Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc: Tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt khó và phát triển
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Ninh (giữa) cùng Tổ công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ thăm nhà máy. |
Huy động nội lực vượt khó
5 năm qua, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động của Công ty. Giá vật liệu đầu vào, nhất là than - nguyên liệu sản xuất chính tăng cao; giá Urê liên tục giảm, sản phẩm của Công ty phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại khác. Chi phí lãi vay ngày càng tăng (chiếm 1/3 doanh thu), làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn; lao động luôn trong tình trạng thiếu hụt do tiền lương không đủ hấp dẫn.
Giai đoạn 2016-2020, dự án cải tạo- mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc bắt đầu đi vào vận hành đã tạo ra tăng trưởng đột biến về giá trị sản lượng và sản lượng song sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Công ty gặp rất nhiều trở ngại, liên tục lỗ, có thời điểm tưởng chừng phải ngừng sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Đức Ninh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Trong bối cảnh đó, mặc dù Chính phủ chưa có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách nhưng Công ty xác định giải pháp mấu chốt cũng là yếu tố quyết định, xuyên suốt để vượt qua khó khăn là phải huy động nội lực. Trọng tâm để phát huy nội lực là tạo sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty. Công ty áp dụng nhiều giải pháp để người lao động yên tâm công tác, chia sẻ, đồng hành, cống hiến sức lực, trí tuệ trong công việc”.
Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. |
Cùng với giải pháp trên, Đảng ủy tập trung chỉ đạo rà soát, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Số đầu mối trực thuộc đã giảm từ 31 xuống còn 25 đơn vị. Tổng số lao động hiện nay là gần 1.300 người, giảm hơn 600 người so với đầu nhiệm kỳ. Công ty điều hành linh hoạt SXKD, phù hợp nhu cầu thị trường; giữ uy tín và quan hệ tốt với các đối tác; bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy sự sáng tạo, sáng kiến của cán bộ công nhân viên trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào.
Đặc biệt, dây chuyền mới vận hành không phải thuê chuyên gia nước ngoài mà tập thể cán bộ và công nhân kỹ thuật dần làm chủ công nghệ; định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu đều thấp hơn định mức bảo đảm của dự án; sản phẩm đạt chất lượng tốt; an toàn môi trường đã tiết kiệm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.
Mở rộng thị phần, giữ vững thương hiệu Đạm Hà Bắc
Nhờ tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, sức mạnh tập thể, Công ty đã từng bước vượt khó, ổn định sản xuất. Các chỉ tiêu công nghệ được kiểm soát nghiêm ngặt. Triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm định mức tiêu hao có hiệu quả. Giai đoạn 2016-2020, sản lượng sản xuất quy đổi Urê đạt hơn 2 triệu tấn, bằng 183,5% so với nhiệm kỳ 2010-2015.
Dây chuyền sản xuất đạm U rê của Công ty. |
Sản lượng sản xuất tăng mạnh song Công ty đã chủ động làm tốt công tác tiêu thụ, sản phẩm sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, giá bán bình quân cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường. Thị phần được giữ vững và không ngừng phát triển, thương hiệu Đạm Hà Bắc ngày càng khẳng định được vị thế. Công ty cũng hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Được biết, để tăng sức cạnh tranh, Công ty mạnh dạn nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới có sự khác biệt, gia tăng giá trị, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Hiện nay, ngoài Urê trắng, NH3 truyền thống, Công ty có dòng sản phẩm mới như Urê N46TE, Urê N46+ và phát triển thị trường vào phân khúc Urê nguyên liệu.
Điều hành linh hoạt, duy trì sản xuất ổn định
Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, Công ty nhận thấy, thời gian tới vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là nhu cầu Urê trong nước sụt giảm do các loại phân bón khác thay thế; tình hình tài chính của Công ty chưa được cải thiện, dòng tiền cho sản xuất khó khăn, giá nguyên nhiên liệu đầu vào luôn có xu hướng tăng.
Trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, những kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025, Công ty đặt ra mục tiêu là khai thác tốt mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả SXKD, từng bước đưa Công ty vượt qua khó khăn và phát triển. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng bình quân (theo giá thực tế) đạt 7,61%/năm; nộp ngân sách 216 tỷ đồng, bằng 108% so với thực hiện giai đoạn 2016-2020; sản lượng sản phẩm sản xuất quy đổi Urê là hơn 2,2 triệu tấn. Bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ, chính sách cho người lao động…
Giai đoạn 2020-2025, Công ty phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân (theo giá thực tế) đạt 7,61%/năm; nộp ngân sách 216 tỷ đồng, bằng 108% so với thực hiện giai đoạn 2016-2020; sản lượng sản phẩm sản xuất quy đổi Urê là hơn 2,2 triệu tấn. Bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ, chính sách cho người lao động… |
Để đạt mục tiêu này, Đảng ủy Công ty tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, phân công đúng người, đúng việc, hợp lý; thắt chặt kỷ luật lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Công ty giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công nhân kỹ thuật đủ về số lượng, chất lượng, làm chủ dây chuyền, thiết bị.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả SXKD; tăng cường quản lý kỹ thuật, duy trì sản xuất an toàn, cao tải, ổn định, dài ngày và bảo vệ môi trường. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 76-NQ/ĐU ngày 24/4/2014 của Ban Thường vụ Đảng uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược kinh doanh với các giải pháp phù hợp, đồng bộ, kịp thời về công tác tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Bám sát diễn biến thị trường, điều hành chính sách bán hàng linh hoạt, theo từng vùng để tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững và phát triển thị trường; khai thác tối đa hai dây chuyền sản xuất Urê, kịp thời điều chỉnh cơ cấu tiêu thụ giữa NH3 lỏng thương phẩm và Urê với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ và nâng cao hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở sản phẩm truyền thống đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hoạt động của các đoàn thể; nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng hệ thống chính trị trong doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.
Đi đôi với giải pháp trên, Công ty đề nghị Chính phủ, Nhà nước, cơ quan chức năng có cơ chế tháo gỡ, điều chỉnh một số chính sách vĩ mô phù hợp về lãi suất vốn vay dài hạn, thuế giá trị gia tăng phân bón,… giúp Công ty vượt khó, vươn lên và ngày càng phát triển.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)