Cây gạo Lãng Sơn sẽ không cô đơn
Trái tim văn hoá một vùng quê
Chiều dần buông, những tia nắng không còn đủ chói chang đổ xuống khiến cây gạo bên triền đê Lãng Sơn trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Sừng sững cạnh miếu Cô, bên dòng sông Thương thơ mộng, xa xa là dãy Phượng Hoàng huyền thoại, mỗi mùa hoa về, cây gạo bung những bông hoa đỏ thắm như chiếc vương miện cháy rực trên khoảng trời quê, làm tan đi cái rét nàng Bân còn sót lại, mang đến cho du khách một cảm giác ấm áp, yên bình.
Cây gạo Lãng Sơn. |
Gần 70 năm sinh sống ở đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Tân Mỹ tự hào: Với người dân chúng tôi, cây gạo song sinh gắn liền với sự tích miếu Cô cũng là cây bóng mát bao đời, là chỗ nghỉ ngơi mỗi khi bà con đi làm đồng. Trong tiết trời mùa hè, ngồi tựa mình bên gốc cây gạo vừa đẹp, cổ kính, vừa linh thiêng cho chúng tôi cảm giác thư thái giữa bộn bề của cuộc sống.
Theo người dân nơi đây, cây gạo tồn tại ngót trăm năm đã chứng kiến biết bao mưa nắng của thời gian, thăng trầm của lịch sử, trở thành ký ức của nhiều thế hệ người dân Lãng Sơn. Các cụ cao niên kể lại: Bà Cô là một vị tướng lĩnh của ông Đề Thám đã đưa quân bảo vệ khu phủ Lạng Thương. Trận đánh đó bị thất bại, bà bị giặc bao vây truy đuổi nên chạy đến cầu Bắc Giang. Quyết không để địch bắt sống, bà đã trẫm mình xuống sông Thương. Xác bà trôi dạt vào khu vực nghè bây giờ và được nhân dân chôn cất, đặt tên là miếu bà Cô.
Tương truyền, tàu thuyền qua lại nơi này nếu không tắt máy, hạ buồm là không qua nổi nên nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ bà Cô bằng tre bốn cột, mặt bàn thờ bằng nứa ở một hốc cây đa. Khoảng năm 1923, nghè mọc thêm cây ruối và cây gạo. Năm 1978, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhân dân đã chặt cây gạo để làm bàn ghế cho học sinh trong xã, từ đó gốc cây gạo chồi lên hai nhánh như bây giờ. Năm 2017, thôn tiến hành xây mở rộng nghè với mái bằng gỗ lim và lợp ngói. Từ đó đến nay, nghè trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài vùng.
Ba năm trở lại đây, mỗi độ tháng Ba về, cây gạo Lãng Sơn lại thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Nhiều du khách ở tỉnh ngoài xa xôi cũng lặn lội về chỉ mong có một vài tấm hình kỷ niệm dưới cây gạo rực đỏ. Ngày nghỉ, chị Vũ Thị Thu Hằng, cán bộ TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) thường đưa máy ảnh đi khắp nơi để sáng tác. Biết tiếng cây gạo ở Lãng Sơn, chị đã đến đây trong một buổi chiều tà và thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đến nao lòng.
Huyện Yên Dũng phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh. Bên cạnh các địa điểm như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; sân golf và dịch vụ Yên Dũng…, cây gạo Lãng Sơn cũng là một tiềm năng để huyện quan tâm phát triển du lịch theo hướng văn hóa cộng đồng". Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng |
Chị cho biết: “Khác với các cây gạo đầu làng, đầu thôn hay bãi đất trống khác, bao quanh cây gạo Lãng Sơn là cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, là dòng sông thơ mộng. Từ xa nhìn về nơi ấy, thấy cây gạo đỏ rực, nổi bật trên nền trời xanh, tôi có cảm giác như hồn quê hút hết vào đó, vừa yên bình, vừa có gì đó rất sâu thẳm, da diết. Tôi luôn ám ảnh đến hình ảnh người dân nơi đây đi xa, chắc chắn khi ngoái lại làng sẽ nhìn thấy “chấm đỏ” ấy xa dần để rồi da diết thương nhớ quê hương”. Cây gạo mỗi năm chỉ thắp đỏ một lần. Cây gạo còn đó, hồn quê còn đó - như trái tim văn hóa của quê hương.
Mở rộng không gian trải nghiệm
Nắm bắt được lợi thế này, trên cơ sở Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và huyện Yên Dũng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lãng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đầu tư xây dựng, tôn tạo và phát triển khu cây gạo miếu Cô trở thành một điểm du lịch cộng đồng gắn với di tích tâm linh, nét văn hóa đặc thù như nói tức làng Đông Loan, không gian nghệ thuật nghề mộc mỹ nghệ Đông Thượng, các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của xã. Từ điểm cây gạo cũng dễ dàng kết nối các tuyến du lịch của huyện đến chùa Vĩnh Nghiêm (cách khoảng 4 km); Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, sân golf và dịch vụ Yên Dũng (khoảng 10 km) và nhiều địa điểm du lịch tâm linh khác trên dãy Nham Biền núi Non Vua huyền thoại.
Ông Vũ Trí Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết: Theo Đề án, địa phương sẽ đầu tư nâng cấp khu vực này. Cụ thể, sẽ tạo dựng không gian đệm là vườn hoa, cây xanh xung quanh cây gạo. Trồng thêm hàng cau ở khu vực đường vào khu miếu Cô. Dành một phần diện tích đất để trồng sen, đồng thời tạo dựng cảnh quan quanh hồ sen như: Làm cầu tre, chòi tre để chụp ảnh sẽ tiếp tục thu hút khách vào các tháng 5,6,7. Quy hoạch bãi trồng hoa hướng dương. Làm cầu hình elip khuyết ra sông, bố trí 5 con đò lượn dịch vụ dưới sông Thương.
Ngoài ra còn có chương trình trải nghiệm; bố trí gian hàng ẩm thực Yên Dũng; làm lều quán lợp rơm rạ, tường tre, dựng cây đu, tạo không gian làng quê yên bình, thư thái... Cùng đó, nghiên cứu tạo dựng không gian nghệ thuật, văn hóa vùng miền như tìm hiểu nét văn hóa nói tức làng Đông Loan; nghệ thuật chạm khắc gỗ Đông Thượng. Ngoài ra còn xây dựng khu vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao để khách tham quan. Đặc biệt sẽ nghiên cứu sản phẩm du lịch địa phương với đồ lưu niệm là hình cô gái cầm nón lá bên cây gạo miếu Cô để trang trí bàn làm việc; khắc gỗ móc treo khóa xe tại nghề làng mộc Đông Thượng. Ông Tạ Văn Nam, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Mỹ cho biết: Chúng tôi đã họp bàn với người dân để thông tin bước đầu về Đề án phát triển du lịch cây gạo miếu Cô, được người dân đồng tình ủng hộ.
Trước mắt vào đầu năm 2021, xã Lãng Sơn sẽ tổ chức Lễ hội hoa gạo gắn với sự kiện đón Bằng công nhận cây gạo là cây di sản. Hy vọng khi triển khai, nơi đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn du khách muốn trải nghiệm miền quê; địa điểm cây gạo sẽ đón nhiều du khách rải rác trong năm chứ không phải mỗi mùa tháng Ba. Như vậy, hết mùa hoa, cây gạo sẽ không còn cô đơn.
Ý kiến bạn đọc (0)