Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường ở đường 9 Nam Lào năm 1971, chiến dịch Trị Thiên và cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị năm 1972, lòng tin của Mỹ vào sức mạnh quân sự của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã cạn. Ý chí duy trì sức mạnh chính trị áp đảo trên bàn đàm phán Hội nghị Paris của Mỹ đã bị ta đánh bại, buộc chúng phải chấp nhận phương án của ta đưa ra trong dự thảo Hiệp định Paris sẽ được ký kết. Tuy nhiên, sau đó chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sức phản đối bản dự thảo này.
Với bản chất hiếu chiến và tráo trở, Mỹ vừa muốn rút hết quân về nước trong danh dự, lại vừa không muốn mang tiếng là rũ bỏ trách nhiệm với chính thể Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng. Hơn nữa, Mỹ cũng muốn làm giảm đi đáng kể sự hỗ trợ của miền Bắc Việt Nam cho chiến trường miền Nam. Do vậy, Mỹ kiếm cớ đòi chúng ta phải thay đổi nhiều nội dung bản dự thảo Hiệp định sao cho có lợi cho Mỹ - ngụy. Trong đó, có một vấn đề quan trọng nhất là khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng phải rút khỏi miền Nam. Tuy nhiên chúng ta kiên quyết không chấp nhận yêu cầu đó.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên bộ đội phòng không - không quân trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Ngày 14/12/1972, Tổng thống R.Nixon thông qua kế hoạch tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta. Mục tiêu chiến lược lần này là đánh thẳng vào trung tâm đầu não của ta ở Hà Nội, phá hủy đến mức tối đa các mục tiêu quân sự của Việt Nam ở TP Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn… với ý định “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, ép chúng ta phải chấp nhận phương án của Mỹ ở Hội nghị Paris. Cũng trong ngày 14/12, Tổng thống R.Nixon gửi tối hậu thư cho Hà Nội: Trong vòng 72 giờ phải quay lại Hội nghị Paris để ký hiệp định Paris theo phương án của Mỹ. Nếu không Mỹ sẽ ném bom trở lại miền Bắc. Chúng ta vẫn kiên quyết phản đối.
Ngày 18/12/1972, Mỹ chính thức mở chiến dịch Linebacker II - chiến dịch tập kích bằng không quân chiến lược với cường độ cao nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đã huy động 197 trong tổng số 400 máy bay B52 và 1.077 máy bay trong tổng số 3.041 máy bay chiến thuật, 6/7 tàu sân bay vào cuộc tập kích chiến lược này. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã ném xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Lạng Sơn hơn 100 nghìn tấn bom. Nhiều phố xá, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, trường học, nhà ga, bệnh viện bị hủy diệt. 2.368 dân thường thiệt mạng; 1.355 người bị thương...
![]() |
Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. |
Trước khi tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không vào miền Bắc Việt Nam, Mỹ vẫn chủ quan, ngạo mạn tin rằng “Pháo đài bay B52” là không thể bắn hạ. Nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, với tư duy chiến lược đỉnh cao, sự dày dặn kinh nghiệm qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta sớm thấu hiểu âm mưu, thủ đoạn của Mỹ. Ngay từ năm 1967, khi đến thăm Quân chủng Phòng không- Không quân, Bác Hồ đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội, rồi thua thì mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đi đến Bàn Môn Điếm ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chiến thắng trong cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội (12/1972) đưa đến kết cục đế quốc Mỹ bị thất bại, buộc phải ký Hiệp định Paris “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào ngày 27/1/1973, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. |
Mặc dù lúc đó chúng ta chưa có tên lửa phòng không kiểu mới, số lượng máy bay các loại chỉ với 71 chiếc nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dù Mỹ có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh, mà đánh là nhất định phải thắng. Các chú muốn bắt cọp phải vào hang”. Vì thế ngay từ những năm 1968 đến 1972, Việt Nam đã nghiên cứu thử nghiệm để tìm ra cách đánh B52. Tháng 10/1972, chúng ta đã có trong tay cuốn cẩm nang “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa”. Do vậy chúng ta vững tin và chủ động làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” khiến Mỹ bất ngờ và choáng váng. Đòn phủ đầu ngay đêm đầu tiên 18/12, chúng ta đã bắn rơi tại chỗ 3 máy bay B52, hai chiếc khác hư hỏng nặng. Những ngày sau đó, B52 liên tiếp bị bắn hạ. Toàn chiến dịch có tổng số 81 máy bay Mỹ bị bắn hạ, trong đó có 34 chiếc B52. Tổn thất của Mỹ là quá lớn. Uy lực không quân Mỹ bị hạ bệ. Ngày 30/12/1972, Tổng thống R.Nixon lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam; đồng thời đề nghị nối lại đàm phán, chấp nhận ký Hiệp định Paris trên cơ sở những điều khoản đã được thỏa thuận ngày 18/10/1972.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng có một không hai. Bởi lẽ, lịch sử nhân loại cho đến hôm nay ghi nhận duy nhất chỉ có Việt Nam đánh bại B52. Hơn nữa, đã tiêu diệt một số lượng lớn loại máy bay này. Đây là một thắng lợi to lớn của ta được báo chí trong nước, quốc tế dùng hình tượng “Điện Biên Phủ trên không” để nhấn mạnh ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện.
Nửa thế kỷ đã qua, sự kiện đã lùi về quá khứ. Nhưng ý nghĩa, tầm vóc và những bài học lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị để lớp lớp các thế hệ ôn lại, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bài, ảnh: Thân Quang Hoạt - Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)