trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý.
Toàn tỉnh có gần 2,3 nghìn người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú ở địa phương nhưng chỉ có 46,5% đã có việc làm. Đa số người sau cai nghiện hoặc chấp hành án phạt tù còn tự ti, mặc cảm, có trình độ học vấn thấp, tay nghề, kỹ năng còn hạn chế; do không có thu nhập, một số người dễ tái phạm. |
100% số người trong diện tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương đều được công an các cấp tham mưu UBND phường, xã phân công các tổ chức, cá nhân phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn phát triển kinh tế.
Nổi bật là lực lượng công an phối hợp với chính quyền cơ sở xây dựng, duy trì hiệu quả 4 mô hình hỗ trợ tái hòa nhập tại các phường, xã: Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú và Dĩnh Trì. Những hoạt động tích cực đó góp phần để 6 tháng năm nay, tỷ lệ tái phạm tội tại TP giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở một số địa phương như Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Sơn Động, công tác này cũng được quan tâm. Dù mới đi vào hoạt động được gần hai tháng song mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tại thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) và xã Ngọc Vân (Tân Yên) đã có nhiều hoạt động thiết thực.
Thành viên gồm đại diện các tổ chức chính trị, trưởng thôn, bí thư chi bộ hoặc công an viên bán chuyên trách của các thôn, khu phố với vai trò cầu nối để nắm bắt, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của những người có quá khứ lầm lỗi đến cơ quan chức năng. Đồng thời định hướng giúp họ chấp hành nghiêm pháp luật; giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên qua khảo sát của Công an tỉnh, toàn tỉnh có gần 2,3 nghìn người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú ở địa phương nhưng chỉ có 46,5% đã có việc làm. Đa số người sau cai nghiện hoặc chấp hành án phạt tù còn tự ti, mặc cảm, có trình độ học vấn thấp, tay nghề, kỹ năng hạn chế; do không có thu nhập, một số người dễ tái phạm.
Theo Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các ngành, đơn vị để trợ giúp tâm lý, pháp lý, hỗ trợ vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm; vận động hội viên, đoàn viên và và quần chúng nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ để người từng lầm lỗi có công việc, thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống, tránh tái phạm tội, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)