Chiếu chèo giữa miền quan họ
CLB Chèo Hoàng Mai biểu diễn tại Hội diễn sân khấu nghệ thuật không chuyên tỉnh Bắc Giang năm 2013. |
Vào một sáng mùa đông áp Tết Mậu Tuất, trời quang đãng nhưng khá lạnh, chúng tôi ngồi xe lướt trên con đường trải nhựa từ trung tâm huyện Việt Yên xuống làng Hoàng Mai, nơi có chiếu chèo cổ độc nhất nhị của huyện. Làng Hoàng Mai hiện có ba thôn thuộc xã Hoàng Ninh, cách thị trấn Bích Động vài cây số. Trên đường đi, trong đầu tôi hiện lên bao câu hỏi. Xưa nay mình chỉ quen nghe chèo Thái Bình, Nam Định, Hà Nam,... chứ chưa bao giờ nghe nói chèo Bắc Giang. Những tưởng ở cái nôi của làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, thiết tha này, làm gì còn có đất cho chèo sinh sôi, nảy nở? Vậy mà...
Chiếc xe đỗ trên vỉa hè sân bóng của xã khá thoáng rộng. Anh Lộc, cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện đưa cánh nhà báo đi thực tế. Vừa kịp mở cánh cửa, đập vào mắt chúng tôi cơ man là loa đài, tăng âm, dây điện bày kín một gian nhà, chỉ chừa lối đi nhỏ vào phòng khách. Mãi sau hỏi ra mới biết đây là cửa hàng sửa chữa, bán và cho thuê loa đài. Anh Lộc giới thiệu, đây là anh Đỗ Xuân Luật, chủ cửa hàng này và cũng là người phụ trách Câu lạc bộ (CLB) chèo Hoàng Mai.
Xưa nay chỉ quen nghe chèo Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, còn chèo Bắc Giang tôi chưa nghe bao giờ. Những tưởng ở cái nôi của làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, thiết tha này, làm gì còn đất cho chèo sinh sôi, nảy nở? Vậy mà... |
Anh Luật có vóc người dong dỏng cao, da ngăm đen, ra dáng một lão nông tri điền xịn. Vừa rót nước mời khách, vừa tranh thủ trò chuyện, anh cho hay, trước những năm 80 của thế kỷ XX, khi còn là học sinh anh đã rất mê chèo nên hễ khi nào có diễn chèo ở làng là anh xin một chân kéo phông màn để được nghe hát. Lớn lên, đi bộ đội rồi xuất ngũ về quê, Đỗ Xuân Luật vừa phụ trách âm thanh cho làng xã những lần hội họp, lễ Tết, liên hoan văn nghệ, vừa sửa chữa loa đài cho bà con quanh vùng. Vài năm gần đây, người phụ trách chiếu chèo Hoàng Mai là bà Đỗ Thị Khoa tuổi cao sức yếu, sợ chiếu chèo của làng bị mai một, được sự động viên của anh chị em CLB và chính quyền địa phương, anh Luật vừa đảm nhận phụ trách CLB chèo Hoàng Mai, vừa phục vụ âm thanh cho những đêm chiếu chèo sáng đèn hay những lần làng xã có hội họp đông người.
Theo anh Luật, chiếu chèo Hoàng Mai hiện có 26 thành viên gồm 6 nam và 20 nữ, người cao tuổi nhất 75 tuổi, người trẻ nhất năm nay 37 tuổi. Đội chèo Hoàng Mai từng tham gia các hội diễn của huyện, tỉnh, Quân khu I. Đặc biệt năm 2016, tại Liên hoan diễn xướng chèo sân đình khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Hải Phòng, chiếu chèo Hoàng Mai đã đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn và Huy chương Vàng cho nữ diễn viên cao tuổi nhất đội là bà Khoa. Được biết những năm gần đây, chỉ khi chuẩn bị tham gia Hội diễn từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc thì huyện mới hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại CLB phải tự túc. Vì thế, anh Luật tích cực vận động các nhà hảo tâm quyên góp kinh phí để duy trì hoạt động của CLB.
