Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng cuối năm
BẮC GIANG - Ngày 16/8, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng cuối năm. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương; Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và UBND các huyện, thị xã, TP.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những tháng đầu năm, thời tiết không thuận lợi cho sản xuất vải thiều và một số cây ăn quả khác, dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành năm 2024.
Quang cảnh hội nghị. |
Những tháng cuối năm, giá bán một số sản phẩm (thịt lợn, thịt gà, nguyên liệu gỗ) đang duy trì ở mức khá và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được các địa phương đẩy mạnh thực hiện tạo động lực cho phát triển.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đó là thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát (sâu cuốn lá nhỏ hại lúa, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm). Dự báo một số chỉ tiêu không tăng trưởng, thậm chí có thể tăng trưởng âm do sản lượng cây ăn quả giảm mạnh, nhất là vải thiều, nhãn…
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phát biểu tại hội nghị. |
Trước thực trạng đó, ngày 8/8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm. Theo đó, phấn đấu năm nay, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 0,15%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm (theo giá so sánh 2010) đạt hơn 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5 tỷ đồng so với năm 2023.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung khắc phục hạn chế, bất cập, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ người dân phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những tháng cuối năm, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Cụ thể như: Có giải pháp hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; khai thác dư địa các loại cây trồng, vật nuôi còn khả năng phát triển; đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết; tập trung rà soát, phòng trừ sâu bệnh trên diện tích cây lâm nghiệp; khắc phục khó khăn trong hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản; có giải pháp củng cố, hướng dẫn mô hình hoạt động đối với hệ thống thú y cơ sở (sau khi các địa phương hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đội ngũ này vào cuối năm nay); tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thủy sản năng suất cao và thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa vào sản xuất...
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, để bù đắp cho những thiếu hụt do sản lượng vải thiều giảm, địa phương đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân tập trung chăm sóc, phát triển các loại cây trồng khác như: Ngô, táo, nho, thanh long, cam, bưởi, ổi… Duy trì các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và chú trọng hơn cho lĩnh vực chăn nuôi.
Đại diện lãnh đạo huyện Lục Nam cho biết, địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân tăng cường các biện pháp chăm sóc na, dứa trái vụ và cây rau màu, nhất là rau ăn lá, mở rộng diện tích khoai dọc tím, phát triển đàn gà lai chọi để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi đánh giá: Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp Bắc Giang vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, toàn diện, bảo đảm tốc độ tăng trưởng. Vụ chiêm xuân được triển khai đúng khung thời vụ, năng suất lúa vụ chiêm xuân 2024 đạt 60,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa chất lượng được mở rộng, đạt 24,1 nghìn ha; sản lượng rau các loại đạt hơn 370 nghìn tấn; vải thiều tiêu thụ thuận lợi, giá bán tăng từ 2,5-3 lần so với mùa trước; dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, giá bán sản phẩm duy trì ở mức khá...
Để bảo đảm mục tiêu theo Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND tỉnh đề ra, đồng chí đề nghị từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo, tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật và kiểm soát tốt hoạt động giết mổ động vật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo đảm quản lý tốt nguyên liệu đầu vào.
Các địa phương tích cực hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, cây trồng ngắn ngày vụ mùa, cam, bưởi và các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị tốt các điều kiện để cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm, hướng đến xuất khẩu.
Làm tốt công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiệt hại, nhất là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi; bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất; hoàn thành việc khắc phục xử lý các sự cố, vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)