Trộn chế phẩm đất hiếm vào thức ăn nuôi cá ở Hà Nam
Mô hình nuôi cá trắm cỏ tại Hà Nam sử dụng công nghệ đất hiếm được các nhà khoa học phối hợp với Công ty cổ phần Atomfeed Việt Nam triển khai từ tháng 12/2020. Trên diện tích 3.100 m2, có 7.664 con cá giống, trọng lượng cá khoảng 350-420g/con thả nuôi thử nghiệm. Mật độ nuôi này cao gấp ba lần bình thường và trọng lượng cá giống nhỏ hơn ba lần.
Thu hoạch cá trắm cỏ tại ao nuôi thử nghiệm ở Hà Nam. Ảnh: PM |
Nhóm nghiên cứu đã chọn thời điểm mùa đông, thời tiết khắc nghiệt nhất thả cá để đưa ra đánh giá chính xác tác dụng của vi lượng đất hiếm.
Ở điều kiện nhiệt độ thấp, bình thường người nuôi sẽ không thả vì tỷ lệ chết rất cao. Tuy nhiên ở "ao thử nghiệm cá vẫn sinh trưởng, phát triển tốt", ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Atomfeed cho biết. Với trên 7.000 cá giống, tỷ lệ chết chỉ 20-30 con (tỷ lệ cá chết thông thường bởi các điều kiện tự nhiên như nóng quá, lạnh quá, thay đổi thời tiết bất chợt... là 5-7%).
Theo nhóm nghiên cứu, trước khi thả cá giống, vi lượng đất hiếm được đưa vào xử lý môi trường nước để không còn tạp chất có hại. Sau đó vi lượng cũng được trộn vào thức ăn giúp cá ăn ít hơn nhưng giá trị dinh dưỡng cao hơn. Cứ một kg cá cho 2,1-2,2 kg thức ăn, trong khi thức ăn thông thường cần đến 2,8 kg thức ăn/kg cá.
TS Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, trong đất hiếm có 17 nguyên tố, nhưng chỉ có hai nguyên tố là lanthan và xeri được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp. Lanthan và xeri là hai nguyên tố tương đồng với canxi, giúp vật nuôi chắc xương, cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Ở vật nuôi, trong thức ăn có các vi lượng đất hiếm sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa, có tác dụng như kháng sinh, nhưng không để lại dư lượng trong con vật mà đào thải qua đường tiêu hóa. Các enzym sinh ra trong quá trình tiêu hóa giúp vật nuôi khỏe mạnh, kháng lại các điều kiện khắc nghiệt.
Theo tính toán, một kg thức ăn khi phối trộn nguyên tố đất hiếm sẽ tăng giá thêm gần 200 đồng. Đây cũng là mức giá phổ biến ở những quốc gia ứng dụng vi lượng đất hiếm vào chăn nuôi, nông nghiệp. Nguyên tố này có thể sử dụng cho các loại vật nuôi khác nhau theo tỉ lệ phối trộn nhất định.
Nhóm thử nghiệm đã lên biểu đồ theo dõi sức khỏe, sức ăn của cá theo từng giai đoạn. Thức ăn được sản xuất từ những nguyên liệu hữu cơ kết hợp với chế phẩm vi lượng đất hiếm không chất tạo mùi, không có chất tăng trọng. Cá lớn đạt theo biểu đồ tăng trưởng: cá chắc thịt, không bị phình bụng, không bị nhiều mỡ. Sau gần 10 tháng, sản lượng cá khi đến vụ là khoảng 20 tấn/ao. Dự kiến sau khi kết thúc giai đoạn nuôi thử nghiệm tại Hà Nam, Atomfeed sẽ mở rộng mô hình nuôi cá rộng đến 4,5ha tại Thanh Trì, Hà Nội.
Trước đó một số mô hình ứng vi lượng đất hiếm vào nuôi tôm thẻ chân trắng (Bến Tre), trồng trà (Thái Nguyên) và cá lồng bè (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã mang lại giá trị kinh tế hiệu quả.
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, ứng dụng vi lượng đất hiếm vào nông nghiệp đang thể hiện hiệu quả vượt trội và có nhiều tiềm năng. Hiện có bốn ngành mà năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng gồm: y tế (chẩn đoán và điều trị ung thư), nông nghiệp (chiếu xạ, xuất khẩu, tạo giống cây trồng), công nghiệp (kiểm tra, đánh giá công trình) và tài nguyên môi trường.
Tại Trung Quốc, từ những năm 2000 đã ứng dụng đất hiếm trong trồng trọt và chăn nuôi. Khi tình trạng kháng kháng sinh ở vật nuôi lan rộng khắp thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm chất thay thế kháng sinh. Đến năm 2006, Thụy Điển cấp phép tạm thời sử dụng vi lượng đất hiếm trong thức ăn chăn nuôi. Qua quá trình dài nghiên cứu, thử nghiệm, đến năm 2020, châu Âu chính thức cấp phép cho vi lượng đất hiếm để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Tại Việt Nam, từ năm 2015, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam mới tiếp cận các tài liệu về ứng dụng đất hiếm trong nông nghiệp và bắt đầu tìm cách thử nghiệm.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)