Dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Mục tiêu của các thế lực thù địch là tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu rồi dần tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Kỳ 1: Lực lượng bao nhiêu đều là nhờ dân hết
Diễu hành tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang năm 2022. Ảnh: Quốc Trường |
Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh, phục vụ và cống hiến. Mác và Ăng ghen trong tác phẩm Gia đình thần thánh đã viết: Nhân dân chính là người sáng tạo ra lịch sử. Những sự nghiệp và tư tưởng trong lịch sử đều là sự nghiệp và tư tưởng của quần chúng. Đánh giá về vai trò của quần chúng, Lênin cũng khẳng định: “Quần chúng lao động ủng hộ chúng ta. Sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến cho chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó”.
Đảng ta trải qua chặng đường hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cũng là nhận thức, đánh giá đúng đắn vai trò của quần chúng, dựa vào quần chúng nhân dân để làm cách mạng. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Dù vậy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn không ngừng xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo và xét lại lịch sử cùng với việc đưa các loại “cách mạng màu - cách mạng trắng” vào Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch là tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng để chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu rồi dần tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Còn nhớ, sau chiến thắng mùa xuân 1975, trong không khí phấn khởi, lạc quan tưởng chừng chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội đầy thuận lợi trong một sớm một chiều, thực ra đất nước đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất ít ai ngờ tới. Chúng ta phải đối diện với những tổn thất, những mất mát không thể bù đắp được về vật chất và tinh thần sau 30 năm chiến tranh khốc liệt. Chúng ta phải thực hiện hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và tiếp đó là 10 năm giúp bạn khỏi hoạ diệt chủng.
Chúng ta phải đối phó với những thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa ở nhiều vùng đất nước. Chúng ta bị cắt nguồn viện trợ to lớn, thường xuyên từ mấy chục năm đáng lẽ cần được tăng thêm để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau mấy chục năm binh đao khói lửa. Chúng ta bị kìm hãm bởi chính mình trong sự trì trệ bảo thủ của cơ chế quan liêu bao cấp thời chiến không còn phù hợp và sự thiếu hiểu biết về tư duy kinh tế.
Tiếp đến sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan vỡ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hoang mang khi “thành trì của chủ nghĩa xã hội” sụp đổ. Bản thân chính những người làm công tác tuyên giáo nói riêng và tuyên truyền nói chung cũng cảm thấy rõ sự lúng túng: Phải viết gì, nói gì với quần chúng, viết như thế nào, nói như thế nào để thuyết phục niềm tin của chính mình trước khi chuyển tải đến quần chúng những thông tin mới một cách thuyết phục nhất.
Thời điểm đó, dù mạng internet cũng như mạng thông tin liên lạc viễn thông chưa phát triển như hiện nay, nhưng những thông tin thất thiệt, sai lạc, trái chiều và cả thông tin phản động được truyền bá, phát tán trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau cũng rất phổ biến làm hoang mang dư luận xã hội. Tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tam quyền phân lập theo kiểu “dân chủ” phương Tây cũng đã len lỏi trong cán bộ, đảng viên các cấp và nhân dân.
Tôi nhớ, trong các cuộc giao ban công tác tuyên giáo hằng tháng của Tỉnh ủy Hà Bắc, chủ đề làm thế nào để ngăn chặn những thông tin xấu độc, phản động thâm nhập vào trong quần chúng nhân dân luôn được đặt ra. Lần ấy có một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy mới từ Ban Quản lý thị trường chuyển sang đã hồn nhiên và quyết tâm khẳng định: Huyện sẽ ngăn chặn những thông tin xấu độc, không cho thâm nhập vào huyện ngay từ bên kia 3 bến phà vào huyện (Vì huyện có 4 mặt giáp sông). Khi được hỏi lại, có thể kiểm soát phần nào tài liệu, ấn phẩm hữu hình, nhưng làm thế nào để kiểm soát tư tưởng, ý nghĩ trong đầu mỗi người? làm thế nào để kiểm soát sóng radio, sóng truyền hình của các đài phương Tây ngày đêm thực hiện “diễn biến hòa bình” thì đồng chí đó ngẩn ra không thể trả lời.
