Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang giám sát công tác quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát. Cùng dự có các đồng chí: Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi giám sát tại Sở Y tế. |
Qua giám sát cho thấy, trong 3 năm qua (2020, 2021, 2022), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và sử dụng, phân bổ nguồn lực huy động đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ công tác PCD. Theo thống kê có khoảng 460 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật (gồm vật tư, hoá chất, trang phục phòng hộ…) do các tổ chức, cá nhân tình nguyện đóng góp.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đây bộc lộ hạn chế, thiếu sót do diễn biến khó lường của dịch bệnh, chiến lược PCD liên tục thay đổi khiến việc xây dựng dự toán chi cho công tác PCD chưa sát thực tế. Công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế của Trung tâm còn xảy ra thiếu sót, sai phạm, có cán bộ đã và đang phải kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm, có trường hợp bị khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Sở Y tế, đoàn giám sát ghi nhận thời gian qua, đơn vị đã tham mưu, chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ PCD, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổng nguồn lực ngành Y tế đã huy động, phân bổ, sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022 là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Kinh phí đã thực hiện cho công tác PCD là 857,9 tỷ đồng cùng nhiều hàng hoá, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế khác. Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của ngành Y tế thời gian qua đã góp phần khống chế, kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch bệnh, được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Sở Y tế làm rõ một số nội dung liên quan công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực PCD Covid-19. |
Tuy nhiên, do số lượng nguồn lực huy động quá lớn, đa dạng chủng loại, nhiều hàng hoá không rõ nguồn gốc nên quy trình tiếp nhận, kiểm đếm, tổng hợp, phân bổ, quản lý, sử dụng hiện vật do các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các đơn vị có thời điểm còn lúng túng, thiếu chặt chẽ.
Trong tình huống chống dịch cấp bách, chưa từng có trong tiền lệ nên việc xây dựng dự toán của Sở Y tế và các đơn vị trong ngành chi cho công tác PCD chưa sát thực tế. Đến nay, hàng hoá, vật tư phục vụ công tác PCD tồn kho ở các đơn vị trong ngành còn lớn, có nguy cơ không sử dụng hết trước khi hết hạn sử dụng, nhất là sinh phẩm xét nghiệm PCR và test nhanh (gồm cả hàng hoá đầu tư từ ngân sách nhà nước và hàng hoá do các tổ chức, cá nhân ủng hộ).
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung đoàn giám sát nêu. |
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng còn bất cập như: Một số trung tâm và trạm y tế gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm y tế tuyến xã thiếu và lạc hậu. Toàn ngành còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên khoa sâu làm công tác y tế dự phòng cũng như trong khám, chữa bệnh. Số nhân viên y tế, nhất là bác sĩ tại tuyến xã ngày càng giảm do nghỉ hưu, thôi việc nhưng không tuyển được nhân sự thay thế, bổ sung. Nguồn lực tài chính cho hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế hiện hành chưa khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc.
Tại các nơi giám sát, đại diện lãnh đạo Sở Y tế và các trung tâm kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ không áp dụng quy định về tinh giản biên chế đối với ngành y tế vì số biên chế được giao hiện nay chưa đủ số lượng để triển khai tốt nhất chức năng, nhiệm vụ dự phòng trong khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, dân số tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Quan tâm bố trí nguồn chi cho công tác khen thưởng, cải cách tiền lương và phụ cấp đối với nhân viên y tế; có chính sách thu hút bác sĩ đa khoa và nhân lực y tế dự phòng về cơ sở...
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang kiến nghị với Quốc hội quan tâm cải cách tiền lương, bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế. |
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, thời điểm này dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, để chủ động trong công tác PCD nói chung, đoàn ĐBQH kiến nghị với Sở Y tế và các đơn vị liên quan cần đánh giá đầy đủ việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác PCD Covid-19. Qua đó, đánh giá rõ nhưng ưu điểm, hạn chế, thiếu sót và rút ra bài học kinh nghiệm cụ thể; đề ra giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, để phục vụ công tác PCD trong điều kiện bình thường mới và phòng, chống các dịch bệnh khác nếu phát sinh.
Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục những thiếu sót, sai phạm đã được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, nhất sai sót trong việc tiếp nhận, phân bổ, quản lý các nguồn lực về tài chính và hiện vật do các tổ chức và cá nhân tài trợ; mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh đó chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền sớm chỉ đạo, hướng dẫn xử lý số lượng hiện vật tài trợ PCD còn tồn kho, nhất là đối với hiện vật có nguy cơ hết thời hạn sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, tài trợ từ ngân sách cũng như các nguồn huy động khác.
Tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chú trọng hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng.
Tin, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)