Giải quyết kịp thời, chính xác hồ sơ tồn đọng, cải thiện đời sống người có công
Xin đồng chí cho biết tình hình hồ sơ tồn đọng và kết quả giải quyết của tỉnh Bắc Giang đến thời điểm hiện tại?
Trong những năm qua, việc giải quyết chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của họ luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, chú trọng.
Đối với công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác rà soát, giải quyết; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục NCC (Bộ LĐTBXH), Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH tặng quà thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh. Ảnh tư liệu. |
Đến nay đã có 69 trường hợp được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận là liệt sĩ. Số còn lại (14 trường hợp) đang được Cục NCC thẩm định; 56 trường hợp đang được Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng thẩm định. Trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Bộ CHQS tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đối với những trường hợp của địa phương.
Nhìn chung hiện nay hệ thống văn bản, quy định, chính sách đối với NCC được Đảng và Nhà nước ban hành ngày càng đầy đủ, hoàn thiện giúp cho việc thực hiện rõ ràng, mạch lạc, thông suốt. Hệ thống thủ tục hành chính được tuyên truyền hướng dẫn đến tận người dân; việc nắm bắt và nhận thức của người dân về quy định, chính sách đối với NCC được nâng cao giúp cho công tác phối hợp, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục cũng như thực hiện các chế độ, chính sách thuận lợi hơn.
Cùng với quan tâm giải quyết hồ sơ xác nhận còn tồn đọng, công tác chăm lo, thực hiện các chính sách đối với NCC và thân nhân NCC của tỉnh hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
“Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phát huy truyền thống đó, những năm qua, tỉnh Bắc Giang tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, giải quyết tốt chính sách chăm lo cho NCC với cách mạng. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý gần 160 nghìn hồ sơ NCC (thương binh, bệnh binh, anh hùng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến…). Trong đó có gần 25 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng với số tiền khoảng 48 tỷ đồng/tháng.
Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh chăm sóc thương binh, bệnh binh. |
Với mục tiêu chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những NCC với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi với nhiều hình thức: Trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, chế độ BHYT, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở, tạo điều kiện cho con em NCC có việc làm ổn định.
Cùng đó, công tác xã hội hóa nhằm huy động nhiều nguồn lực tham gia công tác “đền ơn đáp nghĩa” cũng được các cơ quan, đơn vị và cá nhân hưởng ứng tích cực. Hằng năm, quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động hàng tỷ đồng để chi hỗ trợ thăm hỏi, xây nhà tình nghĩa cho NCC với cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Sở LĐTBXH và các địa phương hỗ trợ thương binh, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa.
Có thể khẳng định, việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong những năm qua đã được các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.
Mức chuẩn nghèo nâng lên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn đã tác động như thế nào đến việc thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng và gia đình chính sách, thưa đồng chí?
Tuy tình hình KT-XH trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn nhưng việc chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho NCC và gia đình chính sách luôn được tỉnh hết sức quan tâm. Hằng năm, tỉnh luôn dành ngân sách tỉnh khoảng 55 tỷ đồng để thăm tặng quà cho NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cùng sự vượt khó vươn lên, đời sống của NCC và gia đình NCC ngày càng được nâng cao. Đến nay NCC trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Mục tiêu của tỉnh là không để phát sinh hộ nghèo là NCC với cách mạng trong những năm tới.
Xin đồng chí cho biết những biện pháp để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa trong tình hình hiện nay?
Trước hết, Sở LĐTBXH tập trung làm tốt việc giải quyết chế độ đối với NCC và thân nhân của họ bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc chi trả trợ cấp ưu đãi; xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền tỉnh huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ NCC khó khăn cải thiện về đời sống, đặc biệt là nhà ở. Sở tiếp tục thực hiện số hóa dữ liệu lĩnh vực NCC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết chính sách đối với NCC; chính sách về việc làm và chương trình giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của NCC và thân nhân về chính sách giải quyết việc làm của tỉnh, từ đó chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho NCC và thân nhân của họ.
Cùng đó là hỗ trợ, ưu tiên cho hộ nghèo là gia đình NCC (nếu có) thông qua chương trình giảm nghèo của Nhà nước, như: Chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, dân cư nơi cư trú để hỗ trợ hộ gia đình NCC vươn lên, nâng cao đời sống.
Xin cảm ơn đồng chí!
Kim Hiếu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)