Bản du lịch cộng đồng Thái Hải (Thái Nguyên) níu chân du khách không chỉ bởi sắc xanh ngút mắt, những nếp nhà sàn thấp thoáng giữa đại ngàn, mà còn bởi nhịp sống cộng đồng thấm đẫm yêu thương. Giữa không gian ấy, bước qua chín bậc tình yêu – biểu tượng của sự gắn kết và trưởng thành – người lữ khách mới thực sự cảm nhận được sức sống mới của sẻ chia, đồng lòng và niềm tin bền bỉ giữa con người với nhau.
Nếu hỏi tôi nơi nào đã khiến tôi ngỡ ngàng và xúc động sâu sắc, tôi sẽ không ngần ngại nhắc đến bản Thái Hải. Tôi đã từng đắm mình ở Sin Suối Hồ (Lai Châu) – bản tình ca của hoa và những nụ cười, cũng từng chạm đến sự mộc mạc của bản Ven, bản Bắc Hoa (Bắc Giang). Nhưng Thái Hải mang đến cho tôi một cảm xúc rất khác…
Ngày cuối tuần, các bạn đồng nghiệp Báo Thái Nguyên đưa chúng tôi tới thăm bản Thái Hải. Xe vừa dừng lại trước cổng, chúng tôi như chìm ngay vào không gian xanh mát, và đâu đó vang lên tiếng mõ: một hồi, một tiếng. Âm thanh giản dị mà lạ lẫm khiến cả đoàn thoáng ngỡ ngàng, chưa kịp hiểu hết ý nghĩa…
Đón chúng tôi là noọng (em) Hằng – cô hướng dẫn viên trẻ trung. Nụ cười rạng rỡ, Hằng giải thích: Ở Thái Hải, một hồi, một tiếng mõ là tín hiệu báo cả làng biết có khách quý tới thăm. Khách, với người Thái Hải, không phải là người lạ, mà là người thân, là anh em đi xa trở về nhà.
Chỉ một âm thanh mộc mạc ấy, qua lời giải thích mộc mạc đã làm lòng tôi xao động. Như thể ngay khoảnh khắc đầu tiên, bản làng này đã khẽ mở rộng vòng tay đón chúng tôi bằng tất cả sự sẻ chia và tin yêu.
Chúng tôi theo bước Hằng trên con đường nhỏ rợp bóng cây, đến bên giếng đá cổ giữa bản. Mặt giếng trong veo. Tôi cúi xuống để dòng nước mát rượi chảy qua kẽ tay, như đang gột rửa hết những bụi bặm phố thị, rũ bỏ những bộn bề còn vương lại trong lòng.
Hằng mỉm cười, nói: Việc rửa tay bên giếng không chỉ là thói quen vệ sinh. Đó là một nghi lễ thanh tẩy tâm hồn, như một cách gửi lời xin phép thiên nhiên trước khi bước vào không gian sống chung, nơi con người và cây cỏ cùng hít thở một nhịp, tự nhiên như hơi thở.
Chúng tôi cùng đi sâu vào trong bản. Khung cảnh mở ra trước mắt giản dị mà đẹp đến nao lòng. Không có những công trình bê tông hóa giả cổ. Không có những khu "check-in" dựng vội cho hợp mốt.
Chỉ có những nếp nhà sàn mái cọ nguyên bản, ẩn hiện bên vườn rau xanh mướt, bên những gốc chuối, hàng rào tre. Đường làng nhỏ lát bê tông, sạch bong, mềm mại uốn lượn dưới những tán cây xòe rộng.
Hoa chuối, hoa rừng nở đỏ rực bên lối đi như những đốm lửa nhỏ thắp sáng bản làng bình yên.
Mỗi bước chân đi qua, tôi như cảm nhận được nhịp đập tự nhiên của đất, của người - chậm rãi mà đầy sinh khí.
Hằng vừa đi vừa kể: "Ở đây, hơn 150 người cùng sống, cùng lao động, cùng ăn ở. Ai cũng có việc làm, ai cũng được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương."
Sáng ra, bản thức dậy trong tiếng chim hót, tiếng cười trẻ nhỏ tung tăng tới trường. Người lớn mỗi người một việc: trồng rau, chăm thuốc Nam, đón khách du lịch, chế biến những món ăn dân dã.
Đến bữa, cả bản quây quần bên khu nhà ăn chung. Mâm cơm giản dị mà ấm áp với gà nướng mắc mật thơm lừng, cá suối nướng vàng ươm, rau rừng xanh mướt, cơm nếp dẻo thơm nồng.
