Gìn giữ nghệ thuật chèo: Phát huy vai trò hạt nhân cơ sở
Còn mãi chiếu chèo
Dưới tán cây hoa đại thơm ngát ở sân đình thôn Hoàng Mai 2, xã Hoàng Ninh (Việt Yên), hơn 30 diễn viên, nhạc công của CLB Chèo Hoàng Mai say mê tập luyện. Kép chính cất lời, dàn nhạc cụ truyền thống sáo, líu, trống, đàn tam hòa quyện.
![]() |
Một cảnh diễn trong vở "Trọn nghĩa vẹn tình" của CLB Chèo huyện Yên Dũng. |
Theo lời kể của bà Đỗ Thị Khoa (SN 1942), nghệ thuật chèo xuất hiện ở Hoàng Mai hơn trăm năm nay, khi vợ chồng cụ Kép Viễn (người quê Thái Bình) lập nghiệp rồi truyền dạy hát chèo cho người dân. Hát thể loại này rất khó bởi yêu cầu người hát phải có chất giọng mượt mà cùng làn hơi dài.
Theo bà Thân Thị Nền, Phó Chủ nhiệm CLB Chèo Hoàng Mai, để nâng cao trình độ cho các thành viên, CLB thường đi giao lưu, học hỏi và biểu diễn ở nhiều sân khấu chèo trong, ngoài tỉnh như: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương.
Chèo có hơn 300 làn điệu từ dễ đến khó. CLB sưu tầm, nhờ nghệ nhân có tiếng đến truyền dạy một số làn điệu như: Đào liễu, làn thảm, ru kệ, lới lơ… Từ đó thành viên nắm chắc kỹ thuật, biểu đạt tốt hơn khi nhập vai nhân vật ở mỗi vở chèo.
Đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật chèo làng Hoàng Mai là những diễn viên, nhạc công như: Vợ chồng ông bà Vũ Văn Hoàng, Nguyễn Thị Nhiên; bà Nguyễn Thị Lại, Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Lâm…
Gặp gỡ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Nguyên, 81 tuổi và ông Nguyễn Văn Can, 93 tuổi (hội viên lớn tuổi nhất của CLB Chèo làng Hạ, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên), chúng tôi hiểu phần nào về những bước thăng trầm của nghệ thuật chèo nơi đây. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm, hiện CLB là nơi sinh hoạt, chia sẻ niềm say mê chèo của 81 thành viên (số thành viên CLB thuộc hàng đông nhất huyện), hầu hết ở độ tuổi 60 - 70 tuổi.
Mỗi dịp hội làng, chiếu chèo làng Hạ lại rộn ràng những vở chèo truyền thống như: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa đến những vở chèo hiện đại, cải biên. Ông Dương Văn Thi, Chủ nhiệm CLB Chèo làng Hạ, xã Cao Thượng (Tân Yên) cho hay: “Để duy trì hoạt động CLB, chúng tôi vẫn tổ chức luyện tập vào cuối tuần, tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ tại địa phương”.
Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm CLB Chèo làng Hạ phối hợp với các CLB văn hóa, văn nghệ khác tổ chức giao lưu hát chèo, dân ca quan họ; thực hiện chương trình giới thiệu về nghệ thuật chèo tại trường học.
Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vào trung tuần tháng 9 dự kiến thu hút hàng chục đoàn nghệ thuật cùng hàng trăm diễn viên, nhạc công. Đây là dịp để những người yêu nghệ thuật chèo giao lưu học hỏi, tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật dân gian. |
Cụ thể, từ năm 2018, các thành viên CLB đã tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Cao Thượng tìm hiểu những kiến thức cơ bản như: Đào, kép, hề, lão, mụ trong nghệ thuật chèo; cải biên điệu múa trong vở chèo thành bài tập dân vũ giữa giờ cho học sinh. Việc làm này góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo đến thiếu nhi địa phương.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có gần 40 CLB chèo phân bố ở cả 10 huyện, TP. Giống như nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ nói chung, hát chèo ở tỉnh Bắc Giang gắn liền với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, nhất là ở lễ hội.
Nhắc đến hát chèo có lẽ phải kể đến những cái tên như: Làng chèo Đồng Quan, Tư Mại (Yên Dũng); làng Then (Lạng Giang); làng Hoàng Mai (Việt Yên); làng Bắc Lý (Hiệp Hòa); làng Hạ (Tân Yên)... Thực hiện nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, mỗi năm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đều mở từ 10 đến 12 lớp truyền dạy hát chèo cho các hạt nhân văn nghệ tại địa phương.
![]() |
Một buổi tập luyện của CLB Chèo Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh (Việt Yên). |
Mỗi lớp có 30 đến hàng trăm học viên ở các độ tuổi khác nhau. Để nhân rộng phong trào hát chèo ở các cơ sở, Trung tâm phối hợp với các huyện, TP lựa chọn, xây dựng những nhân tố điển hình, tiêu biểu làm nòng cốt cho phong trào.
Mặc dù có nỗ lực cố gắng trong bảo tồn nghệ thuật chèo ở cơ sở song loại hình nghệ thuật này cũng phải đối diện trước những khó khăn, thách thức như: Thiếu nhạc công trong các CLB chèo, chiếu chèo; thế hệ trẻ ít mặn mà nên lớp trẻ kế cận không nhiều; chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chèo chưa tương xứng; một số địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức.
Theo ông Nguyễn Quách Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức liên hoan Chèo tạo môi trường cho các CLB chèo toàn tỉnh giao lưu học hỏi, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn nghệ thuật chèo.
Đây là sân chơi cho các CLB chèo trên địa bàn tỉnh giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo, thời gian tới, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tiếp tục điều tra, nghiên cứu mở lớp bồi dưỡng hạt nhân; phục dựng, truyền dạy các vở chèo cổ; phối hợp với ngành giáo dục đưa chèo vào trường học; khôi phục các làng chèo cổ.
Đồng thời giới thiệu về những giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo với người trẻ và công chúng nói chung; thành lập mới các CLB, thường xuyên tổ chức liên hoan giao lưu, qua đó đào tạo, tuyển chọn thế hệ diễn viên, nhạc công kế cận.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)