Chung tay vì bữa ăn an toàn cho trẻ
Trẻ ăn bán trú tại Trường Mầm non Nghĩa Hồ. |
Năm học này, trường mầm non Hồng Giang có 22 lớp với tổng số 722 học sinh. Nhận thức rõ được trẻ em là mầm non là tương lai của đất nước, vì thế điều đầu tiên nhà trường quan tâm chính là vấn đề VSATTP. Khu vực bếp ăn của trường Mầm non Hồng Giang được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa với tổng kinh phí gần 170 triệu đồng, theo quy trình vận hành 1 chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, thức ăn đã nấu chín. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, giá để bát đĩa, xoong chảo... Các vòi rửa thực phẩm, nước nấu ăn cũng được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Hàng tuần, nhà trường đều niêm yết thông báo bảng biểu chế độ ăn dinh dưỡng phổ biến cho các bậc phụ huynh nắm rõ. Bên cạnh đó Trường Mầm non Hồng Giang ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có chứng nhận đạt yêu cầu vệ sinh của cơ quan y tế để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho nhà trường mỗi ngày vào đầu giờ sáng. Cô giáo Giáp Thị Thơ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Giang cho biết: “Do làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà nhiều năm qua nhà trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cháu phát triển khỏe mạnh”. Tại trường Mầm non Nghĩa Hồ, bữa ăn trưa của học sinh được chuẩn bị một cách chu đáo, với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nhà trường ký hợp đồng cung cấp rau an toàn và các thực phẩm rõ nguồn gốc để bảo đảm bữa ăn an toàn. Các món ăn được chế biến hấp dẫn, kích thích vị giác của trẻ, trong bữa ăn cô giáo luôn động viên khích lệ các con ăn hết suất của mình. Hiện trường mầm non Nghĩa Hồ có 6 cô nuôi đạt tiêu chuẩn, phục vụ bếp ăn tại khu chính và 3 khu lẻ cho hơn 500 trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên thay đổi thực đơn giúp trẻ ăn ngon miệng, hạn chế tốc độ tăng cân và theo dõi sức khỏe trẻ béo phì, tăng cường dinh dưỡng với những trẻ suy dinh dưỡng. Cô giáo Giáp Thị Cúc, Hiệu trưởng trường Mầm non Nghĩa Hồ cho biết: “Bên cạnh chuẩn bị chu đáo về VSATTP cho các cháu, bữa phụ được nhà trường thực hiện theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, đó là trẻ được tự mình lựa chọn các món ăn mình yêu thích, bữa phụ được đa dạng các món như cháo, miến, bánh, sữa… Đây là cách làm sáng tạo và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thức, trẻ hào hứng với bữa ăn của mình, được ăn món ăn mình yêu thích, do vậy trẻ ăn no, ăn hết suất của mình”.
Bà Trần Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho hay: “Hiện toàn huyện có 32 trường Mầm non, 100% trường đều tổ chức ăn bán trú, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại các trường đạt 99,7%. Trước thực tế nhu cầu học sinh ăn bán trú ở các trường học ngày càng tăng, đơn vị có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện tốt ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ. Yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ nhân viên nhà bếp tại các trường được tập huấn, học tập, phổ biến các quy định, Luật ATVSTP”.
Bảo đảm VSATTP không chỉ mang lại bữa ăn ngon, hợp vệ sinh mà còn giúp nâng cao sức khỏe cho trẻ, phòng, chống bệnh tật. Vì vậy đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng của ngành giáo dục, y tế mà các ban, ngành liên quan, những nhà cung cấp thực phẩm hay mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình để góp phần nâng cao thể chất, tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước.
Quang Huấn- Bùi Được
Ý kiến bạn đọc (0)