Cố ý gây thương tích- Thiệt mình, hại người
Cố ý gây thương tích- Thiệt mình, hại người
Dù đã có những bản án nghiêm khắc, bị dư luận xã hội lên án gay gắt... nhưng nhiều người vẫn có thói quen hành xử côn đồ, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, toàn tỉnh có 39 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Mùa lễ hội dự kiến số vụ cố ý gây thương tích còn có thể tiếp tục tăng.
Va chạm nhỏ
Lương Văn Chiêm (SN 1964) vốn là đối tượng lang thang, không nghề nghiệp, nhà cửa, tối ngày 17-2 (mùng 2 Tết) Chiêm đến trụ sở UBND xã Phong Vân (Lục Ngạn), thấy anh Vi Văn Nguyện là Trưởng Công an xã đang trực nên Chiêm đã xin ngủ nhờ nhưng không được. Lời qua, tiếng lại, sẵn có hơi men trong người, Chiêm bất ngờ dùng dao đâm anh Nguyện bị thương.
Chiều ngày 20-2, Đào Anh Đức (SN 1993) ở khu Thiếm, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) chở vợ con đi chơi Tết. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Hà Am, xã Cao Xá thì gặp anh Hoàng Ngọc Sơn (SN 2001) đang đi xe đạp điện. Chưa rõ nguyên nhân gì, Đức dùng chân đạp anh Sơn ngã xuống mương nước. Chứng kiến sự việc, bà Nguyễn Thị Hằng là mẹ của Sơn đã đôi co, trách mắng với Đức. Vốn tính côn đồ, Đức đã chạy vào nhà dân lấy dao chém vào mặt bà Hằng.
Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã giải quyết gần 50 vụ cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhiều vụ các đối tượng liên quan tự dàn xếp, không thông báo cho cơ quan công an. Riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các bệnh viện toàn tỉnh tiếp nhận, điều trị 39 ca thương tích do đánh nhau. Trong đó đa phần là thanh, thiếu niên. Nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả thường là do các bên va chạm giao thông, xô đẩy trong đám đông, bị nói cạnh khoé hay nhìn đểu. Hoặc do "quá chén" trong các cuộc rượu, bia ngày lễ, Tết dẫn đến không kiểm soát được hành vi... Đơn cử như sáng mùng 3 Tết, tại thôn Cầu, xã Tân Sỏi (Yên Thế), sau khi bị người thân nhắc nhở về việc sử dụng rượu, bia quá nhiều, Phạm Hữu Nam (SN 1993) đã cãi nhau với gia đình, dùng gậy đập và đốt xe máy của bố đẻ là ông Phạm Hữu Dân (SN 1956).
Hậu quả khôn lường
Là người có nhiều năm trực tiếp thực hành quyền công tố tại các phiên toà, ông Nguyễn Văn Thu, Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm - Giám đốc thẩm - Tái thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh) cho hay: Những vụ xô xát, cố ý gây thương tích thường dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho cả người bị hại lẫn đối tượng gây án. Không ít nạn nhân tử vong sau nhát dao oan nghiệt. Nhiều người mất sức lao động, tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Việc sử dụng dao, kiếm để giải quyết mâu thuẫn đã đẩy nhiều người vào vòng tù tội, mất đi cơ hội lao động, học tập, phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam. Vụ án Nguyễn Khắc Thịnh (SN 1981) ở thôn Ao Vè, xã Vô Tranh (Lục Nam) phạm tội "Giết người" là một minh chứng. Theo tài liệu điều tra, vào cuối tháng 9- 2017, Thịnh và anh Phùng Văn Bảo (SN 1973) cùng trú tại địa chỉ trên đang ngồi uống nước tại một quán ở thôn. Chợt nghĩ anh Bảo còn nợ mình 100 nghìn đồng chưa trả nên Thịnh đã đòi nhưng anh Bảo nói không nợ tiền nên đôi bên xảy ra cự cãi rồi đánh nhau. Thịnh cầm gậy gỗ đập mạnh vào đầu anh Bảo khiến anh này tử vong sau hai ngày do chấn thương sọ não. Tại phiên toà xét xử hôm 7-2 qua, TAND tỉnh đã tuyên phạt Nguyễn Khắc Thịnh hơn 8 năm tù. Vốn là lao động chính trong nhà, chỉ một phút nóng giận mà giờ Thịnh phải trả giá bằng những ngày tháng cải tạo tại trại giam.
Dự báo các vụ cố ý gây thương tích sẽ có xu hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm mùa lễ hội đầu Xuân đang diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh, lực lượng Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động những ngày qua đã tập trung tuần tra, kiểm tra hành chính, chủ động phát hiện, thu giữ hung khí, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, cơ quan công an các huyện, TP chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức những buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về an ninh trật tự cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay mới chỉ tập trung tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể như công đoàn các hiệp hội, hội nghề nghiệp. Trong khi đó, những đối tượng gây án trong thời gian gần đây chủ yếu lại là lao động tự do, không tham gia tổ chức đoàn thể, xã hội nghề nghiệp nào.
Để giảm thiểu tình trạng cố ý gây thương tích, bên cạnh sự vào cuộc của các đơn vị, ngành chức năng, các gia đình cũng cần quản lý, giáo dục con em mình. Mục đích để thanh thiếu niên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và học cách ứng xử bình tĩnh, có văn hóa khi phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống, hướng tới xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Tuệ An
PV: 7đ LĐP: TPTS: BBT:
1: Thiếu kiềm chế trong giải quyết mâu thuẫn phát sinh, đối tượng Nguyễn Khắc Thịnh đã phải trả giá bằng bản án hơn 8 năm tù. Ảnh chụp tại phiên toà xét xử ngày 7-2- 2018 |
2: Nạn nhân trong một vụ án cố ý gây thương tích được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh. |
Ý kiến bạn đọc (0)