Giảm nghèo ở xã vùng cao Phong Vân
Biến khó khăn thành lợi thế
Phong Vân nằm cách trung tâm huyện 23 km, diện tích tự nhiên 3,6 nghìn ha thì có tới gần 2/3 là rừng bao gồm hơn 1 nghìn ha rừng phòng hộ và 1,27ha rừng sản xuất. Điều kiện tự nhiên nơi đây khắc nghiệt, nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất đều thiếu thốn, nhất là vào mùa khô. Bà con dân tộc Tày và Nùng chiếm 60,2% dân số của xã.
Học sinh Trường THCS xã Phong Vân trong giờ tự học tại thư viện nhà trường. Ảnh Minh Thu. |
Với phương châm muốn phát triển kinh tế - xã hội thì hạ tầng giao thông phải đi trước, từ các nguồn như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, Phong Vân ưu tiên lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Trong hơn 2 năm trở lại đây, toàn xã có 11 công trình, với tổng số vốn đầu tư là 4,3 tỷ đồng phục vụ dân sinh và sản xuất đã hoàn thành như: Cứng hóa đường bê tông thôn Vựa Trong, thôn Cầu Nhạc, thôn Cả; xây dựng cống qua thôn Suối Chạc; cải tạo đập Đồng Hon… góp phần giải quyết khó khăn về giao thông, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và đời sống nhân dân trong xã.
Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành tháng 6/2020 của Đảng ủy xã Phong Vân đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế - xã hội dựa trên đặc thù tự nhiên của một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Lục Ngạn.
Xã chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, nhất là cây trồng chủ lực như cây lương thực có hạt, vải thiều, cải tiến kỹ thuật canh tác tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả về kinh tế; phát huy lợi thế tự nhiên về đất đai để đầu tư phát triển đàn vật nuôi; phát triển kinh tế rừng.
Hằng năm, các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất như: Trồng, chăm sóc cây ăn quả; chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh mở tại xã với hàng nghìn lượt người dân tham gia.
Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn xã được duy trì ổn định với 704,5 ha, riêng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm một nửa. Sản lượng trái cây bình quân đạt 2,75 nghìn tấn/năm; giá trị kinh tế từ cây ăn quả đạt từ 42 đến 45 tỷ đồng/năm. Vải thiều là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho người trồng.
Ông Trương Văn Hiên, thôn Chả, xã Phong Vân chăm sóc đàn ngựa bạch. |
Với lợi thế đồi bãi rộng, xã khuyến khích các hộ đẩy mạnh chăn nuôi, chuyển dịch chăn nuôi theo hướng tăng quy mô các đàn gia súc lớn như: Ngựa, bò, dê... gắn với phòng, chống dịch bệnh. Khoảng 3 năm trở lại đây, giá trị sản xuất từ chăn nuôi ước đạt 78,9 tỷ đồng/năm, trong đó tổng đàn ngựa hiện đạt 1,5 nghìn con, đây là loài vật nuôi giúp nhiều hộ thoát nghèo và dần trở nên khá giả.
Địa bàn có đa phần diện tích tự nhiên là rừng, xã đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách về hỗ trợ, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Đề án hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế nương rẫy. Nhờ vậy, kinh tế rừng trên địa bàn xã gần đây có sự khởi sắc. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, phân loại rừng theo mục đích sử dụng để quản lý; giá trị kinh tế từ rừng từng bước nâng cao; độ che phủ rừng tăng, hiện đạt khoảng 56%.
Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với các ngành nghề như: Cơ khí, sản xuất gỗ, mộc dân dụng, may mặc, xây dựng, tổ thợ xây dựng thường xuyên hoạt động... Sự chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng lên đáng kể, toàn xã hiện có hàng nghìn lao động thường xuyên làm việc tại các doanh nghiệp. Thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển hơn với 132 cơ sở kinh doanh về xây dựng, cung cấp hàng hóa cho sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và cửa hàng bán lẻ, hàng hoá tiêu dùng phục vụ sinh hoạt, đời sống dân cư.
Huy động các nguồn lực hỗ trợ
Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số như tăng cường cơ sở vật chất, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất được tích cực triển khai; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ cấp đất ở, thực hiện chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy được vai trò của đội ngũ này trong vận động nhân dân làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ rừng.
Một góc xã Phong Vân. |
Công tác giảm nghèo huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể. Trong đó, Đoàn Thanh niên tổ chức các đợt ra quân tình nguyện mùa hè, mùa đông - xuân; phối hợp với các đội sinh viên tình nguyện các trường đại học có nhiều hoạt động thiết thực như: Tặng xe đạp, cặp sách, sách vở, gạo, mì gói, quần áo; học bổng cho học sinh vượt khó và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã; thi công các công trình thanh niên (đổ bê tông sân thể thao tại nhà văn hóa thôn Suối Chạc, nạo vét kênh mương nội đồng); tổ chức ra quân Chủ nhật xanh làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, phát quang hành lang an toàn giao thông.
Hội LHPN xã thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”. Hội Nông dân phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng; hướng dẫn vận động hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống hội viên; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách an sinh xã hội; lao động việc làm; giảm nghèo bền vững; dân tộc miền núi; bảo vệ trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Với những nỗ lực đó, Phong Vân đã giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Mới đây, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, số hộ nghèo của xã còn 18,60% (giảm 8,76% so với đầu nhiệm kỳ), hộ cận nghèo còn 19,19% (giảm 7,55% so với đầu nhiệm kỳ).
Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vậy nhưng theo Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn Doanh, Phong Vân vẫn phải đối mặt với những khó khăn để duy trì sự bền vững và nâng cao hơn kết quả giảm nghèo.
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn nước cho sinh hoạt cũng như sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, xã tích cực chuyển đổi từ lúa và hoa màu sang cây ăn quả nhưng năng suất và chất lượng cây ăn quả không ổn định. Diện tích rừng sản xuất bình quân mỗi hộ thấp. Đàn gia súc lớn song xã vẫn chưa có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây mong muốn tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về nguồn lực, kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; nhất là hỗ trợ quy trình thủ tục để các sản phẩm chăn nuôi đạt điều kiện chứng nhận OCOP, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con. Cùng đó là khai thác, phát huy được tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Mỹ Bình
Ý kiến bạn đọc (0)