Cuộc sống nơi đây nhộn nhịp mà không ồn ào, yên bình mà chẳng hề tẻ nhạt. Mỗi người một nét riêng, một sắc màu, nhưng tất cả hòa vào nhau trong một ngôi nhà chung rộng lớn, ngăn nắp và tràn đầy sức sống.
Suốt hành trình khám phá bản, tôi luôn nghe Hằng và người dân trong bản nhắc đến "Bà em" với sự tôn kính, biết ơn sâu sắc.
"Bà em" – cách gọi mộc mạc, thân thương ấy – chính là bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người đã sáng lập và gây dựng nên bản du lịch cộng đồng Thái Hải từ hàng chục năm trước.
Trong nắng sớm dịu nhẹ, giữa không gian thanh bình, Hằng vừa dẫn tôi đi vừa kể: Ngày ấy, khi văn hóa truyền thống người Tày đứng trước nguy cơ mai một, bà Hải đã quyết định thế chấp toàn bộ tài sản để mua lại 30 nếp nhà sàn cổ. Không quản gian khó, suốt 700 ngày ròng, bà cùng người dân cõng từng cây cột, từng viên ngói vượt qua 60 cây số đường rừng gập ghềnh, mang về dựng lại trên vùng đồi ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên.
Hằng chỉ tay về phía những mái nhà cọ lấp ló sau rặng cây: "30 căn nhà sàn được dựng nên từ bàn tay Bà em và dân bản đấy anh ạ. Mái cọ, cột gỗ đều làm theo triết lý âm dương ngũ hành, giữ nguyên hồn cốt của tổ tiên."
Những năm đầu, cuộc sống ở bản vô cùng khó khăn. Nhưng bà Hải không nản lòng. Hằng kể rằng có lúc bà tự tay đào đất, cõng con lên rừng trồng cây. Chính sự bền bỉ, kiên trì và tấm lòng bao bọc ấy đã vun đắp niềm tin vững chắc cho cả bản làng. Từ một vùng đất nghèo xác xơ, dưới bàn tay và tấm lòng của "Bà em", Thái Hải dần hồi sinh thành một bản làng yên bình, trù phú.
Hằng ngẩng lên, mắt ánh lên niềm tự hào: "Bà em dặn chúng em phải sống tử tế, làm việc tử tế, giữ lấy những gì ông bà tổ tiên để lại và cùng nhau xây dựng một mái nhà chung, không ai bị bỏ lại."
Tôi lặng nhìn quanh bản, lòng trào dâng một cảm giác ấm áp khó tả. Một ngôi làng sinh thái, một trường học lớn về tình người, một chốn đi về của những tâm hồn biết trân trọng cội nguồn – tất cả khởi nguồn từ một tấm lòng nhân ái, kiên định và bao dung như thế.
Theo bước Hằng, tôi ghé thăm từng nếp nhà sàn lấp ló dưới những tán cây xanh rợp bóng. Mỗi ngôi nhà ở Thái Hải không chỉ là nơi ở, mà như những trang sách kể chuyện, chầm chậm mở ra trước mắt người lữ khách. Nhà Ke Liêm, nơi chế biến thuốc Nam, đón chúng tôi bằng hương lá ngai ngái phảng phất trong gió. Tôi được mời một chén trà mát gan, thứ nước vàng như mật, ngọt lành như tấm lòng người bản. Hằng cười bảo, mỗi bài thuốc nơi đây là kết tinh của những mùa rừng, là tri thức thầm lặng mà ông cha để lại, được gìn giữ như báu vật giữa đời thường.
Ngay bên cạnh, nhà Ke Đang hiện ra mộc mạc với những hàng bình rượu ngâm từ ba kích, nấm linh chi, chuối hột… xếp ngay ngắn, nhãn ghi tay cẩn thận như những kỷ vật của núi rừng. Hằng kể rằng mỗi bình rượu không chỉ là vị thuốc quý, mà còn là ký ức của một mùa rừng được lưu giữ bằng tất cả sự nâng niu. Ở nơi này, sản phẩm du lịch không phải là thứ gì cầu kỳ tô vẽ, mà chính là cuộc sống thực: lao động thực, sẻ chia thực, yêu thương thực.
