Đổi mới nội dung, hình thức Đặc san Người làm báo Bắc Giang
Nhà báo Trịnh Văn Ánh chủ trì hội thảo. Ảnh: Công Nguyên. |
Tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cơ quan báo chí của tỉnh: Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh cùng nhiều nhà báo, phóng viên đã và đang công tác tại các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương, T.Ư thường trú trên địa bàn.
Nhìn chung, các tác phẩm đăng tải trên Đặc san thời gian qua có nội dung hấp dẫn, đúng định hướng. Phần thời sự chính trị tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của tỉnh và đất nước. Chủ đề báo chí với KT-XH bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, nhất là trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phản ánh thành tựu, những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Là tài liệu nghiệp vụ của người làm báo tỉnh, Đặc san dành nội dung thỏa đáng đăng tải những bài viết trao đổi nghiệp vụ, tâm sự nghề nghiệp gắn với thực hiện Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Chủ đề văn hoá, văn nghệ, báo chí quốc tế, chuyện vui nghề báo được quan tâm chuyển tải qua bài viết, mẩu chuyện, thơ, truyện ngắn làm nội dung thêm phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thông tin của các hội viên, nhà báo.
Về hình thức trình bày, mỗi số Đặc san có sự thay đổi đa dạng, tạo ấn tượng cho bạn đọc. Bố trí các chuyên trang hợp lý, chọn ảnh minh họa phù hợp với chủ đề. Ảnh bìa thể hiện rõ chủ đề, đẹp; phông chữ thoáng, dễ đọc.
Tuy vậy, Đặc san còn những hạn chế nhất định. Ở một số khâu tổ chức nội dung chưa được thể hiện rõ nên chưa thu hút được tiềm năng, sức sáng tạo của đông đảo hội viên. Nội dung trao đổi nghiệp vụ chưa phong phú, nhất là những vấn đề liên quan đến sản phẩm báo chí mới. Số hội viên, nhà báo có kinh nghiệm viết về trao đổi nghiệp vụ chỉ tập trung ở một số ít tác giả.
Về hình thức, có số trình bày một số chuyên trang, chuyên mục còn khô cứng, ít hình ảnh minh họa. Thời gian biên tập, trình bày, in ấn chưa khoa học phần nào ảnh hưởng đến thời gian phát hành.
Nhà báo Vân Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: C.N |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí, để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức Đặc san, tại buổi tọa đàm, một số nhà báo tham góp ý kiến. Theo nhà báo Hoàng Tiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, để Đặc san Người làm báo Bắc Giang thực sự là diễn đàn, là tài liệu nghiệp vụ bổ ích của những người làm báo trong tỉnh cần tăng cường hoạt động trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp giữa các nhà báo để có tác phẩm chất lượng, phục vụ độc giả. Cùng đó, văn phong thể hiện cần chặt chẽ, gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu. Người viết phải sâu sát cơ sở, phản ánh chân thực, thấu đáo các vấn đề.
Nhà báo Vân Hồng, Trưởng phòng Quản lý báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông) nêu, thực tế đã có nội dung đăng tải thiếu chính xác trên Đặc san. Nguyên nhân là do người viết chưa thực sự am hiểu về lĩnh vực đề cập. Vì thế, Hội đồng Biên tập không nên quá tin tưởng vào các thông tin phóng viên cung cấp, cần kiểm chứng nghiêm ngặt. Hơn nữa, cần lược bỏ thông tin không cần thiết, rườm rà, đi vào nội dung trọng tâm; có sự nhất quán khi viết tắt câu chữ, cụm từ trong từng Đặc san.
Nhà báo Thế Phương góp ý về tổ chức các trang nội dung trong Đặc san. Ảnh: C.N. |
Theo nhà báo Thế Phương, Trưởng phòng Thư ký - Tòa soạn (Báo Bắc Giang), báo in ngày càng gặp khó khăn nhiều mặt. Để nâng cao nội dung, hình thức Đặc san Người làm báo Bắc Giang trước sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội thì mấu chốt vẫn là chất lượng nội dung, hình thức của Đặc san. Muốn vậy cần nâng cao trách nhiệm của Hội đồng Biên tập trong tổ chức nội dung; đặt bài cộng tác viên theo từng chủ đề cụ thể, lựa chọn người viết có uy tín. Về sinh hoạt nghiệp vụ nên bàn những vấn đề hội viên cần, còn thiếu trước sự phát triển của các loại hình báo chí mới, đồng thời khuyến khích nhuận bút bài viết chất lượng, tương xứng với công sức của tác giả cộng tác với Đặc san.
Ngoài ra, một số nhà báo cũng tham luận về đa dạng bài viết về tâm sự nghề nghiệp; đổi mới chuyên mục, tổ chức trang văn nghệ trong các ấn phẩm của Đặc san; mở rộng đội ngũ cộng tác viên.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Trịnh Văn Ánh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận. Những ý kiến đó thể hiện trách nhiệm, là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng ấn phẩm Đặc san và Trang thông tin điện tử Người làm báo Bắc Giang.
Đồng chí mong muốn thời gian tới, các ấn phẩm của Đặc san thực sự là tài liệu hữu ích, sổ tay nghiệp vụ, giúp các nhà báo trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền của các cơ quan báo chí của tỉnh.
Việc nâng cao chất lượng, hình thức Đặc san sẽ tiếp tục được Hội đồng Biên tập quan tâm, tăng cường đặt bài các hội viên, nhà báo, các nhà quản lý báo chí ở trong và ngoài tỉnh; trình bày đẹp, tạo ấn tượng với bạn đọc. Đồng chí cũng đề nghị các nhà báo, phóng viên cộng tác, viết bài cho Đặc san Người làm báo Bắc Giang số Xuân Nhâm Dần 2022.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)