Giải mã tuyệt mật vụ đảo chính quân sự lật đổ Chính phủ Iran năm 1953
Thủ tướng Mohammed Mosaddeq (giữa). |
Nguồn gốc tài liệu được giải mật
Các tài liệu được đăng tải tại site của Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ (National Security Archive), tổ chức phi chính phủ chuyên thu thập thông tin được giải mật. CIA đã đăng tải để công chúng truy cập 21 tài liệu xác nhận sự tham gia của tổ chức tình báo này nhằm lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh và đưa quốc vương Mohammed Reza Pahlevi trở lại nắm quyền.
Theo giới sử học, chính CIA sau đó đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm nhẹ các hậu quả tiêu cực khi chiến dịch mang tên TPAJAX kết thúc. Donald N. Wilber, một trong số những người tham gia chiến dịch tiết lộ, nguyên nhân để CIA can thiệp vào nội tình Iran là khả năng nước này chuyển sang bên kia “bức màn sắt”. Điều đó có nghĩa, thắng lợi của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và thất bại của phương Tây ở khu vực Cận Đông. Các tài liệu khẳng định, CIA có tham gia vào cuộc đảo chính ở Iran từng được đăng công khai trước đó vào năm 2000 trên tờ The New York Times (Mỹ). Thông tin trên đã vô tình tiết lộ tên tuổi của các điệp viên CIA tham gia chiến dịch.
Cuộc đảo chính ở Iran năm 1953 xảy ra sau khi Thủ tướng Mohammed Mossadegh lên nắm quyền đã quyết định quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ và cắt đứt quan hệ với Mỹ và Anh. Trong cuộc đảo chính, quốc vương Mohammed Reza Pahlevi tạm thời bỏ chạy ra nước ngoài, trong khi Thủ tướng Mohammed Mossadegh bị bắt giam 3 năm, sau đó bị quản chế tại gia cho đến khi qua đời vào năm 1967. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính, quốc vương Mohammed Reza Pahlevi cầm quyền đến năm 1979 thì phải sống lưu vong do nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo.
Sự thật đúng như đồn thổi
Như trên đề cập, tài liệu mật vừa được giải mã là một phần hồ sơ liên quan đến những việc làm bí ẩn của CIA mang tên The Battle for Iran đang được bảo quản tại kho lưu trữ của Đại học George Washington. Tài liệu cho hay, Mỹ đã chỉ đạo và trực tiếp điều hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ thủ tướng dân bầu theo hình thức dân chủ tại Iran- ông Mohammed Mosaddeq, sự dính líu của chính phủ Anh trong cuộc đảo chính và những nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn Mỹ không tiết lộ thông tin về vụ việc.
Theo trích đoạn nằm trong tài liệu, cuộc đảo chính quân sự ở Iran được tiến hành theo quyết định của CIA dựa trên chính sách ngoại giao của Mỹ, được phê chuẩn từ lãnh đạo cấp cao nhất của Lầu Năm Góc. Đây là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận vai trò đạo diễn vụ đảo chính với sự giúp đỡ của Anh. Cuộc đảo chính đã khiến tình hình chính trị Mỹ và Iran căng thẳng trong suốt 6 thập kỷ qua.
Thủ đô Teheran những ngày diễn ra cuộc đảo chính quân sự. |
Lý do các nước nhúng tay vào cuộc đảo chính là bởi họ coi Thủ tướng Mohammed Mosaddeq là cái gai trước mắt, mối đe dọa trực tiếp đến chiến lược cũng như lợi ích kinh tế của Anh và Mỹ. Sự việc được cho là lên đến đỉnh điểm khi ông Mohammed Mosaddeq đẩy nhanh tiến trình quốc hữu hóa ngành dầu lửa của Iran, lúc đó nằm dưới quyền kiểm soát của Liên danh British Ango- Irianian Oil Company, tiền thân của công ty dầu mỏ Anh BP ngày nay. Chính mối bất hòa quyền lợi dầu mỏ vốn được cả Anh và Mỹ quan tâm kể từ khi Thế chiến thế giới thứ II kết thúc, song Anh không tự tay thực hiện được nên phải nhờ đến Mỹ. Khi kế hoạch đảo chính đã "lên khuôn" với sự giúp đỡ của Anh, Tổng thống Eisenhower ngay lập tức chấp thuận và sự việc đã diễn ra đúng theo kịch bản của CIA.
