Dừng phát triển thuê bao mới của nhà mạng nếu phát hiện còn SIM rác
Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Ảnh: Thái Khang. |
Ngày 7/3/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề xử lý SIM rác. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Phạm Đức Long và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT là Cục Viễn thông, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ TT&TT.
Sau khi nghe các đơn vị chức năng báo cáo và ý kiến của các Thứ trưởng của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo: Nhà nước chỉ tham gia trực tiếp vào các nội dung còn chưa đầy đủ quy định, biện pháp quản lý. Khi đã có đầy đủ các quy định, biện pháp quản lý thì việc thực hiện là của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ tập trung quản lý thông qua công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Bộ trưởng đã phân công Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo Cục Viễn thông tham mưu, trình văn bản thông báo về quan điểm của Bộ TT&TT gửi tới các doanh nghiệp viễn thông di động để kiên quyết xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác.
Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải xử lý xong tất cả các SIM tồn kênh, chuyển về SIM không có thông tin thuê bao (có hoặc không có gói cước), bảo đảm SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trước ngày 22/3/2024, các SIM đang khóa 2 chiều, có thông tin thuê bao, có gói cước phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Trước ngày 15/4/2024, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao; Xử lý xong tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM (từ 4 SIM/1 giấy tờ trở lên).
Sau khi đưa ra một loạt biện pháp mạnh trên để xử lý vấn nạn SIM rác, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm, nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trường hợp phát hiện các vi phạm như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao... Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao mới. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.
Thời gian gần đây, Bộ TT&TT liên tục đưa ra các cơ chế chính sách để xử lý vấn nạn SIM rác. Tuy nhiên, thị trường chỉ có chuyển biến khi các hoạt động thanh tra, kiểm tra SIM rác, sau đó SIM rác vẫn được “xả” ra thị trường. Hồi tháng 5/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao với tổng số 445 cán bộ được triển khai. Trong đó, Bộ TT&TT có 8 đoàn, 74 đoàn thanh tra còn lại được thực hiện bởi sở TT&TT các tỉnh thành, địa phương.
Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao. Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều SIM thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều SIM, lưu thông ra thị trường. Trong đó, bao gồm cả các điểm cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Phát biểu tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là không có SIM rác gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh của người dân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, xử lý tốt vấn đề SIM rác chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí. Doanh thu các nhà mạng sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng nếu giải quyết thành công vấn đề SIM rác.
Theo VietNamNet.
Ý kiến bạn đọc (0)