Đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến điểm cầu 10 huyện, TP và 209 xã, phường, thị trấn. Cùng dự tại điểm cầu chính có đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ.
Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị. |
Xây dựng cơ chế tuyển dụng nhân lực, đầu tư trang thiết bị CNTT
Trao đổi về nội dung liên quan đến mua sắm thiết bị CNTT, ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Hiện nay theo quy định, kinh phí đầu tư trang thiết bị của bộ phận một cửa cấp xã thuộc nhiệm vụ chi hằng năm của cấp huyện. Do vậy các huyện, TP quan tâm chủ động bố trí ngân sách để mua sắm thiết bị CNTT cho các xã. Tháng 5/2021, Sở Tài chính đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về danh mục mua sắm tập trung rút gọn hơn so với trước (còn máy vi tính, máy in) và giao các huyện, TP chủ động mua sắm theo danh mục. Ngoài ra cũng có hướng dẫn chi tiết tiêu chuẩn tối thiểu, mức giá làm căn cứ. Về nội dung bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ địa phương trong các dự án CNTT và kế hoạch CĐS, Sở Tài chính tiếp thu. Trong kỳ xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, các địa phương rà soát tình hình thực tế, đề xuất để Sở tham mưu UBND tỉnh có hướng đầu tư mục tiêu CNTT đối với nơi khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho hay, TP đang tập trung xây dựng đô thị thông minh; đã số hóa xong nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai và chuyển sang kho dữ liệu của Sở Thông tin và Truyền thông. UBND TP đề nghị Sở nâng cấp đường truyền của kho dữ liệu, bảo đảm nhanh, ổn định; UBND tỉnh có cơ chế tuyển dụng cán bộ chuyên trách CNTT cấp huyện và chính sách, chế độ ưu đãi đối với những đối tượng này.
Về tuyển dụng nhân lực CNTT, theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, biên chế hằng năm đã được tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương. Do vậy các cơ quan căn cứ Đề án vị trí việc làm để bố trí cán bộ CNTT phù hợp theo quy định. Về cơ chế khuyến khích, đối với đơn vị chưa tuyển được cán bộ CNTT trong kỳ tuyển dụng vừa qua mà tại cơ sở đã có nhân lực đáp ứng được yêu cầu thì nghiên cứu làm văn bản đề nghị chuyển chức danh. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phù hợp với nguồn lực của tỉnh.
Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chuyên môn xây dựng quy chuẩn trong việc đầu tư trang thiết bị CNTT trong toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chuyên môn...
Tích hợp phần mềm, nâng cao nhận thức người đứng đầu
Trao đổi về hệ thống phần mềm kết nối, ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quy chuẩn trong số hóa tài liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác cải cách hành chính. Nâng cấp một số phần mềm dùng chung theo hướng cho phép kết nối liên thông, tăng tiện ích cho người dùng. Nghiên cứu triển khai phần mềm phản ánh hiện trường, tăng tính tương tác giữa người dân và chính quyền.
Ông Thân Văn Thuần phát biểu tại điểm cầu huyện. |
Một số đại biểu tại các huyện: Hiệp Hòa, Sơn Động, Yên Thế phản ánh tình trạng cùng lúc cán bộ phải sử dụng quá nhiều tài khoản, hòm thư; đề nghị tỉnh sớm cho tích hợp các hệ thống.
Là cơ quan thường trực về CNTT, CĐS của tỉnh, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT đề nghị cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh dành nhiều thời gian nghiên cứu, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy để thực hiện CĐS. Theo ông Chiêu, muốn CĐS tốt thì phải bảo đảm hạ tầng, phần mềm, chất lượng nguồn nhân lực, an toàn an ninh mạng. Do đó các cấp, ngành quan tâm tuyển dụng nhân lực chất lượng về CNTT; xây dựng kế hoạch đào tạo và tập huấn; đầu tư thiết bị đầu cuối; vận hành tốt các nền tảng như ký số, phát hành văn bản điện tử, truyền hình hội nghị… Về phía sở, đơn vị sẽ từng bước tham mưu UBND tỉnh nâng cao khả năng của Trung tâm tích hợp dữ liệu, bảo đảm khai thác hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, tích hợp các phần mềm, hệ thống theo kế hoạch.
Ông Trần Minh Chiêu trao đổi về tích hợp phần mềm, nâng cấp hạ tầng. |
Tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn cho biết: Năm 2021, Bắc Giang từng là tâm dịch Covid-19; cũng trong thời điểm này, tỉnh đã ứng dụng các phần mềm của bộ, ngành T.Ư và chủ động xây dựng một số phần mềm, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Bắc Giang đứng trong nhóm 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chỉ số đánh giá CĐS cấp tỉnh thì hiện nay đã đứng thứ 10, trong đó trục chính quyền số xếp thứ 7/63 tỉnh, TP.
Trong bối cảnh dư địa vẫn còn, các tỉnh, TP khác cũng quan tâm, đầu tư cho CĐS thì nhiệm vụ giữ vững thứ hạng của tỉnh càng đòi hỏi sự nỗ lực, bứt phá hơn bao giờ hết. Bởi vậy để thực hiện thành công chương trình CĐS yêu cầu số một là nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng chí đề nghị Sở TT&TT rà soát lại để xây dựng kế hoạch rõ người, rõ việc. Các huyện, TP chủ động mua sắm trang thiết bị, hạ tầng phục vụ CĐS.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh. |
Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành số hóa các dữ liệu, nhất là dữ liệu đất đai. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện CĐS. Sở TT&TT, Sở Nội vụ xem lại cách thức tổ chức ra đề để tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT có chất lượng. Trước mắt tập trung đào tạo nguồn nhân lực sẵn có; đầu tư tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ cơ sở. Trong tháng 3/2022 xây dựng xong kế hoạch tập huấn CNTT.
Ý kiến bạn đọc (0)