Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt trượt kè Miếu Cụ
Trong các năm 2018 và 2021, kè Miếu Cụ liên tục xảy ra hiện tượng sạt trượt tại nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, vị trí 1 tại khu vực K18+820 có chiều dài cung sạt 2,5 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 1 m và cách chân kè 1,8 m. Cao trình đỉnh cung sạt thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,2 - 1,0 m.
Ảnh minh họa. |
Vị trí 2 cách vị trí 1 là 10 m về phía hạ lưu, chiều dài cung sạt 10 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 0,8 m và cách chân kè 2,1 m; cao trình đỉnh cung sạt thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,3 - 1 m.
Khắc phục các sự cố, năm 2019, cơ quan chuyên môn đã xử lý một số vị trí xảy ra sạt lở cục bộ từ K18+775,43 đến K18+860 bằng phương pháp thả đá rời hộ chân với chiều dài 86 m, xây tường kè bằng đá xây, lát lại mái kè bằng đá lát khan không chít mạch. Tiếp đó năm 2022, UBND tỉnh trích 3 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh xử lý được 135 m, còn lại chiều dài 345 m chưa được xử lý.
Để ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Dũng cắm biển cảnh báo các khu vực sạt trượt mái, chân kè; tổ chức phát quang, cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt. Cử lực lượng theo dõi sự cố, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố tiếp tục diễn biến uy hiếp đến an toàn đê.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Yên Dũng trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Cùng với công bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt trượt kè Miếu Cụ đoạn K18+624 đến K19+104 đê tả Thương, huyện Yên Dũng. Theo đó, giao Chi cục Thủy lợi quản lý, thực hiện khắc phục tình trạng sạt lở bằng giải pháp kè hộ chân, lát mái trong hệ khung dầm bê tông cốt thép (phạm vi xử lý sẽ được xác định chính xác sau khi có tài liệu khảo sát). Tổng kinh phí dự kiến đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn xử lý cấp bách sự cố đê điều năm 2022; thời gian hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022.
Để bảo đảm chất lượng công trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm về việc tham mưu, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá và đề xuất phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó với tình huống thiên tai. Kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện công trình, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý chất lượng công trình, bảo đảm an toàn công trình đê điều.
Với vai trò chủ đầu tư, Chi cục Thủy lợi chịu trách nhiệm về các bước, trình tự triển khai các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công. Công tác giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của quyết định tình huống khẩn cấp và lệnh khẩn cấp xây dựng công trình.
Ý kiến bạn đọc (0)