Chủ nghĩa khủng bố và nỗi ám ảnh (kỳ 1)
Hiện trường vụ khủng bố bằng xe tải ở Thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 7-4. |
Nếu như trước đây, các vụ không tặc, đánh bom liều chết, bắt cóc được các phần tử khủng bố sử dụng phổ biến thì nay, các cuộc tấn công có thể bằng dao hoặc lao ô tô vào đám đông... Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ngày càng gian nan và khó đoán định.
Nguyên nhân phát sinh
Chủ nghĩa khủng bố không phải là một hiện tượng mới. Vào năm 996, những kẻ cuồng tín đã tìm cách trục xuất những người La Mã ra khỏi Palestine thông qua một chiến dịch mang màu sắc khủng bố. Kể từ đó, khủng bố trở thành mối lưu tâm ngày càng lớn trong nền chính trị thế giới.
Chủ nghĩa khủng bố hiện đại bắt đầu trở thành một vấn đề an ninh quốc tế quan trọng vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20, với hàng loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trong số đó liên quan đến xung đột Israel-Arab. Sau sự kiện 11-9-2001, có thể nói chủ nghĩa khủng bố đã trở thành vấn đề toàn cầu then chốt và là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các quốc gia.
Toàn cầu hóa được coi là một nguyên nhân khiến chủ nghĩa khủng bố bùng phát. Cùng với sự phát triển thương mại, đầu tư tài chính theo chiều hướng “xóa nhòa biên giới quốc gia” là sự bùng nổ khoa học kỹ thuật, phương thức vận chuyển và thông tin xuyên biên giới. Chính những yếu tố này vô tình trở thành đồng minh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tạo điều kiện cho những hoạt động khủng bố diễn ra thuận lợi hơn bao giờ hết. Một vụ đánh bom tự sát tại Iraq có thể gây chấn động thế giới chỉ trong vòng vài phút, và như thế, tâm lý sợ hãi sẽ nhanh chóng lan rộng. Đây chính là những gì mà kẻ khủng bố mong muốn.
Nghèo đói, tuyệt vọng, mất niềm tin vào tương lai hay xã hội, các thanh niên nghèo dễ dàng tin theo sự dẫn dụ của các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm, nhất là khi khả năng nhận thức của họ vẫn còn thấp. Các phương thức mà những kẻ khủng bố sử dụng cũng rất đa dạng. Phương pháp càng ngoạn mục, hành động đó sẽ càng nhận được nhiều sự chú ý. Việc bắt giữ một người vô gia cư sẽ nhận được những phản ứng khác với việc bắt giữ một nguyên thủ quốc gia hay việc cướp một chiếc máy bay.
Một trong những mối quan ngại chính về chủ nghĩa khủng bố hiện nay là việc chúng có thể phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các loại vũ khí hóa học hay sinh học có chi phí sản xuất khá rẻ và có khả năng giết chết hàng loạt nạn nhân tùy thuộc vào điều kiện môi trường khi diễn ra vụ nổ. Khả năng những loại vũ khí như vậy có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố khiến tất cả các chính phủ đều lo sợ và lưu tâm đến vấn đề này.
Cuộc chiến chống khủng bố là chiến dịch quân sự do Mỹ lãnh đạo để loại trừ nguy cơ khủng bố. Cuộc chiến được phát động lần đầu tiên sau những tổn thất nặng nề mà nước Mỹ phải gánh chịu từ sự kiện 11-9. Khi đó, chính quyền Mỹ đã cho rằng những vụ tấn công này là “hành động chiến tranh” chống lại nền văn minh phương Tây. Và Mỹ, với vai trò “sen đầm quốc tế”, có nghĩa vụ lãnh đạo “thế giới văn minh” chống lại mối nguy hại “khủng bố quốc tế” đe dọa an ninh phương Tây, mà ở đây trước hết là an ninh Mỹ. Do đó, cuộc chiến chống khủng bố được xem như một dạng thức chiến tranh mới, một chiến dịch được triển khai vượt ra khỏi biên giới các quốc gia và xét ở nhiều khía cạnh, triển khai bên ngoài giới hạn luật pháp quốc tế.
Tại sao phương Tây luôn là mục tiêu chính?
