Cao điểm giải phóng mặt bằng KCN Yên Lư (Yên Dũng): Biến khó thành dễ
Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chia sẻ về thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Yên Lư (gọi tắt là dự án KCN Yên Lư).
Kiểm điểm tiến độ hằng tuần
Dự án KCN Yên Lư có quy mô khoảng 377 ha thuộc xã Yên Lư (Yên Dũng). Theo kế hoạch, khâu GPMB được chia làm 3 giai đoạn do UBND huyện Yên Dũng chủ trì. Đợt 1, hoàn thành 150 ha trước 15/10/2022; đợt 2 là 120 ha, xong trước 30/7/2023; đợt 3 là 107 ha, hoàn thành trước 30/1/2024.
Phối cảnh KCN Yên Lư. |
Xuyên suốt dự án, đồng chí Hoàng Văn Thanh hằng ngày đều nắm bắt phần việc về GPMB KCN Yên Lư. Chiều tối một ngày giữa tháng 9, lấy trong tập tài liệu một số cuốn sổ giao ruộng đất đã ngả vàng, cũ nát từ năm 1992, đồng chí chia sẻ với phóng viên: “Đây là một tư liệu quý, đã giúp huyện xác định được nguồn gốc nhiều thửa đất. Rất may, một số thôn còn lưu được, huyện đã thu thập lại, qua đó giải quyết kiến nghị của nhiều trường hợp, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Với phương châm thu hút nhà đầu tư chiến lược, là nơi tập đoàn lớn ưu tiên lựa chọn “làm tổ”, huyện Yên Dũng xác định GPMB KCN Yên Lư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH của huyện, tỉnh”.
Quá trình triển khai trên địa bàn, cũng như nhiều địa phương khác, Yên Dũng có nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ khiến biểu tiến độ đề ra về GPMB của huyện không đạt. Đó là người dân chưa đồng thuận phương án đền bù; một số hộ cố tình gây khó và đưa ra những đơn giá bất hợp lý; nguồn gốc đất không rõ ràng, mất nhiều thời gian để xác minh.
Với quyết tâm sớm có mặt bằng đón nhà đầu tư, huyện phát động đợt cao điểm GPMB KCN Yên Lư trong tháng 8, 9, 10, tăng cường lực lượng, cử cán bộ có kinh nghiệm đặc trách ngày ngày “ăn nằm” ở cơ sở để theo sát tình hình thực hiện dự án.
Hằng tuần, huyện tổ chức kiểm điểm tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan từng trường hợp để cùng gỡ vướng. Đặc biệt, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực vận động gia đình, người thân hiểu, đồng thuận thực hiện công tác GPMB.
Không để chậm trễ
Thời hạn bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 xây dựng hạ tầng KCN Yên Lư không còn dài nên huyện Yên Dũng đang dồn lực, tập trung cao cho công tác GPMB. Để “biến khó thành dễ”, Yên Dũng chú trọng tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích dự án mang lại.
Cán bộ huyện Yên Dũng, xã Yên Lư giải thích cho người dân về chính sách thu hồi đất. |
Cán bộ tham gia GPMB gần như không có ngày nghỉ, bất kể thời gian, nắng, mưa, họ đến từng nhà vận động nhằm sớm nhận được sự đồng thuận của người dân. Tháng 9 mùa thu, bầu trời trong vắt nhưng thi thoảng xuất hiện mưa lớn. Mặc cho thời tiết không thuận lợi, tổ GPMB vẫn đội mưa kiên trì đến từng hộ dân chưa nhất trí để thuyết phục. Một nhóm khác trực ở nhà văn hóa thôn, sẵn sàng kinh phí chi trả cho người dân.
Tại thôn Yên Hồng, một trong những địa phương có diện tích thu hồi lớn, nhiều người đến ký hồ sơ, phấn khởi nhận tiền. Bà Dương Thị Hằng, người dân trong thôn nói: “Thu nhập chỉ trông vào cấy lúa, trồng màu nên ban đầu nghe Nhà nước thu ruộng tôi lo lắm.
Được cán bộ giải thích khi dự án được triển khai, công nghiệp về làng, con em không phải đi xa kiếm việc làm nên yên tâm hơn. Có khoản bồi thường hơn 400 triệu đồng, tôi làm sổ tiết kiệm và dành cho một số việc khác để ổn định cuộc sống”.
Tưởng chừng mọi việc sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, vậy mà lát sau, một người phụ nữ trung tuổi đội nón đến gặp cán bộ GPMB giọng xoang xoảng, vung tay nói như quát: “Các anh chị làm thế mà được à. Tôi không đồng ý, tôi sẽ đi hỏi trên tỉnh, rồi cả trung ương về thu đất của dân…”.
Trước tình huống này, cán bộ GPMB bình tĩnh, hỏi rõ sự việc. Chẳng là gia đình này (hộ bà L) có 8 thửa ruộng trong diện thu hồi nhưng đợt này, huyện mới phê duyệt phương án chi trả đối với 7 thửa. Nhất định không chịu nhận tiền vì cho rằng xã đã loại một thửa ra, bà có nguy cơ mất tiền.
