Đổi mới tuyển sinh đại học: Chủ động, linh hoạt giảng dạy để đáp ứng
BẮC GIANG - Thời điểm này, các trường đại học bắt đầu công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Bám sát những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay, ngành Giáo dục Bắc Giang tập trung cao triển khai công tác giảng dạy và học tập, chuẩn bị kiến thức cho học sinh.
Hỗ trợ học sinh làm quen các phương thức xét tuyển
Hiện nay, các trường đại học trên cả nước đang triển khai khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó có nhiều phương thức xét tuyển sớm. Điểm mới trong phương án tuyển sinh năm nay là các trường đại học chỉ được dành không quá 20% tổng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Số chỉ tiêu còn lại phân bổ cho phương thức xét tuyển truyền thống từ kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, các trường đại học công bố cụ thể chỉ tiêu của từng phương án tuyển sinh để tránh tình trạng thủ khoa, á khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt đại học ở phương thức xét tuyển truyền thống. Đối với phương án xét tuyển bằng học bạ, các trường sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm học THPT thay vì dùng kết quả 5 kỳ học của lớp 10, lớp 11 và kỳ 1 lớp 12 như những năm trước để hạn chế tình trạng học sinh chủ quan khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Giờ học Ngữ văn của cô và trò lớp 12 Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam). |
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12. Toàn tỉnh hiện có hơn 19,2 nghìn học sinh lớp 12. Theo đó, việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh có nhiều thay đổi để đáp ứng yêu cầu các phương án tuyển sinh đại học. Đồng hành cùng học sinh, nhiều trường THPT đã có sự phân luồng, chủ động hỗ trợ các em ôn tập, tiếp cận sớm với các phương thức xét tuyển.
Năm học này, Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam) có 380 học sinh lớp 12. Nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin về đề án tuyển sinh của các trường đại học để kịp thời phổ biến rộng rãi cho giáo viên và học sinh; chủ động điều chỉnh phương pháp giảng dạy và ôn tập. Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp các em sẵn sàng tâm thế trước kỳ tuyển sinh đại học, nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các môn, nhất là chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 12 để không chỉ bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng để các em có thể đáp ứng các kỳ thi riêng".
Toàn tỉnh hiện có hơn 19,2 nghìn học sinh lớp 12. Đồng hành cùng học sinh, nhiều trường THPT đã có sự phân luồng, chủ động hỗ trợ các em ôn tập, tiếp cận sớm với các phương thức xét tuyển. |
Theo nhiều giáo viên giảng dạy lớp 12, với phương thức tuyển sinh hiện nay, học sinh phải nắm vững toàn bộ nội dung cơ bản của các môn và có khả năng tư duy phân tích, lập luận chứ không chỉ làm theo các bài tập mẫu hay các dạng đề như cách ôn thi truyền thống. Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) cho biết: “Để làm bài tốt, học sinh cần nắm chắc kiến thức liên môn và có năng lực tư duy thực sự. Các em cũng phải nhanh chóng xác định mục tiêu và thay đổi phương pháp học tập, bám chắc đề thi minh họa mà trường đại học tổ chức kỳ thi riêng công bố”.
Ba năm học gần đây, mỗi năm học, toàn tỉnh có khoảng 30% học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, gần 400 học sinh lớp 12 có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, SAT. Trong số này, nhiều em có chứng chỉ IELTS đạt từ 8.0 trở lên, chứng chỉ SAT đạt hơn 1.500/1.600 điểm. Chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm cao, em Ngô Hoàng Bảo Chi, học sinh lớp 12 năm học 2023-2024, Trường THPT Chuyên Bắc Giang (từng đạt 1.540/1.600 điểm) cho biết: “Cần nắm chắc kiến thức cơ bản liên môn, hiểu sâu để vận dụng vào thực tiễn và nên đăng ký thi thử để rút kinh nghiệm, cải thiện điểm số”.
Thay đổi phương pháp ôn luyện
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học chủ yếu là học sinh ở các trường THPT vùng xuôi, còn những trường THPT miền núi, vùng khó khăn rất ít học sinh tham gia, nhất là thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng vừa học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia các kỳ thi riêng của nhiều trường đại học là quá căng thẳng và gia tăng áp lực thi cử.
Năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Sơn Động đổi mới phương thức ôn luyện cho học sinh lớp 12. Tại Trường THPT Lục Ngạn số 4, các tổ bộ môn vừa bám sát chương trình, vừa mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức trong những năm qua để học sinh làm quen. Đặc biệt, giáo viên tiếng Anh mở rộng kiến thức, hướng dẫn các em phương pháp, kinh nghiệm luyện thi IELTS, SAT nhất là định hướng cho các em chọn tài liệu tự học và giới thiệu các khóa học trực tuyến hiệu quả. Ban tư vấn tuyển sinh nhà trường hướng dẫn học sinh tìm hiểu kỹ các kỳ thi riêng của từng trường đại học để có lựa chọn phù hợp.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện kế hoạch số 144 ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, khi triển khai đồng bộ việc dạy và học theo chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12, ngành Giáo dục Bắc Giang tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trong đó chỉ đạo các trường THPT tiếp tục bám sát khung chương trình giảng dạy của Bộ GD&ĐT, giảng dạy, ôn tập chương trình cốt lõi, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, khuyến khích, tạo động lực cho học sinh tự học, linh hoạt vận dụng kiến thức liên môn, ứng dụng vào thực tế để đáp ứng tốt yêu cầu của các phương thức xét tuyển đại học.
Ý kiến bạn đọc (0)