Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam
Lãnh đạo ngành lạc quan rằng du lịch Việt Nam sắp đuổi kịp các nước láng giềng. Ảnh: Nguyên Khánh. |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ VHTT&DL thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lãnh đạo Bộ thông báo, du lịch Việt Nam đón 11,7 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến hết năm sẽ cán mốc 12,8 triệu lượt khách tương đương tăng trưởng 28% so với năm trước. Con số này vượt mục tiêu hồi đầu năm 11,5 triệu khách quốc tế, tuy nhiên có thời điểm ngành du lịch tham vọng đón tới 13 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 30%.
Với mức tăng trưởng gần 60% so với năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cứ đà này trong năm nay Việt Nam đuổi kịp Indonesia. “Mục tiêu các năm tiếp theo sẽ là Singapore, Malaysia, Thái Lan. Chúng ta muốn rút ngắn khoảng cách này bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hơn nữa”, Bộ trưởng Thiện nói. Ông cũng cho rằng ngành đang đứng trước cơ hội rất thuận lợi để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy, một số nhà quản lý và chuyên gia hơi dè dặt, bởi khó duy trì mức tăng trưởng cao trong thời gian liên tục.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc tới một số nội dung trọng tâm của Chương trình hành động của Chính phủ như: Cơ cấu lại ngành du lịch, hoàn thiện thể chế chính sách, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật. Ông Tuấn nói thêm về kế hoạch của Bộ VHTT&DL thời gian tới: Phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Giải quyết vấn đề hướng dẫn viên
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL xác định việc đưa Luật Du lịch sửa đổi đi vào đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, giúp hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây cộng đồng những người làm du lịch xôn xao về một số điều trong Luật Du lịch, cụ thể là những điều kiện của hướng dẫn viên du lịch: Phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc là hội viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Vấn đề này cũng được đem ra mổ xẻ trong hội nghị có đầy đủ lãnh đạo Sở 63 tỉnh thành.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch giải thích, hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp ở đây có thể hiểu được là có thể là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, địa phương hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên đã được thành lập theo quy định của pháp luật, không bắt buộc là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhất định nào. Khi hướng dẫn cho một đoàn cụ thể, hướng dẫn viên phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc phải có văn bản phân công nhiệm vụ hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với hướng dẫn viên tại điểm phải có phân công của cá nhân tổ chức quản lý điểm du lịch, khu du lịch. Bà Hương cho rằng quy định này cũng góp phần ngăn ngừa việc hướng dẫn viên thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ du lịch chui khá phổ biến thời gian qua.
Quy định về trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên quốc tế cũng được điều chỉnh từ đại học xuống cao đẳng, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Việc cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế với trình độ cao đẳng góp phần giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt với một số ngôn ngữ hiếm trong giai đoạn cao điểm” bà Hương nói.
Theo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc (0)