Chuyên gia của WHO nêu các biện pháp ngăn chặn tai nạn đuối nước
Với sự đồng thuận của 79 quốc gia, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 4 năm nay đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết về phòng chống tai nạn đuối nước và chọn ngày 25/7 hằng năm là Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước.
Theo các chuyên gia, đây là dịp để nêu bật các hậu quả nghiêm trọng của đuối nước đối với gia đình, cộng đồng và xã hội trên toàn thế giới, để từ đó đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng hoàn toàn có thể phòng ngừa này.
Một lớp học bơi dành cho trẻ em tại Singapore (Ảnh: Isplash). |
Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi
Tân Hoa Xã ngày 24/7 cho biết, trước thềm thế giới lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước, WHO công bố báo cáo cho biết, trong 10 năm qua (2009-2019) khoảng 2,5 triệu người đã thiệt mạng vì đuối nước trên toàn thế giới.
Phát biểu trước báo giới hôm 23/7, Tiến sĩ David Medding, một nhà khoa học từ WHO, đã nêu bật mối lo ngại trên khi cho biết, ước tính khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước trong năm 2019. Ông nhấn mạnh, các "con số gây sốc" này không bao gồm những trường hợp tử vong do lũ lụt, tai nạn giao thông đường thủy.
Ông Meddings đặc biệt lưu ý, "đuối nước hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi ở nhiều quốc gia". Tại Trung Quốc, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ vị thành niên, trong khi tại Mỹ và Pháp, đây là nguyên nhân gây tử vong thứ hai. Chỉ riêng tại Bangladesh trong năm 2016, ước tính có khoảng 40 trẻ em chết vì đuối nước mỗi ngày.
Báo PTI cũng dẫn số liệu thống kê của WHO đặc biệt lưu ý, thực trạng đuối nước nghiêm trọng nhất ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ít nhất 140.000 người ở khu vực này tử vong do đuối nước, chiếm 61% số ca tử vong trên toàn cầu. Riêng khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của khoảng 70.000-74.000 người.
Cũng theo báo cáo, tại Đông Nam Á, hầu hết các ca tử vong do đuối nước là trẻ em và nam giới. Trong số 70.000 ca tử vong ở Đông Nam Á vào năm 2019, hơn 33% là trẻ em dưới 15 tuổi. Các báo cáo cho biết, tính trung bình nam giới có nguy cơ chết đuối cao hơn phụ nữ từ 3-4 lần. Tuy nhiên, ở Tây Thái Bình Dương, nam giới và những người trên 65 tuổi được cho là có nguy cơ đuối nước cao nhất.
Có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ đuối nước trên khắp Tây Thái Bình Dương, trong đó tỷ lệ ở các nước có thu nhập trung bình thấp cao hơn gần 4 lần so với ở các nước có thu nhập cao. Ví dụ tại Micronesia, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất là 15,1/100.000 dân so với con số 0,7/100.000 dân ở Australia".
Biến đổi khí hậu làm gia tăng thực trạng đuối nước
Theo Forbes, WHO cũng lên tiếng cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hoặc thảm họa thiên tai liên quan biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ tử vong do đuối nước.
Theo WHO, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương do tình trạng biến đổi khí hậu, khiến các cộng đồng và các cá nhân vốn đã dễ bị tổn thương có nguy cơ đuối nước hơn gấp đôi.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, khiến quá trình biến đối khí hậu diễn ra nhanh hơn, làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng và các sông băng đang tan nhanh, nhiều quốc gia trong khu vực càng chứng kiến những tác động ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo WHO, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn có thể dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng và có sức tàn phá dữ dội hơn, làm tăng mức độ nguy hiểm liên quan đến nước.
Ngăn ngừa nạn đuối nước: Cần sự chung tay
Dù thực trạng đuối nước đang ngày càng nghiêm trọng, theo Tiến sĩ David Meddings, đuối nước hoàn toàn có thể phòng ngừa.
Ông Meddings cho biết, có nhiều cách đơn giản có thể ngăn chặn vấn nạn này, chẳng hạn như xây rào chắn xung quanh các giếng nước, tăng cường bảo đảm an toàn cho trẻ em tại nơi vui chơi liên quan đến nước, tổ chức dạy bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước cơ bản cho trẻ em.
Việc đào tạo chuyên sâu hơn về các kỹ thuật cứu hộ và hồi sức cấp cứu cũng sẽ giúp mọi người có kỹ năng hỗ trợ bất kỳ ai trong trường hợp chứng kiến trường hợp bị đuối nước.
WHO cũng khuyến nghị 2 biện pháp can thiệp khác là thực thi các quy định về an toàn vận tải tàu, phà và cải thiện năng lực quản lý rủi ro lũ lụt.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh về các mối quan hệ hợp tác, đổi mới trong và ngoài ngành y tế về phòng chống đuối nước. Các nỗ lực này, đặc biệt đối với nhóm có nguy cơ như trẻ em, bao gồm: đào tạo kỹ năng bơi và kỹ năng sinh tồn dưới nước cho trẻ ở những nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao vì đuối nước như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan…
Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á Poonam Khetrapal Singh cũng cho rằng: "Mọi người trên toàn thế giới cần chung tay hành động để không một trẻ em hay người lớn nào phải tử vong vì đuối nước".
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)