Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường

Cập nhật: 14:13 ngày 18/01/2019
(BGĐT) - Ngày 18-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
{keywords}

Đồng chí Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở LĐTBXH chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Dự và chỉ đạo có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở LĐTBXH chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh); đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH do đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng trình bày đã nhấn mạnh, năm 2018, kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn-thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH. 

Cụ thể: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35%, giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm hơn 5%. Nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động nên năm nay, toàn quốc đưa được hơn 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, cao nhất từ trước tới nay. Chính sách tiền lương, BHXH, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực được ngành quan tâm triển khai. Cùng đó,  thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, chăm lo đời sống người có công, từng bước cải thiện đời sống người cao tuổi, trẻ em.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ của ngành như: Việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn hạn chế; thiếu hệ thống chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững. 

Vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận để hưởng các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ưu đãi người có công, Các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng khó kiểm soát hơn...

Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019 (gồm: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ổn định dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 60 - 62%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%), ngành LĐTBXH triển khai 15 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và quốc tế. 

Triển khai các giải pháp đồng bộ để mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Đề xuất định hướng giảm nghèo bền vững sau năm 2020; trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hạn chế tái nghèo.

{keywords}

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành LĐTBXH trong năm 2018. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, toàn ngành chủ động triển khai các giải pháp mang tính toàn diện để tạo ra bước đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt là những vấn đề mang tính thể chế như tham góp sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách trong Luật BHXH… Về những thách thức trong lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngành quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phù hợp với nhu cầu thị trường và đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà tuyển dụng. 

Để lao động có việc làm ổn định sau học nghề cần xây dựng hệ thống dự báo cung - cầu; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Cùng đó, ngoài triển khai đầy đủ, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách ưu đãi với người có công, trường hợp bảo trợ xã hội, ngành LĐTBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để chăm lo tốt hơn nữa cho nhóm đối tượng này. Trong dịp Tết Nguyên đán, đồng chí Vũ Đức Đam đề nghị ngành, các đơn vị liên quan, địa phương quan tâm bố trí kinh phí bảo đảm 100% người nghèo, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được động viên, tặng quà.

Tường Vi

Chia sẻ:
dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-nhu-cau-thi-truong.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...