Thời điểm đó, đồng chí Trần Trọng Tân - Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương về tỉnh công tác, tôi được phân công tháp tùng đồng chí đi một vài địa phương trong tỉnh. Trên xe, tôi đã mạnh dạn nêu ra những băn khoăn của mình về những vấn đề nêu trên và xin đồng chí lời giải đáp. Đồng chí nói không nhiều, đại ý rằng: Đảng ta lãnh đạo cách mạng đã qua những thời kỳ cực kỳ khó khăn, gian khổ, có những lúc ngàn cân treo sợi tóc, tưởng chừng không qua nổi nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Đó là nhờ biết dựa vào dân. Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trước sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ và những khó khăn phức tạp ở trong nước hiện nay, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, chúng ta phải thực sự gần dân xem dân nghĩ gì, dân cần gì, mong muốn gì để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân. Biết dựa vào dân nhất định sự nghiệp đổi mới đất nước của chúng ta sẽ thành công.
Những điều đồng chí Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương nói dường như không xa lạ nhưng lại rất thuyết phục. Theo thói quen khi nói chuyện, tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nhận thấy một niềm tin mãnh liệt của ông vào đường lối của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng ta đã vạch ra và nhân dân ta tin tưởng và ủng hộ. Tôi cảm giác như mình đã được tiếp lửa.
Thời gian đó, tôi được phân công giúp Công an tỉnh viết lịch sử ngành và một số huyện, thị viết lịch sử đảng bộ địa phương nên có điều kiện tiếp xúc nhiều với các vị lão thành cách mạng và nhân dân các vùng căn cứ kháng chiến để khai thác tư liệu về những chiến công của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến. Qua các cuộc tiếp xúc này, niềm tin của tôi vào Đảng và nhân dân càng được củng cố vững chắc khi lý lẽ của bà con thật giản dị: Đảng làm cách mạng để giành độc lập tự do cho đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì bà con chúng tôi tin Đảng, nghe theo Đảng và bảo vệ Đảng thôi. Những năm Đảng còn hoạt động bí mật cũng là dân bảo vệ, che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Liên Xô, Đông Âu thế nào chúng tôi không biết nhưng ở ta, Đảng vì dân, chăm lo cho dân thì dân chúng tôi nhất quyết tin theo Đảng.
Vâng, dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Từ các bài học thực tiễn trong nhân dân, Đảng ta quyết tâm đổi mới với phương châm xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và có ý nghĩa sống còn với chế độ ta. Sự nghiệp đổi mới của Đảng, từ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ nông dân đến chính sách kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước đã thực sự đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh. Từ việc thực hiện Nghị quyết TƯ 2 về phát triển kinh tế xã hội đến Nghị quyết TƯ 5 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế xã hội nông thôn đất nước đã có những bước chuyển mình. Từ chỗ gạo không đủ ăn, phải mua, phải nhập, phải xin viện trợ đến lúc chúng ta tự túc, đủ ăn rồi có thừa gạo để xuất khẩu và trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.
Kết quả hàng chục năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới với các chủ trương kinh tế đúng đắn, các nghị quyết Trung ương được triển khai kịp thời đã tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân yên tâm phấn khởi cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới. Các tầng lớp nhân dân các địa phương, ngành nghề được tạo mọi điều kiện, khả năng thuận lợi nhất vào sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước. Nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân là mong muốn đất nước ổn định và ngày càng phát triển. Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao bản lĩnh và năng lực lãnh đạo công cuộc đổi mới vững vàng đưa đất nước vươn tới phồn vinh hạnh phúc, xã hội công bằng văn minh.
Có lẽ, trong những năm tháng cam go ấy, tôi cũng như rất nhiều cán bộ, đảng viên trong cả nước nói chung và cán bộ làm công tác tuyên giáo, tuyên truyền, báo chí nói riêng vững thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là nhờ dựa vào lòng tin của nhân dân với Đảng. Chính nhân dân đã tiếp lửa cho chúng tôi. Tôi càng thấm thía câu thơ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và lời Hồ Chủ tịch dạy: “Lực lượng bao nhiêu đều là nhờ dân hết, có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
(Còn nữa)
Nguyễn Tuấn Anh - Thế Phương
Ý kiến bạn đọc (0)