Sau cuộc đảo chính, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tình báo Anh lại ngăn cản Mỹ tiết lộ thông tin. Mãi đến năm 2009, cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw mới công khai đề cập vấn đề này và coi đây là thông tin "nhiễu" liên quan đến mối quan hệ với Iran của Anh. Ngay sau khi CIA công bố thông tin này, văn phòng Bộ Ngoại giao Anh đã từ chối bình luận về dính líu của họ trong cuộc đảo chính diễn ra cách đây hơn 6 thập kỷ.
Đáng chú ý, sau khi giáng một đòn mạnh vào quyền lợi của Anh và Mỹ, mối đe dọa mang tên "phương Tây" ngày càng bao trùm lên chính phủ của Thủ tướng Mohammed Mosaddeq. Thêm vào đó, Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ cao trào đã khiến MI6 và CIA càng thêm quyết tâm thực hiện. Thậm chí Anh và Mỹ còn coi đây là thắng lợi của phía Liên Xô ở Trung Đông nên sau nhiều lần đàm phán không thành, cuộc đảo chính đã được thực thi một cách tối ưu nhất.
Trước khi diễn ra cuộc đảo chính, cả CIA lẫn MI6 đều dùng báo chí để "đánh" thủ tướng Iran, đồng thời chi không tiếc tiền cho phe đối lập thân Mỹ thực hiện những cuộc nổi dậy, biểu tình chống phá chính phủ và ủng hộ ông Mohammed Reza Pahlavi Shah, người trở thành thủ tướng sau khi Thủ tướng Mohammed Mosaddeq bị lật đổ, tiếp tục trị vì 26 năm liền và bị phong trào Cách mạng Hồi giáo Iran lật đổ năm 1979.
Quốc hội Iran sẽ kiện Mỹ và Anh về những thiệt hại trong cuộc đảo chính? |
Tài liệu mật nói trên nằm trong một phần hồ sơ mang tên Chiến dịch cài đặt chính phủ thân phương Tây ở Iran, xác định mục tiêu lật đổ chính quyền của Thủ tướng Mohammed Mosaddeq một cách hợp pháp. Theo chuyên gia nghiên cứu lịch sử Iran- Mỹ Ervared Abrahamian, tác giả cuốn Cuộc đảo chính 1953 và Nguồn gốc mối quan hệ Mỹ- Iran hiện đại thì nguồn gốc vụ đảo chính là bảo vệ quyền lợi của Mỹ và phương Tây, loại bỏ nhân vật dám cả gan quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, chặn đường can thiệp của Mỹ. Tuy nhiên theo giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, cuộc đảo chính là một hoạt động trắng trợn đầu tiên của CIA hay một hình mẫu cho các hoạt động can thiệp chính phủ tại nhiều quốc gia khác sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Iran sẽ kiện Anh- Mỹ?
Ngay sau khi CIA công bố thông tin nói trên, ông Mansour Hakikatpur, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran cho hay, nước này có kế hoạch yêu cầu Mỹ và Anh bồi thường cho Iran những thiệt hại trong cuộc đảo chính này. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những yêu cầu chính thức, Iran sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề nói trên. Liên quan đến sự kiện này, tờ Huffington Post của Anh số ra mới đây cho hay, trong số 196 nhà lập pháp dự phiên họp của quốc hội Iran, có 167 người bỏ phiếu ủng hộ dự luật kiện Mỹ, chỉ có 5 người phản đối. Phiên họp được truyền phát trực tiếp lên sóng phát thanh, truyền hình để người dân Iran lẫn dư luận toàn thế giới biết.
Khắc Hùng (Theo Guardian/CNN)
Ý kiến bạn đọc (0)