Đình Yên Lý - cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa
Người dân tham quan đài kỷ niệm tại đình Yên Lý. |
Ấp Yên Lý thuộc xã Lý Cốt, tổng Lạn Giới, huyện Yên Thế xưa, nay là xã Phúc Sơn (Tân Yên). Vùng đất cách mạng bên núi Đót có địa thế thuận lợi với “Chiến khu Việt Bắc” và “An toàn khu II” Hiệp Hòa. Từ rất sớm, nơi đây đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạng trong khu vực. Mục thống kê các di tích cách mạng, sách địa chí Tân Yên ghi ''Làng Đỏ” (Yên Lý- Phúc Sơn)- cơ sở cách mạng tiền khởi nghĩa".
Đình Yên Lý hiện còn lưu giữ một số đồ thờ bằng gỗ có giá trị, đặc biệt là tấm bia đá ghi về việc lập hậu Thần tạo dựng ngày 22- 6 năm Bảo Đại thứ tư (1929). Hằng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 12 tháng Giêng. Không chỉ là công trình tín ngưỡng, đình Yên Lý còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Là nơi sớm có phong trào cách mạng, lại ở địa thế thuận lợi, nhân dân một lòng theo Đảng làm cách mạng, từ năm 1944, nhiều cán bộ cách mạng đã về Yên Lý gây dựng phong trào và cơ sở chiến đấu như đồng chí Hà Thị Quế, Hoàng Quốc Thịnh... Tại nơi đây nhiều cuộc họp, hội nghị, mít tinh lớn của địa phương và nhân dân trong vùng đã diễn ra, tiến tới tổng khởi nghĩa đánh phủ Yên Thế. Thời gian này, ấp Yên Lý là khu căn cứ cách mạng ở xã Lý Cốt, nhiều gia đình có công nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Yên Lý đã trở thành cơ sở tin cậy của Đảng- “một an toàn khu” bất chấp sự khủng bố ác liệt của kẻ thù. Nhân dân Yên Lý vẫn trung thành tuyệt đối với cách mạng. Đình Yên Lý là nơi nhiều lần tổ chức hội nghị, mít tinh của dân quân tự vệ và cán bộ cách mạng để bàn cách đánh đuổi giặc Pháp, góp sức giành độc lập, tự do cho dân tộc. |
Ngày 12-3-1945, T.Ư Đảng ra chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Sau chỉ thị này, Hội nghị mở rộng Ban cán sự tỉnh Bắc Giang đã họp tại nhà cụ Nguyễn Đình Dụ ở ấp Yên Lý. Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Bình… bàn chủ trương hành động. Hội nghị đã giao đồng chí Hà Thị Quế chủ trương tổ chức lực lượng vũ trang đánh Phủ Yên Thế. Cũng trong thời gian này tại ngôi đình Yên Lý, Ủy ban Dân tộc giải phóng xã Lý Cốt được thành lập, đồng chí Đỗ Viết Sách làm chủ tịch.
Là địa phương có phong trào cách mạng mạnh, Yên Lý sớm dành được quyền tự do về tay nhân dân. Ngày 8-4-1945, tại đình Yên Lý, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên bầu trời lộng gió. Chiều ngày 15-4-1945, lực lượng tự vệ vũ trang Yên Lý phối hợp với lực lượng tự vệ vũ trang Đồng Điều do đồng chí Hoàng Quốc Thịnh chỉ huy đánh Phủ Yên Thế. Đến ngày 13-7-1945, cũng tại đình Yên Lý, đồng chí Hà Thị Quế tổ chức lực lượng xuất quân đi đánh phủ Yên Thế lần nữa.
Ngày 17-7-1945, khu căn cứ cách mạng Yên Lý sôi động hẳn lên, đồng chí Hà Thị Quế đã tập trung các lực lượng vũ trang tại đình Yên Lý đi đánh Phủ Yên Thế lần thứ ba. Trận đánh này ta thu được nhiều thắng lợi. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử, tại đình Yên Lý, nhân dân địa phương đã dựng đài kỷ niệm, trên đó khắc ghi dòng chữ: “Nơi đây: Tháng 9 năm 1944 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Yên Thế được thành lập mang tên chi bộ Yên Lý do đồng chí Hà Thị Quế làm Bí thư. Ngày 17-7-1945 đội tự vệ vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng xuất phát đánh chiếm phủ lỵ Nhã Nam giải phóng huyện Yên Thế”.
Địa danh Yên Lý trước ngày khởi nghĩa là một căn cứ cách mạng tin cậy của Đảng. Qua các thời kỳ cách mạng, trải qua nhiều khó khăn thử thách, Yên Lý đã trở thành “một an toàn khu” bất chấp sự khủng bố ác liệt của kẻ thù. Nhân dân Yên Lý vẫn trung thành tuyệt đối với cách mạng, nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ cách mạng và khu quân sự, xưởng cơ khí quân giới. Đình Yên Lý là nơi nhiều lần tổ chức hội nghị, mít tinh của dân quân tự vệ và cán bộ cách mạng để bàn cách đánh đuổi giặc Pháp, góp sức giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)