Chung sức đẩy lùi dịch bệnh
Thức trắng đêm thâu, căng mình truy vết
Công tác tại một trong những địa bàn trọng điểm xảy ra dịch bệnh nên Trung tá Lê Huy Hoàng (SN 1979), Trưởng Công an xã Tăng Tiến (Việt Yên) phải đêm ngày tham gia chống dịch. Nhất là từ ngày 10/5, số ca bệnh tăng nhanh, anh Hoàng cùng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch xã liên tục chỉ đạo lực lượng công an xã lập chốt kiểm soát, truy vết trường hợp liên quan đến F0 để khoanh vùng, thống kê thành phần, số lượng người dân, công nhân thuê trọ tại địa bàn để quản lý, phòng dịch.
![]() |
Anh Lê Huy Hoàng giúp người dân vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch. |
Nhiệm vụ của các anh không chỉ vất vả mà còn đối mặt với nguy hiểm khi hằng ngày tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và người có nguy cơ nhiễm bệnh. Mỗi khi phát hiện ca bệnh, các anh phải đến khu trọ đưa bệnh nhân đi bộ đến trạm y tế xã để lên xe đến nơi điều trị. Anh Hoàng nhắc nhở đồng đội nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch như mặc trang phục bảo hộ, phun khử khuẩn bản thân và người bệnh, giữ đúng khoảng cách, phương hướng di chuyển.
Để dịch bệnh không lây lan, Công an xã tăng cường tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm quy định phòng dịch. Một số công nhân do lo sợ đã giấu bệnh nên cán bộ, chiến sĩ công an kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để họ hợp tác. Lực lượng công an đã xử phạt hơn 100 trường hợp trên địa bàn xã vi phạm như ra ngoài khi không cần thiết, không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân. Những nỗ lực đó đã góp phần đẩy lùi dịch, các ca bệnh đều được khoanh vùng, kiểm soát nhanh.
Hoãn đám cưới, xung phong chống dịch
Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, hai tháng nay, bác sĩ Trần Anh Đức (SN 1994) làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã không về nhà.
![]() |
Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng số bệnh nhân nặng phải điều trị dài ngày vẫn cần được chăm sóc đặc biệt nên bác sĩ ở luôn trong đó chưa về. Công việc của anh liên tục phải nắm bắt, đánh giá diễn biến sức khỏe từng ca bệnh. Bác sĩ Trần Anh Đức cho biết: “Mặc dù chia ca nhưng tôi vẫn làm việc xuyên ca theo dõi sát sức khỏe từng người bệnh. Bởi các trường hợp vào đây đều đã có tổn thương phổi, khó thở, nhẹ nhất cũng phải hỗ trợ thở ôxy”. Công việc cứ cuốn đi, anh và các đồng nghiệp trong Trung tâm gần như không còn khái niệm thời gian vì ngày cũng như đêm, luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có bệnh nhân chuyển đến.
Hiện tại, ở đây có một số bệnh nhân nặng được chăm sóc đặc biệt. Trong đó có bệnh nhân phải hỗ trợ thở ôxy dòng cao. Những ca nặng nhất phải hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu hấp phụ độc tố để cải thiện chức năng tim, phổi. Nhiều người bệnh không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, anh cùng mọi người phải tập trung hội chẩn, đánh giá lại toàn trạng sức khỏe bệnh nhân, thay đổi phương án điều trị cho phù hợp.
Niềm vui lớn nhất trong những ngày biệt phái vào làm việc ở đây là khi theo dõi người bệnh có tín hiệu cải thiện các chức năng tuần hoàn, hô hấp, có thể cai được máy thở.
Sau 8 giờ làm việc liên tục, bác sĩ Đức mới ra vòng ngoài. Anh có 2 giờ để nghỉ ngơi rồi lại vào ca làm việc mới. Tranh thủ những giây phút hiếm hoi, anh gọi điện về hỏi thăm mọi người trong nhà. Sinh hoạt cá nhân đều được tiết giản; anh đã “cạo trọc đầu” để tắm gội, vệ sinh dễ dàng, hạn chế virus bám vào cơ thể.
Các bác sĩ ở đây cho biết, bác sĩ Đức chuẩn bị cưới vợ nhưng do dịch bệnh nên tạm hoãn lại để xung phong làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Điều đáng mừng, thời điểm này, số ca nhiễm mới ít, ca nặng giảm nhiều, công tác điều trị cũng ổn định hơn khi mỗi bác sĩ, điều dưỡng đều có nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình điều trị kéo dài liên tục 2 tháng qua.
Sự sống hồi sinh
Vui mừng khi sức khỏe ổn định, trở lại bình thường như hôm nay nhưng anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1986), ở xã Hương Sơn (Lạng Giang) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ về chuỗi ngày nằm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.
![]() |
Bác sĩ trao quà cho bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp trong ngày ra viện.
|
Là công nhân Công ty TNHH Jeil - Tech Vina, ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), anh được phát hiện nhiễm Covid-19 từ ngày 10/5 khi đang cách ly tập trung tại thị trấn Vôi (Lạng Giang) và được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1.
Trước khi nhiễm Covid-19, anh hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh mạn tính. Thế nhưng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, tình trạng sức khỏe của anh diễn biến nặng rất nhanh, có những thời điểm nguy kịch, đe dọa tính mạng.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt cao, mất vị giác, cơn khó thở tăng dần và được chuyển sang Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Được chỉ định thở ô xy nhưng người bệnh vẫn khó thở, chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương sâu, đông đặc dưới màng phổi hai bên.
Bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản, thở máy, chăm sóc hô hấp tích cực, theo dõi cơn bão Cytokine do Covid-19, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch. Có những lúc, các chỉ số sinh tồn của anh gần như không còn, nguy cơ tử vong thường trực nhưng các bác sĩ vẫn tìm mọi cách cứu chữa. Một niềm hy vọng nhỏ nhoi để các bác sĩ quyết tâm điều trị là qua các lần xét nghiệm tải lượng virus trong cơ thể bệnh nhân giảm dần, từ đó tập trung can thiệp các triệu chứng sau Covid-19.
Trải qua những ngày lọc máu liên tục, kết hợp thở máy, tình trạng hô hấp cải thiện dần, người bệnh được rút ống nội khí quản, chuyển thở ô xy. Một vài ngày sau, anh Hiệp tự thở được khí phòng, thể trạng tốt hơn, tinh thần ổn định, tự đứng lên, đi lại. Sự hồi sinh của anh có công lao to lớn của các y, bác sĩ, điều dưỡng - những người từng giây, từng phút hết lòng chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. Kết thúc chuỗi ngày nguy kịch, anh đã được ra viện, trở về nhà trong niềm vui của người thân.
Trong cuộc chiến chống Covid-19 có biết bao câu chuyện xúc động. Sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ cũng như các lực lượng tham gia chống dịch và mỗi người dân đã tạo nên sức mạnh to lớn để Bắc Giang chiến thắng dịch Covid.
Bài, ảnh: Lệ Thanh - Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)