Đảo Bikini - bãi thử hạt nhân của Mỹ một thời
Đảo Bikini được UNESCO công nhận là di sản thế giới. |
Đảo Bikini ở đâu?
Bikini (Bikini Atoll hoặc Marshallese) là một đảo san hô vòng gồm 23 hòn đảo với diện tích 8,8 km² thuộc Quần đảo Marshall ở châu Đại Dương, bao quanh một đầm phá trung tâm rộng 594,1 km2. Trong các đảo san hô, quần đảo Bikini, Enewetak, Namu và Enidrik chỉ chiếm hơn 70% diện tích đất. Bikini và Enewetak là những hòn đảo của vùng đảo san hô này có người sinh sống. Trước Chiến tranh thế giới thứ II, đảo được biết đến với tên gọi bằng tiếng Đức là Eschscholtz Atoll. Ngày nay, áo tắm hai mảnh Bikini được đặt theo tên gọi của hòn đảo xinh đẹp này. Chiến tranh thế chiến thứ II kết thúc, Bikini nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ như một phần của Lãnh thổ Ủy thác Quần đảo Thái Bình Dương cho đến khi Quần đảo Marshall tuyên bố độc lập vào năm 1986. Vào ngày 1 - 8 - 2010, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Khu thử nghiệm hạt nhân trên Đảo san hô vòng Bikini là di sản thế giới cùng với 20 di sản khác.
Sở dĩ Bikini được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới bởi nó là chứng tích của lịch sử trong việc thử nghiệm hạt nhân. Lưu giữ những hình ảnh về một khu vực thử nghiệm hạt nhân dưới nước. Hòn đảo cũng là bằng chứng xác thực về Chiến tranh Lạnh và sự phát triển của vũ khí hạt nhân. Chính từ nơi đây, cuộc chiến hạt nhân đã đẩy nhân loại vào một kỷ nguyên đau thương, nơi khởi nguồn sinh ra hai quả bom tàn phá Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Ngoài ra, Bikini là nơi thử nghiệm hạt nhân dưới nước đầu tiên trên thế giới, bằng chứng về sự leo thang của sức mạnh quân sự trong Chiến tranh Lạnh. Chính những sự việc diễn ra tại hòn đảo này đã đẩy phong trào quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân lên cao trào. Những hình ảnh về thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên đảo Bikini đã được sử dụng trong các cuộc đấu tranh về kỷ nguyên hạt nhân của nhân loại trong thế kỷ XX.
Ngoài ra, Bikini còn có phong cảnh hữu tình, đặc biệt là các rạn san hô tự nhiên, xứ sở của nhiều hoa quả. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình hằng năm chỉ từ 27 đến 29°C.
Từ hòn đảo xinh đẹp trở thành địa danh chết chóc
Theo tờ Guardian (Anh), khi Thế chiến thế giới thứ II bùng nổ, Mỹ bắt tay vào sản xuất bom hạt nhân, biến đảo san hô Bikini thành nơi thử nghiệm. Trong hai thập niên 40, 50 ở thế kỷ trước, Mỹ đã thả xuống Quần đảo Marshall 67 quả bom. Nổi bật, ngày 1-3-1954, Mỹ tiến hành thử nghiệm quả bom nguyên tử có tên Castle Bravo trong khuôn khổ chiến dịch Operation Castle Bravo. Quả bom có sức công phá 15 megatonne, tức gấp hàng nghìn lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima vào tháng 8-1945. Chính quả bom này đã làm cho tàu đánh cá Lucky Dragon của Nhật Bản đang hoạt động cách đó gần 100 km bị vạ lây, nhiều người bị thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ.
Hiện trường vụ thử bom Castle Bravo. |
Thực tế, đây không phải lần thử bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ tại khu vực này. Từ những năm đầu thập kỷ 40, Mỹ đã từng tiến hành các vụ thử tương tự để sản xuất hai quả bom Fat Man và Little Boy ném xuống Nhật Bản trước khi Thế chiến II kết thúc. Theo các nhà khoa học thuộc Chính phủ Mỹ, mục đích của vụ nổ Castle Bravo là để đánh giá hiệu quả của bom khinh khí thế hệ mới (Hydrogen bomb), kích thước nhỏ, vận chuyển bằng máy bay nhưng sức công phá cực lớn, có thể san phẳng cả một thành phố. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ chưa lường hết hệ lụy kinh khủng từ vụ thử Castle Bravo. Sức công phá của quả bom thực tế mạnh hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu, tạo ra những cơn gió mạnh trên biển thổi bụi phóng xạ lan tới các hòn đảo có người sống kề cận khiến cư dân không kịp trở tay. Thậm chí, tại những hòn đảo lân cận, trẻ em nhầm tưởng đám bụi mờ từ trên trời rơi xuống sau vụ nổ bom là tuyết nên đã bốc ăn dẫn đến những cái chết thảm.
