Du lịch cộng đồng: Gìn giữ môi trường, cải thiện đời sống người dân
Du khách đến với rừng Khe Rỗ. |
Nhiều khó khăn
Từ năm 2009, du lịch cộng đồng chớm hình thành tại các xã An Lạc, Tuấn Mậu (Sơn Động), thu hút khách nước ngoài trải nghiệm, lưu trú. Tuy chưa thường xuyên nhưng bước đầu mang lại thu nhập cho một số hộ dân. Sau đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều tỉnh cho cán bộ quản lý, các hộ dân hiểu được lợi ích từ phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời tập huấn kiến thức lễ tân, thuyết minh, hướng dẫn viên, khai thác giá trị văn hóa ẩm thực, truyền dạy dân ca, nhạc cụ dân tộc, xây dựng chương trình văn nghệ, tổ chức tour thử nghiệm du lịch cộng đồng cho khách nước ngoài và các công ty lữ hành. Ngoài ra, ngành đã hỗ trợ xây dựng nhà sàn văn hóa, nhà vệ sinh, tăng âm, ti vi, chăn, màn, đệm... cho một số hộ tại xã An Lạc.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh đánh giá: Các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh có cảnh quan đẹp nhưng việc khai thác còn nhiều hạn chế và chưa bài bản. Trong đó rào cản lớn nhất là cơ sở vật chất.
Cả tỉnh hiện có 6 nhà nghỉ lưu trú phục vụ du lịch cộng đồng song cơ bản kiến trúc đã mất đi nét truyền thống, hầu hết nhà ở nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi, đặc biệt là thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Chưa có nhà lưu trú độc lập, chủ nhà dành một phòng cho khách thuê ở ghép nên rất bất tiện. Một bộ phận bà con vẫn trông chờ ỷ lại, dựa vào cơ chế xin - cho mà không tự nâng cấp, cải tạo vườn tược, nhà cửa để đáp ứng yêu cầu. Các đoàn khách nước ngoài hầu hết là do các dự án của một số tổ chức quốc tế đưa đến mà chưa được doanh nghiệp lữ hành khai thác nên lượng khách bấp bênh.
Du khách nước ngoài lưu trú tại một hộ dân xã Tuấn Mậu (Sơn Động). |
Tăng nguồn lực đầu tư
Cả tỉnh hiện có 6 nhà nghỉ lưu trú phục vụ du lịch cộng đồng song cơ bản kiến trúc đã mất đi nét truyền thống, hầu hết nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi, đặc biệt là thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Chưa có nhà lưu trú độc lập, chủ nhà thường dành một phòng cho khách thuê ở ghép nên rất bất tiện. |
Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có, không đòi hỏi quá nhiều kinh phí đầu tư. Từ đây góp phần tạo thu nhập trực tiếp cho các hộ dân và hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 102 (năm 2016) của UBND tỉnh về phát triển du lịch, tháng 11 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết kế hoạch phối hợp phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017 - 2020.
Các điểm được thực hiện gồm 12 thôn, bản: Nà Ó, Biểng, Đồng Khao (xã An Lạc), Đồng Cao (Thạch Sơn), Nà Hin (Vân Sơn), Mậu (Tuấn Mậu) của huyện Sơn Động; Cấm Vải, Khuôn Thần (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn); Ven, Xoan, Thượng Đồng (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế) và Khe Nghè (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam). Mục tiêu đến năm 2020, ít nhất bản Nà Ó và bản Ven đủ điều kiện đón tiếp khách.
Làm du lịch cộng đồng chủ yếu phục vụ mục đích an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy vốn đầu tư cho du lịch cộng đồng ít song cần sự đầu tư thỏa đáng, nhất là nơi ăn ở phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Mô hình các tỉnh cho thấy hoặc người dân tự bỏ tiền xây dựng cơ sở vật chất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư và doanh nghiệp sẽ thuê chính người dân bản địa làm du lịch. Bà con có thể cung cấp các sản phẩm tại chỗ phục vụ du khách và cải thiện thu nhập. Đối với Bắc Giang hiện nay, bên cạnh việc nhà nước hỗ trợ về tập huấn cho nhân dân, tạo điều kiện về mặt bằng cần thu hút doanh nghiệp và đầu tư có trọng điểm, khi mô hình thành công mới nhân rộng.
Ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban Dân tộc và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung phổ biến kiến thức về du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Kỹ năng đón tiếp khách, thuyết minh, phục vụ, phục vụ ăn uống, lưu trú; khôi phục, gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào. Hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng các loại cây, con đặc sản và thu hoạch, chế biến thảo dược theo hướng bền vững. Vận động, khuyến khích các hộ xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà ở. Thành lập các tổ dịch vụ ăn uống, an ninh, y tế, vận chuyển hàng hóa, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về. Tham mưu cho tỉnh sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135, ngân sách, vốn ưu đãi và chính sách đặc thù để thực hiện một số nội dung; xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư vào du lịch cộng đồng.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)