Cấy lúa - nuôi cua: Phương thức canh tác theo hướng hữu cơ
Vừa thu lúa, vừa có cua
Dịp này, hơn 7 ha lúa BC 15 của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chiêm, thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được thu hoạch. So với chân ruộng xung quanh, lúa của nhà anh khác hẳn, bông dài, hạt mẩy, năng suất đạt gần 3 tạ/sào, cao gấp 1,5 lần so với lúa KD18. Đặc biệt, trong gần chục phút, anh Chiêm mò trong ruộng là được vài kg cua.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đại biểu thăm mô hình cấy lúa-nuôi cua tại thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng (Lục Nam). |
Anh chia sẻ, năm nay là lần đầu tiên gia đình anh cấy lúa sử dụng hoàn toàn thuốc thảo mộc trong phòng, trừ sâu bệnh do nhà khoa học Nguyễn Tiến Ky hướng dẫn, hỗ trợ vật tư. Cùng đó, anh bón phân hữu cơ đa vi lượng nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Đáng chú ý, dùng thuốc thảo mộc, lúa cứng cây, sạch bệnh. “Trước đây, để phun thuốc trừ sâu bệnh cho 7 ha lúa, hai vợ chồng tôi phải mất hai ngày. Mỗi khi phun xong thường bị đau đầu, chóng mặt do hít hơi thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, năm nay có thuốc thảo mộc, tôi chỉ làm một ngày là xong”.
Sau khi cấy lúa được 30 ngày, anh Chiêm dùng thảo mộc Aniaf SH-01. Thuốc giúp cây xua đuổi côn trùng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Để khẳng định thuốc an toàn, anh Chiêm thả 20 kg cua giống vào khu vực cấy lúa. Đến nay thu được hơn 30 kg cua và vẫn còn một lượng nữa trong ruộng, dự kiến dành lại để làm giống cho vụ sau. Vụ mùa này anh tiếp tục cấy lúa sử dụng thảo mộc bởi đây mới là mô hình an toàn giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình. “Bằng cảm nhận của bản thân, tôi thấy khỏe khoắn khi dùng Aniaf SH-01 trong chăm sóc lúa. Ngoài lúa cho năng suất cao, cua cũng sinh sôi nhanh, tăng đàn”, anh Chiêm nói.
Hoàn thiện quy trình, nhân ra diện rộng
Theo nhà khoa học Nguyễn Tiến Ky, ưu điểm của chế phẩm sinh học Aniaf SH- 01 là thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc thảo mộc, an toàn cho người và cây trồng. Thuốc không gây hại cho môi trường đất, nước, không khí. Dùng thuốc thảo mộc ổn định hằng năm giúp cho cây tăng cường sức đề kháng, lượng thuốc sử dụng sẽ ngày một giảm qua các năm kế tiếp. Mặt khác, khi canh tác bằng biện pháp sinh học, sinh vật có ích sẽ được tạo điều kiện sinh sống và phát triển, góp phần cân bằng sinh thái tự nhiên.
Trước đó, Anisaf SH-01 thử nghiệm thành công trên cây cam, vải thiều của Bắc Giang và một số vùng lân cận. Kết quả đều được cơ quan chức năng kiểm chứng thông qua xét nghiệm, phân tích sản phẩm.
Thăm thực tế mô hình sản xuất sử dụng thuốc thảo mộc cấy lúa-nuôi cua, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, ý tưởng ban đầu, hướng đi an toàn sinh học là rất đúng, trúng trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, đơn vị chuyên môn của huyện Lục Nam cần tiếp tục xây dựng mô hình một cách bài bản, hoàn thiện quy trình, hạch toán kinh tế cụ thể để nhân ra diện rộng.
Mô hình nuôi cua-cấy lúa lần đầu tiên được triển khai tại địa bàn tỉnh. Đây là mô hình mới, nếu được nhân rộng sẽ mở ra hướng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Không những thế, đòi hỏi của mô hình này là sản xuất phải “sạch” thì cua mới sống được. Như vậy, sử dụng thảo mộc trong cấy lúa giúp người sản xuất có sản phẩm an toàn và môi trường được bảo vệ.
Sử dụng thuốc thảo mộc trong chăm sóc lúa, anh Chiêm còn thu được nhiều cua. |
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng xây dựng mô hình sản xuất gia súc, gia cầm, thủy sản hữu cơ. “Có thể thấy, chúng ta đã đi một vòng để sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng thì nay lại quay về phương thức an toàn như ngày xưa nhưng đòi hỏi ở trình độ cao hơn, bài bản hơn. Vì thế, tỉnh ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhân rộng các mô hình an toàn sinh học”- ông Dương Thanh Tùng thông tin.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)