Già làng Bàn Văn Cường: Khơi suối nguồn chảy mãi
Con đường của Bác, con đường của dân
Tôi gặp già trong mảnh sân gạch đỏ hồng trước căn nhà đơn sơ ở bản Thanh Chung. 73 tuổi nhưng già vẫn còn tráng kiện lắm. Chân tay đang thoăn thoắt trải những tấm cật dài để làm nốt chiếc sọt to đựng đồ trong bếp, già dừng tay mời khách vào nhà, rồi kể, ngày xưa cả làng, cả xã ở đây có “phong trào” đẻ cả chục người con. Hai vợ chồng già “đang” đẻ đến đứa thứ 7 thì làm lãnh đạo xã nên không được đẻ nữa. “Bây giờ mỗi đứa mỗi nơi, vợ chồng tôi ở với con trai thứ 4 nhưng các con còn lại cũng ở xung quanh đây nên cứ buổi chiều các cháu nội, ngoại đi học về vui lắm. Tuổi già cũng chỉ mong có thế thôi”, già Cường cười sảng khoái.
Già làng Bàn Văn Cường (đứng trước bên trái) luôn trăn trở với việc bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Ảnh: Việt Hưng. |
Nghe già Cường kể chuyện, tôi hình dung đến cả một thời kỳ khó khăn, gian khổ của người dân Tuấn Mậu nói riêng và Sơn Động nói chung trước đây. Tuổi thơ của già không biết đến ngôi trường, không biết đến thầy giáo, không biết chữ, chỉ có lá rừng rậm rạp che kín cả những con đường đi. “Mãi đến năm 1958, Nhà nước chia ruộng thì mới biết làm ruộng chứ trước đây chỉ toàn đi phát nương rẫy”, già Cường cho biết. Nhưng trong đám trẻ con hồi đó, già Cường đã sớm được giác ngộ cách mạng, hướng đến với ánh sáng của Đảng. 15 tuổi, già được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. 3 năm sau, thanh niên Bàn Văn Cường đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nguyện cống hiến cuộc đời mình cho Đảng và Bác Hồ. Ông làm đủ các chức vụ, khi thì làm xã đội, lúc làm chủ nhiệm rồi làm Thường trực Ủy ban. Đến năm 1984, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn (bao gồm cả các xã Thanh Luận, Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn hiện nay). Và suốt 16 năm, ông được người dân, Đảng viên yêu mến đến mức có nhiều lần ông khóc trước đảng viên, quần chúng xin được thôi giữ chức Bí thư, Huyện ủy viên mà không thành. Nhiều người nói đó là cái số rồi, phải làm cán bộ thôi chứ biết làm thế nào!
Năm 2000, ông “xin nghỉ thành công” và được bàn giao chức Bí thư xã cho một đồng chí khác. Nhưng đó cũng là một giai đoạn mà huyện Sơn Động và đặc biệt là khu vực Thanh Sơn có sự chuyển biến mạnh mẽ với sự tham gia của Dự án Nhiệt điện Đồng Rì, dự án khai thác than thành phẩm của Công ty Than 45, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng hệ thống đường xá mới cho toàn bộ khu vực. Ông lại được Thường trực Huyện ủy mời tiếp tục ở lại Đảng ủy xã với vai trò cố vấn để cùng với địa phương có những bước đi táo bạo, góp phần xây dựng nên một Thanh Sơn, Tuấn Mậu như ngày nay.
Ngọn nguồn
Khi là một cậu bé, già Cường cũng đã được bố cho đi học chữ của người Dao mà lúc đó vẫn gọi là “tam tự kinh”. Nhưng học 1-2 tháng mà cái chữ chẳng vào được đầu. Rồi cậu theo kháng chiến, ăn ở với cán bộ, những bộ đội “3 cùng”, niềm yêu chữ lại bùng lên. Tất nhiên, lúc đó cậu bắt đầu tiếp xúc với chữ quốc ngữ và thấy nhu cầu học của mình cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi không biết chữ thì không biết người ta viết cái gì, tuyên truyền cái gì và thậm chí cả viết thư cho con cũng không biết. Vậy là thấy có cán bộ ở đâu ông Cường liền mang sách, mang chữ đến hỏi. Ai mở lớp dạy chữ, cậu cũng đến học cho bằng được. Cứ thế, cậu học hết được chương trình lớp 3. Đến khi có giáo viên bổ túc về thì ông lại hoàn thành chương trình học lớp 4, tức là khi đó “biết cộng, trừ, nhân, chia, biết phân số” thì cũng quá tuổi đi học nên không đi học tiếp mà đi làm cán bộ.