Là người có kinh nghiệm lâu năm, trải qua nhiều vị trí công tác ở các phòng, ban của huyện nay là Bí thư Đảng ủy xã Yên Lư, Tổ trưởng Tổ GPMB xã Yên Lư, đồng chí Nguyễn Hà Giang trực tiếp giải thích cặn kẽ cho bà L. Do một thửa của bà L cần thêm thời gian để xác minh nguồn gốc đất, chứ không phải không thu hồi thửa đó. Nếu không làm đúng quy định dễ dẫn đến sai sót, tổ GPMB sẽ có khuyết điểm… Cán bộ vừa giải thích, vừa ân cần hỏi thăm hoàn cảnh, trò chuyện, cuối buổi chiều bà L cũng đồng ý nhận tiền.
Theo chân tổ GPMB của huyện, xã Yên Lư, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều vụ việc và càng cảm thông hơn đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ này. Vừa dựng chiếc xe máy xuống sân, cán bộ chưa kịp chào thì một chủ nhà tại thôn Yên Hồng cau mày, giọng lanh lảnh: “Các anh chị có vào cả tháng chúng tôi vẫn phản đối, đừng đi nữa cho mất công”.
Chưa mở lời mà như bị dội “gáo nước lạnh”, cán bộ vẫn đến hỏi chuyện với người dân một cách hóm hỉnh. Tiếng nói pha lẫn tiếng cười, một hồi lâu sau, chủ nhà cũng xuôi, hứa sẽ bàn bạc thêm với người thân để ký hồ sơ.
“Quá trình GPMB, chúng tôi gặp phải muôn tình huống, có người còn nặng lời, xúc phạm đuổi cán bộ. Không vì thế mà chúng tôi nản lòng, luôn đặt mình vào vị trí người dân để suy xét, làm sao để mang lại lợi ích nhất cho họ; linh hoạt ứng phó, nắm bắt tâm tư của người dân sẽ từng bước gỡ được nút thắt trong GPMB”- đồng chí Nguyễn Hà Giang tâm sự.
Nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Yên Dũng GPMB được 40% diện tích kế hoạch đề ra giai đoạn 1.
Lãnh đạo thôn Long Trường Vân, xã Yên Lư phối hợp rà soát từng thửa ruộng của người dân. |
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, thành viên Tổ GPMB huyện thông tin, nhiều vướng mắc trong GPMB đã được tháo gỡ nhưng hiện nay vẫn còn một số kiến nghị phải giải quyết như: Về chi trả kinh phí cho định suất đào tạo nghề/lao động trước khi chi trả bồi thường đất; một số trường hợp phải đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sai tên, tên đệm; lập thủ tục thừa kế đối với chủ hộ đã mất.
Với khát vọng đổi mới, vươn lên, Yên Dũng đang dồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng về GPMB KCN Yên Lư. Nhất quán chỉ đạo, quyết tâm cao, tin tưởng rằng tương lai không xa, miền quê vốn chỉ cấy lúa, trồng màu này sẽ trở thành vùng đất sôi động, tạo bước đột phá về thu nhập, mức sống của bà con sở tại |
Trên cơ sở đó, Tổ GPMB huyện xây dựng biểu tiến độ chi tiết, lịch làm việc cụ thể để kiểm kê, rà soát hồ sơ...
"Chúng tôi xác định, giải pháp quan trọng khắc phục khó khăn này vẫn là tăng cường đối thoại, vận động, giải thích rõ các quy định của pháp luật, các văn bản liên quan đến công tác GPMB để người dân hiểu", ông Hùng nói.
Song song với tuyên truyền, kinh nghiệm nữa trong GPMB của huyện Yên Dũng là phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tại thôn Long Trường Vân, toàn bộ 47/47 hộ trong thôn đều được nhận tiền thưởng GPMB trước hạn.
Kết quả ấy là do lãnh đạo thôn, đảng viên trong thôn bên cạnh giải thích các chế độ chính sách của Nhà nước liên quan đến các nội dung kiến nghị của các hộ dân còn đi đầu ủng hộ dự án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Nhờ đó các hộ hiểu, chấp hành quyết định thu hồi đất phục vụ dự án. Bà Tạ Thị Kết, người dân trong thôn năm nay 75 tuổi bộc bạch: “Thấy cán bộ đi trước, người dân trong thôn mới tin tưởng để làm theo”.
Với khát vọng đổi mới, vươn lên, Yên Dũng đang dồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng về GPMB KCN Yên Lư. Nhất quán chỉ đạo, quyết tâm cao, tin tưởng rằng tương lai không xa, miền quê vốn chỉ cấy lúa, trồng màu này sẽ trở thành vùng đất sôi động, tạo bước đột phá về thu nhập, mức sống của bà con sở tại.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)