Đình Vân Xuyên, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử
Đình Vân Xuyên được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Hiện nay, đình còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ, mang nét đặc trưng của ngôi đình vùng châu thổ Bắc Bộ với nhiều các hạng mục: Nghi môn, tả hữu vu, sân vườn và khu đình chính có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh (Đại đình và Hậu cung).
Đình Vân Xuyên là một trong 8 điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK II. Ảnh Ngọc Anh
|
Tòa Đại đình được tạo bởi 3 gian 2 chái với 4 mái đao cong. Bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ vữa, chính giữa bờ nóc đắp đề tài lưỡng long chầu nhật, bốn xung quanh đình được bưng ván gỗ. Gian giữa đình tạo lòng giếng, hai bên còn lại có ván sàn gỗ. Hệ thống khung gỗ của đình được tạo bởi 6 vì, kết cấu các vì được liên kết theo lối truyền thống kiểu thượng con chồng giá chiêng, hạ con chồng đấu kê, tiền kẻ hậu bẩy, với các mảng chạm khắc mang đặc trưng phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII). Tòa Hậu cung có 2 gian nối vuông góc với Đại đình. Hậu cung được ngăn cách bởi lớp cửa bức bàn và thượng song hạ bản. Trong Hậu cung bài trí khám thờ, hương án, sập thờ, bài vị được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp công phu.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Vân Xuyên là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ảnh CTV.
|
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Vân Xuyên là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Ngày 25/2/1945, đội tự vệ làng Vân Xuyên được thành lập; ngày 15/3/1945, các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh đã chỉ đạo Chi bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh ở Hoàng Vân tổ chức mít tinh tuyên truyền xung phong, tuyên bố thủ tiêu chính quyền địch, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Vân Xuyên với sự tham gia của hàng trăm người với sự bảo vệ của các đội tự vệ chiến đấu ở Hoàng Vân, Ngọc Thành và ấp Ba Huyện; ngày 1/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ cướp chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng.
Trong cuốn sách Làng Đỏ của tác giả Dương Quang Luân, tr 76. NXB Hội Nhà văn. 2005 có ghi: “Đúng như kế hoạch đã định, đêm 1-6-1945, lực lượng tự vệ tập trung và xuất phát từ đình Vân Xuyên do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh và Lương Văn Đài (tức Cửu) chỉ huy đi đánh chiếm huyện lỵ Hiệp Hoà. Trong đó nòng cốt là đội tự vệ võ trang bán thoát ly của làng Vân Xuyên. Khi quân ta tiến vào công đường thì cổng huyện đã mở sẵn. Đồng chí Thu Đoan đội trưởng đội tự vệ Vân Xuyên xông thẳng vào dinh đường, bắt sống tên lục sự- Lục Liễn…”.
Người dân huyện Hiệp Hòa thường xuyên giáo dục con cháu niềm tự hào truyền thống lịch sử của địa phương. Ảnh Đỗ Quyên. |
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đưa huyện Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Với giá trị lịch sử tiêu biểu, năm 1994, đình Vân Xuyên được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1994; đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK II.
Đình Vân Xuyên thường xuyên được người dân xã Hoàng Vân chăm sóc, gìn giữ. Ảnh Ngọc Anh. |
Đình Vân Xuyên thờ Cao Sơn, Quý minh đại vương; Đức thánh Tam Giang. Những năm gần đây quê hương Hoàng Vân ngày càng phát triển, cuộc sống nhiều đổi thay song đình Vân Xuyên vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa dân gian của bà con nhân dân. Vào ngày rằm, lễ, Tết, nhân dân sắm sửa hương hoa mang ra đình lễ thánh, cầu sức khỏe, mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn cho nhân dân trong làng.
Ý kiến bạn đọc (0)