Trong lúc anh Luật đang say sưa nói về cây đàn nhị số một của đội chèo Hoàng Mai là ông Thẩm, vừa mất cách đây ít lâu, thì bà Khoa xuất hiện. Hiện tại cả bà Khoa và ông Thẩm đã được huyện xét duyệt hồ sơ gửi lên đề nghị các cấp có thẩm quyền xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn, đặc biệt là đôi mắt lanh lợi, tinh tường và giọng nói vẫn trong.
Bà Khoa cho biết từng đam mê chèo từ năm lên mười, tính đến nay đã 65 năm có lẻ. Người thầy đầu tiên dạy bà hát chèo là Kép Viễn, một diễn viên nổi tiếng của chiếu chèo Hoàng Mai. Một người như bà có hơn nửa thế kỷ hát chèo với bao thăng trầm, cũng không biết chiếu chèo làng Hoàng Mai có tự bao giờ. Nhưng những đận xay thóc thuê thời kỳ chiến tranh và bao cấp, hay có những lần đẩy xe bò đi khắp huyện bán vé xem biểu diễn chèo để tạo nguồn kinh phí hoạt động, duy trì chiếu chèo cho đến hôm nay thì bà nhớ như in. Bà say sưa kể cho chúng tôi nghe cơ man chuyện đời, chuyện nghề. Gia đình nhà bà cả bên nội, bên ngoại đều mê hát chèo. Khi làm đồng cũng hát, ở nhà cũng hát, nhất là khi nghe tiếng trống chèo đâu đó vang lên là ai nấy đều cảm thấy rạo rực, muốn được nghe, được hát ngay lập tức.
Bà Đỗ Thị Khoa cùng dàn nhạc CLB Chèo Hoàng Mai biểu diễn phục vụ bà con tại chiếu chèo làng. Ảnh: Trần Anh |
Anh Nguyễn Đình Hồng, sinh năm 1980, là diễn viên trẻ nhất của chiếu chèo Hoàng Mai cũng vừa kịp đến khi nghe tin có các nhà báo tỉnh và trung ương xuống tìm hiểu chiếu chèo làng mình. Anh Hồng từng có 9 năm tham gia phục vụ cho đoàn dân ca của UNESCO Việt Nam. Nhiều lần Nhà hát chèo Bắc Giang mời tham gia đoàn nhưng vì nhiều lý do khác nhau, anh đều từ chối. Cuối cùng Nguyễn Đình Hồng quyết định gắn bó với chiếu chèo làng Hoàng Mai, quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng anh nên người. Hiện anh vừa là cán bộ chuyên trách công tác Đảng của xã Hoàng Ninh, vừa là diễn viên của CLB chèo làng.
Phòng khách nhà anh Luật như có vẻ chật hơn khi có thêm hai nữ diễn viên là bà Nguyễn Thị Lai và Nguyễn Thị Lâm. Hai bà đều là người trong gia đình bà Khoa và cũng đã ở tuổi trên dưới lục tuần. Sau vài ba câu chuyện giao duyên, không cần trống phách, đàn nhị, tăng âm, các làn điệu chèo cứ thế vang lên lan xa theo nhịp vỗ tay của mọi người, không chỉ vang động gian nhà bé nhỏ của anh Luật, mà còn xao động khắp làng quê thuần nông này.
Chia tay các nghệ nhân chiếu chèo Hoàng Mai, lòng tôi thực sự ngẩn ngơ, tiếc nuối, giá như có nhiều thời gian hơn nữa để được nghe các bà, các chị, các anh hát cho nghe những làn điệu dân ca chân chất, quê mùa nhưng lại rất đỗi ngọt ngào, đằm thắm, ngay giữa cảnh sinh hoạt đời thường, không sân khấu, phông màn, nhạc đệm mà vẫn chất chứa tình người này. Lòng tôi tự nhủ, nếu có dịp tôi nhất định sẽ trở lại đây, nơi có chiếu chèo làm mê đắm lòng người và đã gợi lại bao ký ức trong tôi, vốn là người mê chèo, từng hát chèo khi còn là thành viên của đội văn nghệ Sư đoàn 338 cách đây nửa thế kỷ.
Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến bạn đọc (0)