Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn: Nâng cao sức khỏe cộng đồng
Hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình vệ sinh
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước năm 2016, toàn tỉnh có 65% trạm y tế có nhà tiêu và giếng nước hợp vệ sinh, số còn lại xuống cấp cần phải xây mới, sửa chữa. Nguyên nhân là do các công trình hình thành từ nhiều năm trước, sau thời gian dài khai thác đã hư hỏng.
Cán bộ Trạm Y tế xã Đan Hội (Lục Nam) hướng dẫn trẻ em rửa tay bằng xà phòng. |
Có nơi chưa có nhà vệ sinh dành riêng cho nam và nữ, không có phòng tắm riêng biệt; khu vệ sinh của cán bộ dùng chung với người bệnh. Ở khu dân cư, tỷ lệ gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 50%.
Trung bình mỗi năm, Trạm Y tế xã Đồng Phúc (Yên Dũng) tiếp đón hơn 3 nghìn lượt người dân đến khám, điều trị. Vào dịp cao điểm tiêm chủng hằng tháng (2 lần/tháng) có từ 70- 100 gia đình đưa trẻ đến tiêm. Tuy vậy, do nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân của Trạm (xây dựng từ năm 1993) đã xuống cấp nên hầu như không sử dụng.
Năm 2020, xã tham gia chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai, Trạm được hỗ trợ xây mới nhà vệ sinh riêng dành cho bệnh nhân với diện tích hơn 50 m2, trong đó có phòng tắm, phòng vệ sinh dành cho nam, nữ; hệ thống nước sạch bảo đảm yêu cầu.
Cùng thời gian này, hai trường mầm non, tiểu học của xã cũng được hỗ trợ xây nhà vệ sinh mới. Bác sĩ Vũ Văn Phú, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Toàn xã có 2,1 nghìn hộ với hơn 9,4 nghìn nhân khẩu.
Từ khi tham gia chương trình, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của công tác vệ sinh đối với sức khỏe, vận động hơn 50 gia đình xóa nhà vệ sinh dột nát. Tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch đạt gần 100%. Nhiều năm trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm có yếu tố liên quan đến nguồn nước và công tác vệ sinh như: Tiêu chảy cấp, tả, thương hàn, bệnh ngoài da.
Từ nguồn vốn vay WB và kế hoạch UBND tỉnh ban hành, hằng năm, ngành Y tế rà soát, lựa chọn các xã xa trung tâm huyện, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nơi tập trung đồng bào dân tộc sinh sống để triển khai chương trình. Từ năm 2016 đến nay, chương trình đã hỗ trợ xây mới 60 công trình vệ sinh cho trạm y tế; 4.682 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình.
Qua kiểm tra, các công trình đáp ứng quy chuẩn, bảo đảm chất lượng. Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 49 xã đạt tiêu chí “vệ sinh toàn xã”, xã Đồng Lạc (Yên Thế) đã nghiệm thu, đang chờ kết quả; 5 xã đạt tiêu chí “vệ sinh toàn xã bền vững” và 21 xã đã nghiệm thu, đang chờ kết quả.
Bắc Giang là một trong 21 tỉnh được thụ hưởng chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB, với tổng kinh phí hơn 277,27 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Tỉnh có 3 hợp phần do Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế thực hiện tại 50 xã thuộc 6 huyện (Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng).
Trong đó, Sở Y tế đảm nhận hợp phần vệ sinh nông thôn và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh. Sau khi triển khai thành công, Trung ương gia hạn cho các tỉnh tiếp tục thực hiện với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tiếp cận bền vững với nguồn nước sạch, góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Vương Kỳ Hùng, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá, trong quá trình triển khai, chương trình nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và đội ngũ cán bộ cơ sở. Các xã thành lập Ban điều hành thực hiện hợp phần vệ sinh, phân công cán bộ phụ trách.
Do đó, nhiều chỉ tiêu kế hoạch xây dựng hằng năm đều đạt kế hoạch. Năm 2021, toàn tỉnh chịu tác động của dịch Covid-19 song nhiều xã lồng ghép công tác truyền thông phòng, chống dịch với hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác vệ sinh.
Giữ vệ sinh môi trường
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch xác định mục tiêu đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 30 nghìn gia đình được hỗ trợ xây mới nhà vệ sinh; 76 trạm y tế và 135 trường học được hỗ trợ xây nhà vệ sinh; 50 xã đạt “vệ sinh toàn xã”, 50 xã đạt “vệ sinh toàn xã bền vững”.
Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: “Công tác vệ sinh có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Để nâng cao sức khỏe, người dân cần chú ý từ những hành động nhỏ như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và sử dụng nước sạch; trong gia đình, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch xác định mục tiêu đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 30 nghìn gia đình được hỗ trợ xây mới nhà vệ sinh; 76 trạm y tế và 135 trường học được hỗ trợ xây nhà vệ sinh; 50 xã đạt “vệ sinh toàn xã”, 50 xã đạt “vệ sinh toàn xã bền vững”. |
Phát huy kết quả đạt được từ những năm trước, năm 2022, Trung tâm có kế hoạch hỗ trợ 19 xã thuộc 4 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam và Việt Yên đạt "vệ sinh toàn xã bền vững”, chú trọng hướng đến các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn.
Xác định vai trò quan trọng của công tác truyền thông, từ tháng 6 đến nay, các huyện, xã tham gia chương trình đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho nhân viên y tế cơ sở và người dân về công tác vệ sinh. Vận động các hộ xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Cung cấp kiến thức vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng nhằm phòng ngừa dịch bệnh.
Từ nay đến tháng 10/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước tại các trạm y tế, trường học. Các xã tăng cường truyền thông qua tranh ảnh, pa nô về nước sạch, vệ sinh môi trường, triển khai hiệu quả Ngày Chủ nhật xanh, mở đợt cao điểm huy động toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình, khu dân cư xanh, sạch, đẹp, an toàn, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)