Già làng Bàn Văn Cường và những cuốn sách chữ người Dao. Ảnh: Việt Hưng. |
Lại đến khi công việc xã hội đã “hòm hòm”, quay lại với những giá trị văn hóa của người Dao, ông lại gặp khó khăn trong việc đọc chữ, đọc tài liệu về người Dao. Già nói vui rằng, đi đâu, sờ đâu cũng thấy cái chữ của người Dao, càng đi lại càng va chạm với cái chữ của mình mà mình không biết. Tức lắm chứ! “Ô, thế là mình hỏng rồi, mình phải đi tìm hiểu cái chữ thôi. Rồi còn cả con cháu mình người Dao nữa chứ, không học thì sao biết được mà bảo nhau”, già Cường nghĩ thế. Vậy là ông bắt đầu sưu tầm các loại sách, chữ của người Dao cổ. Cứ nghe ở đâu có người biết về sách, chữ Dao là ông tìm đến. Có khi sang tận Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ… để tìm các văn bản cổ rồi chép lại. Cứ thế, kho văn bản bằng chữ người Dao đã được hình thành ngay trong nhà ông với nhiều thể loại như truyền thống, đạo lý, phong tục, tập quán, những lời răn dạy, thói quen sinh hoạt… của người Dao đều có trong chiếc tủ nhỏ của gia đình. Rồi ông tự luyện chữ vào mỗi buổi sáng. Thậm chí nhiều đêm không ngủ được ông bỏ giấy bút ra để luyện chữ. Những con chữ bằng tiếng Hán cải biên theo nét của người Dao đã đi vào con người ông tự nhiên như thế.
Cũng nhờ say mê sưu tầm văn bản, tục ngữ, ca dao của người Dao ông được thay mặt cho những người dân tộc Dao ở Việt Nam đi dự Đại hội người Dao quốc tế. Trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển văn hóa dân tộc miền núi, là một trong những người biên soạn lên bộ sách giáo khoa về tiếng Dao của Việt Nam gồm 9 quyển để giảng dạy trong toàn quốc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình sưu tầm chữ của người Dao là có một thực tập sinh Nhật Bản về tận nhà ông hàng tháng trời để nghe ông giảng giải, phân tích, giới thiệu về chữ của người Dao và văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao ở Bắc Giang. “Cô ấy cũng là người dân tộc Dao ở Nhật Bản. Ở đó, trước đây họ cũng có chữ viết nhưng bây giờ mất hết rồi. Cô ấy rất muốn tìm hiểu không chỉ để làm đề án khoa học mà còn để tìm kiếm những tư liệu về người Dao trên toàn thế giới. Đó là điều rất quý”, già Cường nói.
"Đừng gọi tôi bằng thầy"
Khoảng năm 2010, với sự giúp đỡ của Bảo tàng Bắc Giang, già Cường mở lớp dạy chữ Dao cho người Dao ở xã Tuấn Mậu và các xã lân cận. Ông không nhớ nổi là mình đã dạy cho bao nhiêu người, chỉ biết là lúc đó đã có khoảng 4-5 lớp với số lượng hàng chục học viên mỗi lớp. Ông không lấy học phí của ai, học viên đến được truyền dạy đạo lý của người Dao, cách đối nhân xử thế, phong tục tập quán. Nhưng xuất phát điểm không phải là nhà giáo, không hề được có một ngày đào tạo để làm giáo viên nên ông truyền dạy cũng tự nhiên như thể cây rừng cứ thế mà lớn lên vậy. Ông kể: Có nhiều trường hợp, “học viên” hỏi những câu mà mình không thể trả lời được thì cũng tiếc lắm vì mình có được học đâu. Vậy nên, ông hay nói với mọi người là đừng gọi ông là thầy, đơn giản vì ông muốn người nào có kiến thức đến đâu thì chia sẻ đến đấy. “Tôi học anh, anh học tôi, vậy thôi!”.
Niềm vui càng được nhân đôi khi Nhà nước ban hành chính sách để phát triển tiếng nói, chữ viết, văn hóa của các dân tộc thiểu số. Già Cường cảm thấy mình không đơn độc trên con đường tìm lại những giá trị xưa của người Dao nữa. Già Cường nhận định, việc truyền dạy chữ người Dao là đúng đắn nhưng không hề dễ dàng và không phải người nào cũng có ý thức về việc học chữ của dân tộc mình. Già cũng cho rằng, văn hóa người Dao, tiếng nói, chữ viết của người Dao sẽ có thể bị mất ở một số gia đình, khu vực, thậm chí dòng họ. Nhưng già Cường cũng luôn tâm niệm, học chữ người Dao là còn để học làm một người Dao thực thụ.
Nguyễn Trường
Ý kiến bạn đọc (0)