Rẽ thêm một lối nhỏ, chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà cầu nguyện, nơi treo 2.022 quả cầu ước nguyện đủ sắc màu đung đưa trong gió. Mỗi quả cầu là một điều ước nhỏ bé, giản dị mà sâu sắc của những vị khách bốn phương từng đặt chân tới bản. Khi nắng sớm chiếu qua, những quả cầu ánh lên lấp lánh, như những giấc mơ đang thì thầm cùng thiên nhiên.
Bước chầm chậm qua sân bản, tôi dừng lại trước một căn nhà sàn có chín bậc cầu thang gỗ đã mòn bóng theo dấu thời gian. Hằng mỉm cười, bàn tay khẽ chỉ: "Đây là chín bậc tình yêu…" Tôi đã từng nghe bài hát Chín bậc tình yêu rất nhiều lần, từng ngân nga ca từ bay bổng ấy, nhưng hôm nay, lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt chạm vào những bậc thang hiện hữu – từng bậc, từng vết mòn như in dấu biết bao tháng năm. Đặt chân lên bậc thang đầu tiên, tôi bất giác nhớ đến câu hát: "Những bước đi đầu tiên, mẹ dìu lên từng bậc."
Chín bậc – chín cung bậc cảm xúc – dẫn lối bước chân, dẫn lối tâm hồn, đưa ta từ quá khứ đến hiện tại, từ tuổi thơ đến những ước vọng của đời người. Một khoảnh khắc rất đỗi bình dị mà tôi biết, mình sẽ còn mang theo mãi.
Theo bước Hằng, từ tiếng mõ đầu bản, làn nước mát lạnh giếng cổ, tôi đi qua những nếp nhà sàn kể chuyện và dừng lại trước chín bậc tình yêu mòn bóng dấu thời gian. Một Thái Hải hiện ra trước mắt tôi – nguyên sơ, mộc mạc mà đầy sức sống bền bỉ.
Hằng vừa dẫn lối vừa kể, không cần lời hoa mỹ, chỉ bằng những điều rất thật: những công việc mỗi ngày, những bữa cơm chung mộc mạc, những ánh mắt thanh thản giữa thiên nhiên. Tôi lặng lẽ quan sát, lặng lẽ so sánh. Không có sự hào nhoáng được bày vẽ, không có những công trình bê tông giả cổ. Chỉ có những bàn tay khéo léo sắp xếp cuộc sống một cách ngăn nắp, chuyên nghiệp mà vẫn giữ trọn sự mộc mạc, chân tình của bản sắc.
Ở Thái Hải, sản phẩm du lịch không phải là những sân khấu dựng lên để trình diễn, mà chính là cuộc sống thực, thở thực mỗi ngày, nơi từng bước chân, từng hơi thở đều chan chứa yêu thương và tin tưởng.
Theo các bạn đồng nghiệp Báo Thái Nguyên, bản Thái Hải đón hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm, từ khắp các vùng miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Với sức chứa hơn 1.200 khách cùng lúc, Thái Hải thu hút bởi cảnh sắc, ẩm thực và bởi cách sống: chân thành – tử tế – yêu thương – đồng lòng.
Năm 2022, bản được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới" – một danh hiệu xứng đáng cho những giá trị sống đã âm thầm bồi đắp suốt hơn hai thập kỷ. Tên gọi Thái Hải đã ghi dấu trên bản đồ du lịch cộng đồng thế giới bằng chính những giá trị bền vững ấy: không màu mè, không phô trương, mà lặng lẽ tỏa hương như một nhành hoa rừng.
Khi bóng chiều nhè nhẹ phủ xuống những nếp nhà sàn mái cọ, tôi bước chậm qua sân bản, lắng nghe tiếng gió xào xạc trên những tán cây, ngắm những nụ cười ấm áp trong ánh hoàng hôn. Không cần hỏi thêm, tôi đã thấu hiểu: ở đâu có yêu thương và tin tưởng, ở đó có sức mạnh – thứ sức mạnh âm thầm mà bền bỉ, đủ để gìn giữ một bản làng, một cộng đồng, một giấc mơ sống chung giữa thiên nhiên.
Tôi tự hứa sẽ còn trở lại Thái Hải – không chỉ để uống thêm một chén trà mát gan, không chỉ để lắng nghe thêm một tiếng mõ ngân xa, mà để sống chậm lại, sống sâu hơn giữa ngôi nhà lớn thấm đẫm tình yêu thương và niềm tin vững bền – nơi mà mỗi bước chân qua đều thấy đất trời đang mỉm cười.
Ý kiến bạn đọc (0)