ĐBQH Trần Văn Tuấn góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn đóng góp một số ý kiến về chính sách của Nhà nước trong hoạt động KB, CB (được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật).
Về vai trò của Nhà nước trong hoạt động KB, CB: Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng quy định “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở KB, CB” còn chung chung, chưa rõ Nhà nước có vai trò thế nào, thị trường có vai trò thế nào?. Chưa thể hiện rõ quan điểm: Việc gì thị trường làm được thì để thị trường làm, Nhà nước chỉ đầu tư ở những nơi khó khăn, những việc khó phát huy vai trò của thị trường nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu KB, CB cơ bản của nhân dân (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII).
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở KB, CB, chủ yếu đầu tư phát triển các cơ sở KB, CB ban đầu và cơ sở KB, CB cơ bản, nhất là ở cơ sở, những nơi có nhiều khó khăn. Đồng thời phát huy vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ các nguồn lực đầu tư cho hoạt động KB, CB”.
![]() |
ĐBQH Trần Văn Tuấn tham luận tại hội trường sáng 13/6. |
Nhìn nhận hoạt động KB, CB cả từ khía cạnh an sinh xã hội và khía cạnh kinh tế, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật KB, CB nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường dịch vụ KB, CB phát triển; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ KB, CB cho nhân dân; đồng thời đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế từ lĩnh vực này.
Thông qua thị trường, thông qua cạnh tranh, để các cơ sở KB, CB không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, giảm giá thành dịch vụ KB, CB nhằm thu hút bệnh nhân - khách hàng đến với mình. Qua đó vừa mang lại lợi ích cho cơ sở KB, CB, vừa mang lại lợi ích cho nhân dân.
Từ nhìn nhận trên, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 4 của dự thảo Luật một số quy định định hướng chính sách của Nhà nước như sau: “Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường dịch vụ KB, CB phát triển; tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động KB, CB”. “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư hoạt động KB, CB; khuyến khích, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam hành nghề KB, CB hoặc KB, CB với tư cách là bệnh nhân”.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị nội dung Điều 4 và các điều khoản liên quan cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước về tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động KB, CB cả về cơ sở vật chất và con người, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, nhất là đối với các cơ sở KB, CB ở cơ sở hiện nay.
Thực tiễn qua công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 thời gian qua, càng thấy rõ hơn hệ thống KB, CB, nhất là ở cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trên lĩnh vực y tế ở các cấp luôn phải làm việc rất vất vả; trong các đợt dịch bệnh bùng phát, chúng ta thực sự xúc động và khâm phục khi chứng kiến họ thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu, làm việc với cường độ cao, không kể ngày đêm trong thời gian dài, đối diện với nhiều nguy hiểm.
Khó khăn, vất vả là vậy song chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế lại rất thấp… Trước Kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã có buổi tiếp xúc với các cử tri đại diện cho công chức, viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh theo chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng bệnh, KB, CB và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đã có rất nhiều cử tri phản ánh những khó khăn, bất cập nêu trên và tha thiết đề nghị, mong muốn thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật KB, CB lần này cần có định hướng chính sách cụ thể đối với hoạt động KB, CB. Trong đó: Cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhằm đáp ứng nhu cầu KB, CB cơ bản của nhân dân; tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế; có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề KB, CB...
Đó là những vấn đề rất cụ thể, rất thiết thực, xuất phát từ thực tiễn; đề nghị Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hơn trong dự thảo Luật.
Ý kiến bạn đọc (0)