Vụ nổ thứ hai dự kiến được tiến hành trong năm 1954 nhưng đã bị giãn tiến độ vì lý do an toàn sau khi một vụ nổ trong chuỗi thử nghiệm đã tạo ra những đợt sóng thần khủng khiếp hồi tháng 7-1946. Vụ nổ dưới đáy biển mang tên Baker đã đẩy lên không trung hơn 1 triệu mét khối nước biển bị nhiễm phóng xạ nặng và tạo ra những đợt sóng thần cao hơn 30m.
Hệ lụy từ những vụ thử bom kinh hoàng của Mỹ
Theo hãng tin ABC (Australia), khi Thế chiến II kết thúc, Washington nhận ra rằng đây là nơi lý tưởng để thử hạt nhân. Và vào một ngày đầu tháng 2-1946, quân đội Mỹ đã yêu cầu cư dân Bikini tản cư để giúp chấm dứt mọi cuộc chiến tranh tàn khốc, theo như tuyên truyền của chính phủ Mỹ. Đáng tiếc, hơn 70 năm sau khi những vụ thử hạt nhân trên đảo kết thúc, người dân đảo Bikini vẫn không dám hồi hương vì mức độ nhiễm độc còn quá lớn.
Cũng theo ABC, năm 1976, đa số cư dân cũ đã được phép quay lại đảo nhưng theo các nghiên cứu của Mỹ, mức độ phơi nhiễm phóng xạ vẫn rất lớn. Nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã ngấm thấm vào bên trong bãi rác hạt nhân nhận đặt tại khu vực hẻo lánh của đảo đã thoát sạch các chất phóng xạ ra ngoài môi trường. Xa về phía tây của Quần đảo Marshall, nằm giữa Úc và Hawaii là một bãi rác thải hạt nhân mái vòm khổng lồ, trong số này có cả plutoni-239, một đồng vị phân hạch có chu kỳ bán rã phóng xạ là 24.100 năm. Nó được đổ bê tông kín, xung quanh cây cối bao phủ. Trông xa như một chiếc đĩa bay khổng lồ hạ cánh trên đỉnh của một hòn đảo hoang vắng. Phía dưới đĩa chứa 85 nghìn mét khối chất thải phóng xạ. Được biết, để hạn chế phóng xạ rò rỉ, Quân đội Mỹ đã niêm phong bằng một cái nắp bê tông dày nửa mét gần bằng kích thước của một sân bóng đá Úc. Nhưng giờ đây nước biển dâng cao, nước ngấm vào mái vòm nên tác dụng ngừa phóng xạ trở nên vô hiệu, điều Quân đội Mỹ cách đây hơn ba thập kỷ chưa tính đến.
Người dân đảo quốc Marshall xuống đường yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại do ô nhiễm phóng xạ. |
Theo một báo cáo do Bộ Năng lượng Mỹ (UDE) công bố năm 2013, vật liệu phóng xạ đang lơ lửng trong không khí, đất, nước, đe doạ sự sống của người dân địa phương, đặc biệt là khu vực Enewetak. Bốn trong số 40 hòn đảo của Enewetak đã bị biến mất sau các cuộc thử nghiệm, để lại một miệng núi lửa rộng 2 km chỉ trong thời gian vài phút. Theo ông Michael Gerrard, Chủ tịch Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, New York, do mức độ ô nhiễm cao và kéo dài nên các chuỗi thực phẩm ở đây cũng bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là cá và dừa. Chính vì vậy, UDE đã cấm xuất khẩu cá và cùi dừa từ Enewetak.
Nhằm khắc phục hậu quả, năm 1986, một thỏa ước đã được ký giữa Mỹ và đảo quốc Marshall, trong đó Mỹ chi khoảng 150 triệu USD để tăng cường theo dõi sức khỏe và đền bù thiệt hại cho người dân. Song động thái này dường như vẫn chưa đủ và không thể bù đắp được những thiệt hại mà dân đảo Bikini phải gánh chịu từ hàng chục năm nay. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm ngày Mỹ thử bom Castle Bravo, Tòa án Hạt nhân Quần đảo Marshall đã phán quyết yêu cầu Chính phủ Mỹ bồi thường số tiền hơn 2 tỷ USD, bao gồm cả thiệt hại về con người và môi trường phát sinh nhưng việc bồi thường này chỉ làm được một phần nhỏ, sau đó ngừng hẳn vì quỹ bồi thường cạn kiệt.
Duy Hùng (Theo Net/Guardian/ABC- 5/2018)
Ý kiến bạn đọc (0)