Những xã hội mở luôn ở trong tình trạng nguy hiểm. Điều này đặc biệt đúng với Mỹ và châu Âu ngày nay. Những tổ chức khủng bố thánh chiến, như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al Qaeda, đã khám phá ra "gót chân Achilles" của xã hội phương Tây: Đó là nỗi sợ hãi trước cái chết. Bằng việc châm ngòi cho nỗi sợ hãi đó qua các cuộc tấn công kinh hoàng và những video tàn bạo, những kẻ tuyên truyền cho IS đã đánh thức, khuếch đại tâm lý đó, dẫn tới tình trạng những con người vốn vẫn thường lý trí trong các xã hội mở trở nên không còn lý trí nữa.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ tấn công khủng bố ở Stockholm. |
Mục tiêu lớn nhất của những kẻ thánh chiến là thuyết phục những người trẻ theo đạo Hồi trên toàn thế giới rằng bạo lực khủng bố là giải pháp duy nhất. Đồng thời, tấn công khủng bố là cách để đạt được mục tiêu đó. Những phản ứng hoảng loạn trước chủ nghĩa khủng bố theo hướng bài Hồi giáo đã sản sinh ra nỗi sợ hãi và sự hận thù trong cộng đồng người Hồi giáo đang sinh sống ở châu Âu và Mỹ. Người lớn tuổi tỏ ra sợ hãi, thế hệ trẻ tỏ ra hận thù; kết quả là hình thành một vùng đất màu mỡ sản sinh ra những phần tử khủng bố tiềm năng.
Các cuộc tấn công kinh hoàng của IS ở Paris, Brussels đưa ra lời nhắc nhở rõ ràng rằng các nước phương Tây không thể hạn chế được, chưa nói đến miễn nhiễm khỏi những hậu quả không mong muốn của sự can thiệp của họ ở Trung Đông. Sự tan rã của Iraq, Libya trước đây cũng như Syria hiện nay đã tạo ra những chiến trường giết chóc khổng lồ, làm dấy lên những làn sóng người tị nạn. Rõ ràng, sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông không phải là hiện tượng mới. Trừ những trường hợp ngoại lệ của Iran, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, mọi cường quốc khu vực ở Trung Đông đều là một cấu trúc hiện đại được tạo ra chủ yếu bởi Anh và Pháp. Các cuộc can thiệp do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và Iraq kể từ năm 2001 chỉ đại diện cho nỗ lực gần đây nhất của các cường quốc phương Tây nhằm định hình địa chính trị của khu vực. Nhưng những cường quốc này luôn thích can thiệp qua tay người khác, và chính chiến lược này - đào tạo, tài trợ, trang bị cho những chiến binh thánh chiến được coi là “ôn hòa” để chiến đấu chống những kẻ “cực đoan”- ngày nay đang phản tác dụng.
Bất chấp những bằng chứng liên tục phản bác, các cường quốc phương Tây vẫn trung thành với một cách tiếp cận gây nguy hiểm cho an ninh nội bộ của chính họ. Cần nói rõ rằng những kẻ đang tiến hành cuộc thánh chiến bạo lực không bao giờ có thể “ôn hòa.” Thế nhưng ngay sau khi thừa nhận rằng đa số thành viên của Quân đội Syria Tự do được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đào tạo đã đào thoát sang IS, Mỹ vẫn cam kết cấp thêm gần 100 triệu USD viện trợ trực tiếp cho quân nổi dậy Syria. Pháp và Bỉ đã phân phối viện trợ cho quân nổi dậy Syria và trực tiếp tham gia các cuộc không kích nhằm vào IS. Đó chính là lý do Pháp và Bỉ trở thành mục tiêu chính của các vụ tấn công.
Mặc dù đang theo đuổi chiến dịch quân sự của mình một cách độc lập với các cường quốc phương Tây (phản ánh sự hỗ trợ dành cho Tổng thống Bashar al-Assad) nhưng Nga cũng đã bị tấn công. Vụ rơi máy bay Nga trên bán đảo Sinai hồi tháng 10 năm ngoái và vụ khủng bố mới đây nhằm vào một đoàn tàu hỏa ở St. Petersburg rõ ràng có bàn tay của IS. Chưa phải là quá muộn để các cường quốc phương Tây xem xét lại bài học từ những sai lầm trong quá khứ và tái điều chỉnh chính sách chống khủng bố cho phù hợp. Đã đến lúc, phương Tây cần nhận ra rằng cuộc chiến chống khủng bố không thể thành công nếu không có các đối tác và đồng minh lành mạnh. IS sẽ không thể bị đánh bại nếu Mỹ, Nga còn giằng co nhau về những lợi ích và tầm ảnh hưởng tại Trung Đông.
(Còn nữa)
Thanh Bình (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)