Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Đa dạng hình thức truyền thông, nâng chất lượng dân số
BẮC GIANG - Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được cơ quan chuyên môn của tỉnh, các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thông qua chiến dịch, giúp người dân nâng cao nhận thức, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Triển khai tích cực, kịp thời
Cuối tháng 4 vừa qua, Trạm Y tế xã Tam Dị (Lục Nam) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lục Nam mở chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Trước ngày tổ chức chiến dịch, Trạm Y tế xã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, tổ chức treo băng rôn, phát tờ rơi tại khu vực đông dân cư. Trong chiến dịch, cùng với cung cấp kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn, hướng dẫn và cung cấp miễn phí các biện pháp tránh thai.
![]() |
Cán bộ Trạm Y tế xã Tam Dị (Lục Nam) hướng dẫn người dân về các biện pháp tránh thai hiện đại. |
Với những trường hợp đi làm công nhân, viên chức dân số xã phối hợp với nhân viên y tế thôn đến trực tiếp từng nhà vào các buổi tối để tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp các dịch vụ. Nhờ đó, kết thúc chiến dịch toàn xã có 18 ca đặt vòng tránh thai, 31 trường hợp được cấp bao cao su, thuốc tránh thai miễn phí, 15 phụ nữ được khám phụ khoa. Chị Nguyễn Thị Cảnh, trú tại thôn Đông Thịnh chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã có hai cháu gái và không có ý định sinh thêm em bé. Được cán bộ Trạm Y tế xã tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp tránh thai an toàn, tôi đã lựa chọn biện pháp phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”.
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 theo Quyết định số 1848, ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Giai đoạn 2021-2024, cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức 42 hội nghị truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho hơn 6 nghìn lượt đối tượng.
Trong các đợt chiến dịch truyền thông, cơ quan chuyên môn thực hiện siêu âm tử cung, phần phụ cho hơn 4,8 nghìn người; khám phụ khoa cho hơn 1,6 nghìn người, cấp phát gần 456 nghìn vỉ thuốc tránh thai các loại… Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương triển khai chiến dịch linh hoạt, bảo đảm các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tiếp cận các dịch vụ thuận tiện, chất lượng. Đến nay, 100% trạm y tế đủ cán bộ và trang thiết bị y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cơ bản.
Chị Nguyễn Thị Thủy, viên chức dân số xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) chia sẻ: “Do hơn 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp nên hình thức truyền thông được chúng tôi linh hoạt thực hiện. Thay vì tổ chức các hội nghị quy mô lớn, chúng tôi chủ động nắm bắt, rà soát để tuyên truyền theo từng nhóm nhỏ vào các buổi tối, ngày nghỉ, mỗi nhóm 3-5 người. Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của xã luôn duy trì trên 70%”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ
Thống kê của Sở Y tế, đến nay, các chỉ tiêu cơ bản trong chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của tỉnh đều đạt, vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025. Trong đó có hơn 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; hơn 75% cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; 100% nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố cung ứng được các biện pháp tránh thai phi lâm sàng…
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm hơn 73 nghìn người áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 78,9% kế hoạch và bằng 100,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó có gần 37,4 nghìn người sử dụng thuốc uống tránh thai, hơn 32,2 nghìn người sử dụng bao cao su; còn lại đặt dụng cụ tử cung, sử dụng thuốc cấy, thuốc tiêm tránh thai… |
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Nam cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông cũng như cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho viên chức dân số và nhân viên y tế thôn, tổ dân phố. Chúng tôi xây dựng lịch cụ thể, bảo đảm mỗi ngày có từ 1-3 xã, thị trấn tổ chức chiến dịch”.
Nhằm duy trì, nâng kết quả thực hiện các chỉ tiêu, trong kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, phát triển mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; củng cố, nâng cao kỹ thuật cung cấp dịch vụ và kỹ năng truyền thông, tư vấn cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở.
Cụ thể hóa chỉ đạo này, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế tổ chức 6 hội nghị truyền thông về chính sách, pháp luật về dân số, công tác dân số trong tình hình mới, bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho gần 750 đại biểu là hội viên hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên và thành viên ban dân số các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Yên và thị xã Việt Yên.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và chất lượng dân số (đợt 1). Trong chiến dịch, toàn tỉnh có thêm hơn 73 nghìn người áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 78,9% kế hoạch và bằng 100,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó có gần 37,4 nghìn người sử dụng thuốc uống tránh thai, hơn 32,2 nghìn người sử dụng bao cao su; còn lại đặt dụng cụ tử cung, sử dụng thuốc cấy, thuốc tiêm tránh thai…
Bà Hà Minh Thu, Phó trưởng Phòng Dân số và Trẻ em (Sở Y tế) cho biết: “Do tâm lý của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hay ngại tiếp xúc, ngại nói về sức khỏe sinh sản nên trong hoạt động cung cấp các dịch vụ, chúng tôi trực tiếp về cơ sở để nắm bắt tâm tư và chia sẻ kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản với chị em. Khi nhận thức nâng cao, cơ quan chuyên môn sẽ dễ dàng trong tiếp cận tư vấn và triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình”.
Ý kiến bạn đọc (0)