Chú trọng thâm canh, nâng hiệu quả nuôi thủy sản
HTX Thủy sản Đồng Tiến, xã Yên Sơn (Lục Nam) có 15 thành viên nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 10 ha; trong đó hơn 5 ha nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, HTX thu hoạch hơn 100 tấn cá các loại. Với giá bán trung bình 47 nghìn đồng/kg, HTX thu về gần 5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 750 triệu đồng (giảm một nửa so với năm 2022).
Người dân thôn Mười Lăm, Mười Sáu, xã Yên Sơn (Lục Nam) thu hoạch cá. |
Ông Tăng Văn Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ: “Năm 2023 HTX gặp nhiều khó khăn bởi giá thức ăn công nghiệp cho cá cao hơn 50-60 nghìn đồng/bao 25kg. Với diện tích 1 ha, người chăn nuôi tiêu tốn hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá mỗi ngày (nuôi 4-6 tháng/lứa). Ngoài ra, giá cá giống, thuốc, chế phẩm sinh học, chi phí nhân công, giá điện đều tăng”.
Trong khi đó, đầu năm, giá cá thương phẩm thấp. Từ giữa năm 2023 đến nay, giá ổn định hơn, tăng 3-5 nghìn đồng/kg. Hộ ông Dương Văn Tuệ ở thôn Mười Lăm, Mười Sáu xã Yên Sơn vừa thu hoạch hơn 6 tấn cá trong diện tích khoảng 1 ha. Cá trắm cỏ bán với giá 56-58 nghìn đồng/kg; cá chép 46-48 nghìn đồng/kg; rô phi loại 1 giá 37-38 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, do chi phí đầu vào lớn, một số cá bị chết bởi dịch bệnh nên vụ này gia đình ông chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng.
Ông Kiều Xuân Tý, tổ dân phố Ngoài Hạ, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) có hơn 0,5 ha mặt nước nuôi cá trắm, chép, rô phi... Ông cho biết, khoảng hai năm trở lại đây, lợi nhuận từ nuôi cá không cao, có vụ chỉ hòa vốn. Hiện ông vẫn duy trì nuôi thủy sản thâm canh nhưng thả với mật độ ít hơn để dễ quản lý, chăm sóc, hạn chế rủi ro.
Nhiều hộ dân tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) ứng dụng công nghệ cao nuôi cá thương phẩm. |
Thời gian qua, một số hộ trong tỉnh mua máy cho cá ăn tự động, máy quạt nước tạo ô xi nhưng sau một thời gian bị hư hỏng cũng chưa có kinh phí thay thế, bổ sung thiết bị khác. Lãi ít nên người chăn nuôi không mặn mà với việc cải tạo ao, đầu tư kinh phí thâm canh. Thực tế, nhiều ao nuôi lâu ngày chưa hút bùn, xử lý môi trường nước.
Ông Đỗ Huy Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, mặc dù nuôi thủy sản có thời điểm gặp khó khăn nhưng đây vẫn là hướng đi hiệu quả, góp phần tăng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, nhiều hộ vẫn có cách làm sáng tạo, thu lợi nhuận khá cho dù giá sản phẩm xuống thấp. Cụ thể là ứng dụng công nghệ, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn cho cá, lựa chọn giống chất lượng, chú trọng phòng bệnh để giảm giá thành.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6 nghìn ha nuôi thủy sản chuyên canh; gần 4,5 nghìn ha nuôi thâm canh và bán thâm canh với năng suất đạt từ 7-10 tấn/ha/lứa; gần 900 ha nuôi thủy sản thâm canh được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các diện tích này được định hướng tiếp tục mở rộng mỗi năm.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá thương phẩm toàn tỉnh đạt 53,7 nghìn tấn, tăng 3% so với năm trước. Sản lượng cá tăng tập trung nhiều ở các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang. Giá cá thương phẩm tại ao thời điểm này trung bình đạt 40 nghìn đồng/kg. |
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá thương phẩm toàn tỉnh đạt 53,7 nghìn tấn, tăng 3% so với năm trước. Sản lượng cá tăng tập trung ở các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang. Giá cá thương phẩm tại ao thời điểm này trung bình đạt 40 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ cơ bản thuận lợi.
Để duy trì, nâng cao sản lượng, giá trị, lợi nhuận cho người chăn nuôi, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”.
Năm 2023, 19 hộ ở huyện Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên tham gia Đề án và được hỗ trợ gần 400 triệu đồng mua máy cho cá ăn, quạt nước, tủ điện thông minh và hệ thống camera giám sát tự động. Lũy kế đến nay có 64 hộ tham gia với tổng diện tích 66 ha. Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh xây dựng thành công 140 ha nuôi thủy sản ở các tổ hợp tác, HTX, cho năng suất 14 tấn/ha trở lên.
Bên cạnh đó, nhờ cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ và sự năng động, nhanh nhạy với thị trường, nhiều hộ đã nuôi các loài có năng suất, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như rô phi đơn tính, chép lai ba máu, chim trắng, cá diêu hồng, cá trê, cá tầm...
Năm 2023, UBND huyện Yên Dũng hỗ trợ hơn 120 triệu đồng cho HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nham Biền nuôi cua da thương phẩm, hiện đã cung ứng cho thị trường. Anh Trần Đức Hải, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) và cộng sự xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá chình quy mô lớn nhất tỉnh với tổng doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ ở xã Song Mai (TP Bắc Giang), xã Yên Sơn, Lan Mẫu (Lục Nam) nuôi cá trê vàng, chạch, ốc cũng cho năng suất, giá trị kinh tế cao…
Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết, tại các xã: Lan Mẫu, Đan Hội, Vũ Xá, Yên Sơn có nhiều cánh đồng chỉ cấy một vụ lúa chiêm. Nhiều hộ đã tận dụng khu vực ruộng trũng, mặt nước lớn để nuôi thủy sản. Ông Giáp Văn Quân, thôn Mai Thưởng, xã Yên Sơn (cùng huyện) có nhiều năm nuôi cá theo cách thức này.
Ông thầu gần 20 ha ruộng trũng trên địa bàn xã để nuôi cá trắm đen, chép, nheo. Một năm nuôi một vụ, ông thu về khoảng 6 tấn cá, doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 150 triệu đồng. Ưu điểm của cách làm này là chi phí đầu tư ít, cá sống trong môi trường tự nhiên nên khoẻ mạnh, thịt săn chắc, sản phẩm dễ bán.
Nhằm tháo nút thắt về đầu ra, các cấp, ngành chức năng tiếp tục nắm chắc diễn biến thị trường để tư vấn, định hướng sản xuất; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX nuôi thủy sản gắn với tiêu thụ; có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng để các hộ yên tâm sản xuất, đầu tư lớn, dài hạn.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)