Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Tạo môi trường làm việc tốt, xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, giỏi nghề
Xin ông đánh giá một số nét chính về tình hình thực hiện chương trình GDPT mới (2018) của ngành Giáo dục Bắc Giang kể từ khi triển khai đến nay?
- Sở GDĐT đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản đáp ứng được việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. |
Đến thời điểm này, dù còn một vài khó khăn nhưng nhìn chung các cơ sở giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên và các cấp quản lý ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn; đồng thời ghi nhận những cách làm sáng tạo, có hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện như: Sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh cho toàn bộ giáo viên dạy chương trình GDPT 2018 cùng dự để học hỏi, rút kinh nghiệm.
Tổ chức kiểm tra và hướng dẫn tại chỗ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục. Giao cho một số cán bộ cốt cán cùng xây dựng kế hoạch giáo dục của các nhà trường để cụ thể hóa những nội dung khó thực hiện trở thành dễ hơn.
Mặc dù vậy, với cấp THCS vẫn còn một số đơn vị tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên chưa đúng với logic của bộ môn do chưa có giáo viên được đào tạo chuyên; mất cân đối giáo viên các bộ môn vật lý, hóa học, sinh học; lãnh đạo nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học chưa linh hoạt. Với cấp THPT, một số tổ hợp môn học có môn nghệ thuật học sinh lựa chọn nhưng chưa được đáp ứng do chưa có giáo viên giảng dạy.
Chương trình GDPT 2018 đổi mới theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đội ngũ nhà giáo phải thay đổi như thế nào để đáp ứng, thưa ông?
- Chương trình này đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh.
Do vậy, trước tiên, giáo viên phải làm quen với việc xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học không chỉ trong khuôn khổ một giờ dạy 45 phút trên lớp mà cần linh hoạt phương pháp: Nâng cao năng lực số để tổ chức dạy học theo hình thức lớp học đảo ngược, dạy học dự án, gắn với các trải nghiệm, mô hình sản xuất, kinh doanh.
Điểm yếu của phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay là đang dạy học theo phương pháp chủ yếu truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho học sinh dẫn đến hoạt động của học sinh là ghi nhớ kiến thức rời rạc, có sẵn, không được vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống.
Như vậy, hoạt động bồi dưỡng giáo viên về năng lực, các kỹ năng cần thiết phục vụ đổi mới phương pháp dạy học sẽ phải tiến hành thường xuyên, tích cực. Chú trọng việc bồi dưỡng qua mạng Internet kết hợp trực tiếp giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hành kỹ năng.
Trao đổi chuyên môn trên nhóm nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm của giáo viên. Xây dựng các tập thể giáo viên thường xuyên học hỏi lẫn nhau, lan tỏa từ đội ngũ giáo viên cốt cán.
Công tác quản lý cần giao quyền chủ động, tạo điều kiện thuận lợi, chú ý phát hiện và động viên kịp thời các sáng kiến, các nhân tố mới; giảm thiểu hoạt động hành chính, hình thức để giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Tăng cường quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ đối với các đơn vị.
Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành phố có làn sóng giáo viên xin thôi việc do áp lực công việc quá lớn, đãi ngộ còn bất cập. Xin ông cho biết tình hình ở Bắc Giang?
- Theo thống kê sơ bộ, từ năm học 2020-2021 đến nay, tổng số giáo viên mầm non và phổ thông toàn tỉnh nghỉ việc, chuyển việc khoảng 180 người. Việc giáo viên chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.
Hiện nay, lương của đội ngũ giáo viên quá thấp so với áp lực công việc, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống khá cao.
Giáo viên Trường THCS thị trấn Tân An (Yên Dũng) trao đổi nghiệp vụ. |
Điều này khiến một số người phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.
Việc đổi mới chương trình GDPT và sách giáo khoa mới khiến công việc của giáo viên ngày càng tăng. Để phục vụ mỗi giờ lên lớp giáo viên phải đọc nhiều bộ sách giáo khoa thay vì một bộ sách như trước.
Đặc biệt, đối với một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) nên cảm thấy bị áp lực; một số thầy cô lớn tuổi, sức khỏe không tốt nên cũng muốn nghỉ sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn.
Áp lực trong mối quan hệ với phụ huynh và học sinh ngày càng nhiều, nhất là giáo viên mầm non. Một số giáo viên được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn thiếu thốn, đường sá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc chăm sóc gia đình. Vì vậy, số giáo viên này chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.
Với Bắc Giang, ngành Giáo dục có biện pháp gì để củng cố, xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
- Để giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc và để xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành tập trung vào một số nội dung sau:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường sư phạm văn hóa, phát huy dân chủ trong trường học và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Khắc phục “bệnh thành tích” và sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này để các cơ sở giáo dục, giáo viên không quá áp lực phải đạt được các thành tích mà điều kiện dạy học chưa phù hợp.
Giảm các thủ tục hành chính nhằm tăng thời gian cho giáo viên chuẩn bị bài dạy. Khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên không phải viết giáo án, tiến tới 100% bài soạn được số hóa, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Tích cực tham mưu với tỉnh, Bộ GDĐT quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành Giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Đặc biệt, đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, ngành tham mưu để tạo cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học.
Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với Bộ Nội vụ bổ sung biên chế đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn 2022-2026 để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và đáp ứng quy mô sĩ số học sinh tăng nhanh. Không thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn tới để giảm áp lực công việc cho giáo viên.
Tham mưu chính sách quy hoạch, tuyển dụng, quản lý, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Kim Hiếu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)