Giữ bình yên bản làng
Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn gặp gỡ người dân thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân. |
Đường đến thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân là thách thức đối với cánh lái xe. Đèo Vá có nhiều khúc cua uốn lượn, dốc nghiêng khiến cho một người lạ như tôi cảm thấy thót tim. Thế nhưng với Thiếu úy Lăng Văn Dành và Hoàng Mạnh Kiên, cán bộ an ninh Công an huyện Lục Ngạn thì đó là điều bình thường, đoạn đường này hai anh đã quá quen thuộc, thậm chí nhớ cả từng ổ gà chỗ nào nông sâu.
Sau hành trình chừng 45 phút xuất phát từ thị trấn Chũ, chúng tôi đến thôn Cầu Nhạc. Xa xa, những mái nhà của đồng bào dân tộc Nùng lấp ló dưới tán cây. Tại một căn nhà cấp 4 có người phụ nữ đứng ở cổng như đang chờ ngóng ai đó. Thiếu úy Dành cho biết, đó là bà Lăng Thị Nắng (SN 1964) đang ra đón chúng tôi. Ấm trà nóng được hãm sẵn, bà ân cần đưa cho khách: "Uống đi cho ấm bụng, trà bà mới pha đấy. Trời lạnh như thế này, cán bộ lên đây chắc vất vả lắm".
Qua câu chuyện của cán bộ an ninh, tôi biết để có được tình cảm yêu thương, sự tin tưởng của người dân thật sự không dễ chút nào. Đối với chiến sĩ mới, trước khi tiếp nhận địa bàn đều phải tìm hiểu kỹ phong tục tập quán của bà con thì mới có thể tiếp cận được. Xã Phong Vân có những hộ sinh sống trong những hẻm núi sâu, cách trung tâm xã cả chục cây số, phải mất nửa ngày đi bộ mới vào tới nơi.
Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, những chiến sĩ an ninh liên tục về các bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi về nhà bà Nắng, hai thiếu úy gần như thông thạo mọi việc trong gia đình, từ chặt củi, làm vườn đến chuẩn bị cơm trưa. Ánh mắt trìu mến nhìn các chiến sĩ, bà tâm sự: “Tôi coi cán bộ như người nhà vậy. Anh em rất tình cảm, thường xuyên đến thăm hỏi bà con, phổ biến chế độ, chính sách; có gì chúng tôi chưa hiểu đều được giải thích cặn kẽ”. Nhiều năm nay, ở thôn Cầu Nhạc không xảy ra sự vụ gì về an ninh nông thôn, an ninh dân tộc.
Công an huyện Lục Ngạn giúp bà con thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân sản xuất. |
Lục Ngạn có diện tích rộng nhất tỉnh, đông đồng bào dân tộc sinh sống. Huyện có 12 xã vùng cao, kinh tế còn khó khăn, giao thông chưa thuận tiện, nhận thức người dân khu vực này còn hạn chế. Nhằm giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, các đồn công an tại đây được thành lập. Đồn Công an Tân Sơn cách trung tâm huyện khoảng 20km, có nhiệm vụ bảo đảm ANTT 6 xã: Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Phong Minh, Sa Lý, Phong Vân.
Đại úy Phạm Đình Hùng, Phó trưởng Đồn Công an Tân Sơn cho biết: "Để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngoài kiên trì thì sự chân thành, thân thiện là yếu tố then chốt giúp cán bộ, chiến sĩ công an nơi đây dành được tình cảm, sự tin tưởng của bà con. Khi có tin tức, đối tượng nghi vấn xuất hiện tại địa phương, người dân đều báo ngay cho chúng tôi".
Đơn cử như giữa năm 2017, tại thôn Héo A, xã Hộ Đáp xuất hiện một đối tượng nghi vấn đến các hộ dân làm quen. Nhận được thông tin của quần chúng, lực lượng công an đã tập trung xác minh, phát hiện đó là Phạm Văn Thế (SN 1992) ở thôn Kim Bảo, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Tên này sử dụng danh tính giả để lừa đảo chiếm đoạt xe máy của một hộ tại thôn. Ngay sau đó, hắn bị bắt giữ trước khi tẩu tán tài sản. Năm 2017, Đồn Công an Tân Sơn nhận được hàng chục tin báo phản ánh về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó kịp thời ngăn chặn, giải tán một số nhóm thanh niên tụ tập có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng; phối hợp với Đội Hình sự (Công an huyện) làm rõ hơn 30 vụ phạm pháp, bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan.
Công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cán bộ an ninh chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Nhiều người uy tín tham gia hòa giải thành các vụ việc mâu thuẫn, bất đồng xảy ra trong thôn, bản; vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đơn cử như việc một số chức sắc về Phật giáo ở tỉnh ngoài về địa phương giảng đạo và thực hiện nghi lễ tôn giáo ở xã Quý Sơn, Tân Lập không đăng ký với chính quyền địa phương, thường xuyên tụ tập đông người ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, cuộc sống của người dân vào hồi đầu năm 2017. Cán bộ phụ trách địa bàn đã cùng người uy tín, các tổ công tác tiếp cận và giải thích cho người dân hiểu những hệ lụy của hoạt động mê tín dị đoan. Bà con sau đó đã trở lại lao động, sản xuất, không đi theo kẻ xấu, không bỏ bê đồng ruộng, vườn tược.
Thường xuyên có mặt tại cơ sở, lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời một số vụ việc tiềm ẩn yếu tố phức tạp; vô hiệu hóa hành vi phá hoại của đối tượng xấu. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, không ngại gian khó, các cán bộ, chiến sĩ công an huyện Lục Ngạn đã làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần mang đến cuộc sống bình yên ở những thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)