Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, vì sao vẫn cần tiêm vaccine mũi 4?
Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở TP HCM. |
Bệnh nhân Covid-19 cả nước giảm mạnh, số ca bệnh nặng rất ít. Các tỉnh phía Nam ghi nhận rải rác dưới 10 ca trong ngày; riêng TP Hồ Chí Minh - nơi từng là đỉnh dịch cả nước với hàng trăm nghìn ca mắc mỗi ngày, hiện ghi nhận dưới 20 ca. Các hoạt động đời sống trở lại bình thường, Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi thông điệp 5K thành V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn).
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, lượng người từng mắc bệnh lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân thấy dịch đã ổn, bản thân đã có miễn dịch nên ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc 4). Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP HCM), miễn dịch cộng đồng sẽ giảm theo thời gian, do đó vẫn cần tiêm vaccine mũi nhắc lại. Việc này không chỉ tạo miễn dịch bền vững mà quan trọng là bảo vệ người tiêm. Các nghiên cứu ghi nhận, tiêm vaccine mũi 4 giúp người lớn tuổi giảm 50% nguy cơ bệnh nặng so với người chỉ tiêm 3 mũi. Ở người trẻ tuổi, tiêm mũi 4 cũng giúp giảm 40% nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng, từ đó giúp hạn chế nguy cơ gián đoạn công việc, học tập cũng như giảm nguy cơ bị hậu Covid.
"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước có thể cân nhắc giữa lợi ích của mũi 4 và kinh phí bỏ ra mua vaccine. Nếu Việt Nam đã sẵn có vaccine, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích", ông Dũng nói.
Hiện, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ để sử dụng tiêm hai liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong tháng 6.
Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 chiều 13/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Thủ tướng luôn nhắc Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19 nhờ một trong những nội dung quan trọng nhất là tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi một, mũi hai của người dân nước ta rất cao so với nhiều nước trên thế giới. "Dù đất nước đã ở trạng thái bình thường mới nhưng chúng ta không thể lơ là, phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng các mũi tiếp theo", bà Hương nói.
Ngoài nhóm nguy cơ cần tiêm mũi nhắc lại, theo bà Hương, phải đẩy mạnh tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm sản xuất; tiêm cho trẻ em để an toàn cho năm học mới. Đối với những người sợ gặp phản ứng phụ, các địa phương thu xếp cho họ tiêm ở cơ sở y tế, kể cả tiêm ngoài giờ.
Theo Bộ Y tế, nCoV liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn có thể xuất hiện loại mới, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, vaccine tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19.
Cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều vaccine với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 cho người 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và 6,1%. Tỷ lệ tiêm mũi một cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 39,6%, mũi hai đạt 5,5%.
Bộ Y tế hướng dẫn mũi 4 được tiêm ít nhất là bốn tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn ba tháng tính từ khi khỏi.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)